Kinh tế mùa đông thời Covid ở Paris

0:00 / 0:00
0:00
Pháp đang vật lộn với “một mùa đông lạnh lẽo” chưa từng có: lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại, sức mua giảm, chứng khoán hút tiền như đồng cỏ khô hạn hút nước,...
Nửa đêm, trước cửa Opera Paris vẫn đông người

Nửa đêm, trước cửa Opera Paris vẫn đông người

Kể từ ngày 1/2/2022, lãi suất áp dụng cho các khoản tiền gửi vào sổ tiết kiệm Livret A (một loại tiết kiệm có số dư tối đa 22.950 euro, được Chính phủ đảm bảo chi trả trong bất kỳ tình huống nào kể cả khi ngân hàng nơi khách hàng mở sổ này phá sản) của người dân Pháp được nâng từ 0,5%/năm lên 1%/năm nhằm bù đắp lạm phát, theo lời Bộ trưởng Kinh tế Pháp trả lời báo chí. Một số nhà băng ở Paris bất ngờ, vì trước đó, họ dự đoán lãi suất này chỉ tăng lên mức 0,75%/năm.

Pháp cũng như tất cả các quốc gia châu Âu và châu Mỹ đang vật lộn với mức tăng chưa từng có của giá cả hàng hóa trong vòng 30 - 40 năm trở lại đây. Giá năng lượng, lương thực, thực phẩm tăng mạnh. Một cái bánh sừng bò mấy tháng trước có giá 1 euro, thì nay lên 1,1 -1,2 euro, thậm chí 2,5 - 3 euro ở các quầy hàng tại nhà ga, sân bay. Các tiệm bánh ngọt, bánh mỳ phàn nàn về việc giá bơ, bột mỳ, đường... leo thang, buộc họ phải nâng giá bán 20%, khiến khách hàng giảm mua.

Từ tháng 10/2021, khi mùa đông lạnh lẽo còn chưa đến, Chính phủ đã trợ cấp cho mỗi gia đình 100 euro tiền lò sưởi. Gần nhất, mấy ngày trước, Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Điện lực quốc gia (EDF, nơi Nhà nước nắm quyền chi phối) giảm giá bán năng lượng hạt nhân cho các đối tác nhằm hạn chế sự leo dốc của giá điện. Ngay lập tức, giá cổ phiếu EDF giảm gần 15% trong một ngày sau khi rớt tới 25% đầu phiên giao dịch.

Lạm phát chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi cuộc khủng hoảng vệ sinh dịch tễ do Covid-19 tiếp tục lan rộng. Riêng tháng 1/2022, ngày nào Pháp cũng ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới, có ngày vọt lên hơn 400.000 ca. Bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 “cháy hàng” với mức tiêu thụ 1,5 triệu đơn vị/ngày. Tuy nhiên, vì mức độ nhập viện và tử vong thấp, dân chúng càng ngày càng trễ nải trong tiêm chủng.

Tác giả tại Paris
Tác giả tại Paris

Antoine là giảng viên đại học. Anh rất sốt sắng tiêm 2 mũi Pfizer đầu tiên, nhưng đến mũi thứ 3 thì quyết định không tiêm nữa, dù đã quá 6 tháng. Anh bảo, thà nhiễm Omicron một lần còn hơn cứ 6 tháng lại phải tiêm chủng. Ở trường đại học nơi anh làm việc, nhiều sinh viên cũng nhiễm, họ cách ly 7 ngày rồi khỏi, chỉ hơi sụt sịt, đau đầu. Trên truyền hình, Bộ trưởng Y tế Pháp phát biểu, tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp là nhờ đã tiêm vắc-xin, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi.

Hà Lan vẫn phong tỏa. Một số nước hạn chế hoạt động đông người, yêu cầu quán cà phê, nhà hàng đóng cửa sớm. Hy Lạp quyết định từ tuần sau phạt 100 euro/tháng đối với những người trên 60 tuổi chưa tiêm vắc-xin.

Không giống như bất cứ điều gì đã diễn ra trong lịch sử, thị trường tài chính châu Âu đang vận hành theo một quy luật trật khỏi các học thuyết kinh tế. Càng lạm phát, sức mua càng giảm, dân gửi tiết kiệm nhiều hơn và tiền vẫn đổ vào chứng khoán, bất động sản. Năm 2019, trước đại dịch, tổng số dư tiền gửi trong sổ Livret A của toàn dân Pháp chỉ tăng 14,5 tỷ euro tính theo số tuyệt đối; năm 2020 nhảy lên 26,1 tỷ euro và năm 2021 còn cao hơn. Khoảng 304 tỷ euro là số dư hiện hữu (cao hơn tổng GDP năm 2021 của Việt Nam).

Chứng khoán hút tiền như đồng cỏ khô hạn hút nước. Chỉ số CAC40 của Pháp năm ngoái tăng 26% và gấp đôi trong 5 năm gần nhất. Tương tự là mức tăng chỉ số DAX của Đức. Cổ phiếu của các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận cao như sản xuất chíp bán dẫn neo ở mức đỉnh. Cổ phiếu vận tải biển, logistics như Maersk, Hapag Lloyd, CMA-CMG vươn lên tầm cao mới. Cổ phiếu năng lượng dẫn đầu đà tăng. Khi Tập đoàn IKEA nâng giá bán các sản phẩm bình quân thêm 9% trên toàn lãnh thổ lục địa già, cổ phiếu ngành gỗ, khai thác gỗ rừng hầu như không thể giảm, bất chấp đã đạt mức tăng bằng lần tăng năm ngoái.

Trong khi đó, những “người khổng lồ” như viễn thông, bán lẻ, máy móc, hàng không chật vật đứng tại chỗ. Air France, Lufthansa đã mở lại các chuyến bay thương mại trong địa phận châu Âu và qua châu Mỹ, triển vọng kinh doanh vẫn dự kiến lỗ cho năm 2022 này.

Các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là lớp trẻ, trở thành lực lượng hùng hậu trên thị trường. Pháp cho phép các nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản riêng đầu tư dài hạn, đầu tư vào doanh nghiệp vừa và nhỏ tối thiểu 5 năm được miễn thuế hoàn toàn. Nhà đầu tư không nhất thiết phải giữ cổ phiếu 5 năm, họ có thể mua bán, miễn là không rút tiền ra khỏi loại tài khoản này trước 5 năm. Từ năm thứ 5 trở đi, có thể tùy chọn giữ lại, rút ra, rút một phần. Hầu hết các nhà đầu tư đều sử dụng tài khoản này nhằm tận dụng ưu đãi không phải nộp thuế.

Trong khi các tổ chức trung thành với những nguyên tắc đầu tư ít nhiều bị chi phối bởi kinh nghiệm và lịch sử giao dịch, lớp nhà đầu tư cá nhân mới và trẻ rót tiền vào những ngành nghề với suy nghĩ riêng, quan sát riêng của họ. Cổ phiếu các công ty công nghệ sinh học (biotech) chuyên nghiên cứu, sản xuất các loại vắc-xin, trong đó có vắc-xin Covid-19, thuốc điều trị các bệnh ung thư, bệnh nhiệt đới cho khu vực châu Á biến thiên chóng mặt, có thể lên xuống vài chục phần trăm mỗi ngày.

Những ngày này, khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C về đêm ở Paris, trung tâm kinh đô nước Pháp vẫn rất nhiều khách du lịch, chủ yếu là khách châu Âu, nhất là Đông Âu, Nga. Quận 4, quận 5, quận 1…, các quán cà phê, nhà hàng mở cửa đến khuya. Người ta quay trở lại rạp chiếu phim, nhà hát, tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao. Vẫn có người xếp hàng chờ vào cửa hàng của những thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermès. Năm nay, thời gian bán hàng giảm giá mùa đông kéo dài hơn thường lệ. Biển hiệu giảm giá 50% nhan nhản khắp nơi, từ mỹ phẩm, quần áo, giày dép đến hàng tiêu dùng điện tử, máy móc và cả sách.

Đã bắt đầu có sự thay đổi dễ nhận ra trong dòng người du lịch, lớp trẻ chiếm tỷ trọng áp đảo. Cháu gái tôi 19 tuổi đang học đại học ở Amsterdam (Hà Lan) chỉ trong 2 tuần nghỉ Giáng sinh và năm mới, đã chu du tới 4 nước. Lớp trẻ đi lại nhiều hơn, tiếp xúc thường xuyên hơn, nên không khó hiểu khi tỷ lệ nhiễm Omicron ở người trẻ đang vượt trội so với người trung niên, lớn tuổi. Họ chi tiêu không mạnh tay bằng tầng lớp trung niên vì chưa có thu nhập tích lũy, nhưng “khẩu vị” của họ khiến nhiều nhãn mác hàng hóa phải chạy theo. Vì thế, những doanh nghiệp công nghệ mới trong lĩnh vực đặt phòng, thương mại điện tử đang cho thấy tiềm năng lớn và sẵn sàng “bùng nổ” khi Covid-19 kết thúc.

Tin bài liên quan