Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, thủ tục hành chính vẫn là một rào cản lớn đối với hoạt động kinh doanh

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, thủ tục hành chính vẫn là một rào cản lớn đối với hoạt động kinh doanh

Kinh tế tăng trưởng tốt, sao DN “khó thở“?

(ĐTCK) Các số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO) cũng như các tổ chức độc lập đều cho thấy tình hình kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2014 của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết hoạt động kinh doanh của họ vẫn rất “khó thở”, thậm chí một số cảm nhận rằng, kinh doanh năm nay còn khó hơn năm ngoái. Vì sao?

Chật vật với quyền tự do kinh doanh

Tại Diễn đàn Kinh doanh do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức tuần qua, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE Corp., cho biết, hiện nay, doanh nghiệp thay vì tập trung công sức để sản xuất kinh doanh thì lại phải lo quá nhiều các thủ tục hành chính. Thậm chí, thời gian cho các thủ tục hành chính không phải tính bằng ngày hay bằng tuần mà phải tính bằng quý, bằng năm.

Bà Thanh cũng trăn trở: “Theo tinh thần của pháp luật thì doanh nghiệp và người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi cảm thấy rất bất an vì không biết những việc doanh nghiệp làm nhưng pháp luật chưa có quy định thì có được phép không”.

Ông Lương Hoài Nam, Giám đốc điều hành Hãng hàng không Hải Âu thuộc Tập đoàn Thiên Minh (TMG), than phiền: “Doanh nghiệp Việt Nam có rất ít quyền tự do kinh doanh của so với các doanh nghiệp ở nơi khác. Một giám đốc doanh nghiệp rất khó có thể nhớ được một ngày hay một tuần mình phải ký bao nhiêu công văn gửi các cơ quan nhà nước. Điều này thể hiện một cơ chế xin cho và hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Vừa qua, khi thống kê lại, mọi người giật mình khi biết mỗi năm một doanh nghiệp phải mất trung bình 870 giờ để nộp thuế, trong khi con số này đối với các nước ASEAN chỉ có 171 giờ. Chính phủ yêu cầu đến năm 2015 nhất định phải giảm xuống 171 giờ như các nước ASEAN. Nhiều người nói đây là nhiệm vụ bất khả thi, giống như tựa đề một bộ phim, nhưng Chính phủ quyết tâm và cho rằng bất khả thi là trong phim, còn thực tế phải làm cho bằng được”.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ nhận thức rất rõ các “điểm nghẽn” hiện nay và quyết tâm giải quyết cho được để trong vòng 20 năm tới, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 8 - 9% một năm thay vì 5 - 6% như hiện nay. Ông Đam nói: “Nếu mọi người để ý, đầu năm bao giờ Chính phủ cũng có Nghị quyết số 1 về phát triển kinh tế cho cả năm. Năm nay, ngay sau Nghị quyết số 1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 2 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh. Chính phủ coi việc cải thiện môi trường kinh doanh là một tiêu chí đánh giá các bộ, ngành và thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước”.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết thêm, tự do kinh doanh không phải chỉ có quyền kinh doanh mà còn bao hàm một môi trường kinh doanh bình đẳng. Theo ông Thành, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi dự kiến ban hành vào cuối năm nay sẽ giúp nâng cao quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới cũng đòi hỏi môi trường kinh doanh của Việt Nam phải bình đẳng và minh bạch hơn.

Không liên quan đến quyền tự do kinh doanh, nhưng cơ sở hạ tầng yếu kém hiện nay cũng được nhiều người nêu ra như một điểm nghẽn khiến doanh nghiệp cảm thấy “khó thở”. Đi máy bay còn bị trễ giờ nói gì đến các phương tiện khác. Chuyến bay của Phó Thủ tướng từ Hà Nội vào TP. HCM để tham dự Diễn đàn cũng... bị trễ là một ví dụ sinh động.

Hạ tầng “mềm” như giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực cũng còn nhiều vấn đề. Trước câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều sinh viên ra trường không có việc làm, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói: “Có một số lý do giải thích tình trạng này. Thứ nhất, nền kinh tế không tạo ra đủ việc làm. Thứ hai, thị trường lao động hoạt động không hiệu quả. Và thứ ba, có sự lệch nhau giữa nhu cầu lao động trong nền kinh tế và đầu ra của hệ thống giáo dục”.

Dư địa chính sách không nhiều

Các doanh nghiệp còn cảm thấy “khó thở” vì nền kinh tế đang tập trung xử lý những tồn tại để ổn định trở lại, và cùng với đó là dư địa hạn hẹp của các chính sách. Năm 2011 đánh dấu bước ngoặt trong điều hành chính sách khi Việt Nam chuyển từ mục tiêu tăng trưởng sang ổn định, tập trung cải cách 3 lĩnh vực là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng.

Đến thời điểm này, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ rõ rệt. Lạm phát từ 20% giờ còn khoảng 5%, cán cân thanh toán quốc tế 5 tháng đầu năm thặng dư trên 10 tỷ USD, nhờ đó dự trữ ngoại tệ tăng nhanh chóng và hiện đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.

Nếu nhìn ở khía cạnh sản xuất, tức phía cung, có 2 dấu hiệu nhận biết sự cải thiện tích cực của nền kinh tế. Thứ nhất, chỉ số nhà sản xuất mua hàng PMI của HSBC trong 10 tháng liên tiếp đều trên 50 điểm, điều chưa từng có trong 3 năm qua. Thứ 2, ngân sách hiện tương đối “thong thả”, với mức thu 6 tháng đầu năm nay tốt hơn rất nhiều so với năm ngoái, đạt 53% so với dự toán kế hoạch cả năm.

Tuy nhiên, theo ông Thành, về tổng thể thì kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn và sự phục hồi khó có thể diễn ra nhanh chóng. Thứ nhất, đối với chính sách tiền tệ, dư địa tín dụng hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào việc xử lý nợ xấu, mà cách xử lý nợ của Việt Nam lại không giống ai, không có tiền nhưng phải xử lý một khối lượng nợ xấu rất lớn. Thứ hai, dư địa chính sách tài khoá không còn, do Chính phủ đã xin Quốc hội tăng trần thâm thụt ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP và tăng thêm 170.000 tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng trong 3 năm.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, nói: “Các chỉ số kinh tế trong 6 tháng đầu năm đều có sự cải thiện. Các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước dùng các con số này để nói rằng tình hình kinh tế đã cải thiện. Nhưng khi nói chuyện với các lãnh đạo doanh nghiệp thì rất nhiều ý kiến nói rằng vẫn khó khăn và cũng không ít người nói rằng, có khi còn khó khăn hơn cả năm ngoái”.

Ông Xuân Thành đặt vấn đề: “Vậy bức tranh kinh tế hiện nay thực ra như thế nào? Tưởng rằng có sự mâu thuẫn khi số liệu thì cho thấy tình hình đã được cải thiện trong khi doanh nghiệp lại cảm nhận vẫn rất khó khăn, nhưng hiện tượng này đang phản ánh đúng bản chất về sự vận hành của nền kinh tế hiện nay”.

Theo ông Xuân Thành, Việt Nam đã trải qua thời kỳ tăng trưởng mà không chú ý đến chất lượng, có nhiều thua lỗ, nhiều đổ vỡ, nhiều bất ổn vĩ mô và chính sách của Chính phủ thời gian qua tập trung nhiều nhất vào việc giải quyết các hậu quả này để ổn định trở lại. Từ nửa cuối năm ngoái và đầu năm nay, Chính phủ có nới lỏng tiền tệ và tài khoá, nhưng vì ưu tiên ổn định nên việc nới lỏng cũng có mức độ nhằm duy trì tăng trưởng ở khoảng 5 - 5,5%.

Đối với những tồn đọng, thua lỗ, đổ vỡ và nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, các chính sách của Nhà nước bị ràng buộc nên không giúp được gì nhiều cho nền kinh tế. “Cái mà Nhà nước giúp được là cho thời gian để các ngân hàng và doanh nghiệp tự xử lý. Những mục tiêu đề ra là cải cách, tái cơ cấu là làm từ từ, vì làm nhanh quá thì chi phí và đau thương sẽ lớn. Nợ xấu phải cần thời gian để xử lý khi không có được một cú hích hay nguồn lực đưa ra để giải quyết”, ông Xuân Thành nói.

Theo ông Xuân Thành, điều mà các doanh nghiệp mong đợi là cải cách thể chế. “Cải cách thủ tục hành chính không thôi chưa đủ, mà cần cú hích lớn. Cải cách hành chính chỉ là cái bên ngoài, chưa có động lực để cải cách thực sự. Điều quan trọng nhất theo tôi là Chính phủ cần tạo dựng và duy trì được các cơ quan quản lý và điều tiết nhà nước mang tính độc lập thực sự”, ông Xuân Thành nói.

Tin bài liên quan