Trên đường tác nghiệp: Những “tai nạn” vô tình

Trên đường tác nghiệp: Những “tai nạn” vô tình

(ĐTCK) Đã có những "tai nạn" vô tình xảy ra giữa phóng viên với doanh nghiệp, khiến cả hai bên đều bức xúc. Nhưng sau đó, mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp gắn bó hơn, hai bên hiểu nhau hơn và thông tin được tăng cường chia sẻ.

Câu nói gây rắc rối

Một lần, tôi viết bài về tin đồn một tập đoàn lớn bị đối tác chiến lược thoái toàn bộ vốn. Khi tôi liên hệ, lãnh đạo tập đoàn trả lời “tôi không biết về thông tin này” và theo nguyên tắc, tôi trích nguyên văn. Nhưng câu nói tạo cảm giác lãnh đạo của chính tập đoàn lại không hay biết một thông tin quan trọng như vậy, khiến cho ông muốn khiếu kiện.

Tòa soạn khi đó đã sắp xếp cho tôi gặp mặt riêng với vị lãnh đạo của Tập đoàn. Sau khi nghe tôi trình bày quan điểm của mình, ông đã khiến tôi bất ngờ và có phần nể phục khi nói: “Tôi gặp bạn không phải để chê trách, mà để bạn có thể hiểu vì sao tôi trả lời như vậy”.

“Việc thoái vốn chúng tôi tất nhiên biết. Họ thoái vốn không phải vì chúng tôi hoạt động không hiệu quả, mà vì chúng tôi sẽ có đối tác khác phù hợp hơn thay thế. Nhưng Tập đoàn cam kết im lặng trước khi các đối tác thông báo chính thức”, ông lý giải. “Có thể cách tôi truyền thông điệp nhất thời có sơ suất, nên tôi muốn từ nay chúng ta có thể trao đổi hiệu quả hơn”, ông nói thêm.

Thực ra, đó gần như là câu chuyện nhẹ nhàng nhất trong những câu chuyện khiếu kiện với DN mà những người làm báo với vai trò phản biện phải đối mặt hàng ngày. Quá trình làm báo giúp tôi biết rằng: bất kỳ DN nào, dù lớn dù nhỏ đều vấp phải những vấn đề “khó nói” nhất định. Nhưng điều quan trọng là chúng tôi luôn cần các DN lên tiếng, ít nhất là trao đổi một cách cởi mở để vấn đề đó được rõ ràng hơn, tránh những hiểu lầm và khiếu kiện không đáng có. 

“Sáng nay hơi bức xúc!”

Bài “Bảo hiểm vật chất ô tô lỗ gần 1.000 tỷ đồng” dựa trên số liệu báo cáo của các DN bảo hiểm gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) của tôi đã nhận được nhiều phản hồi từ các DN bảo hiểm phi nhân thọ, AVI, lẫn cơ quan quản lý là Cục Quản lý giám sát bảo hiểm.

Có ý kiến cho rằng, con số đó phản ánh đúng thực trạng của mảng bảo hiểm vật chất ô tô, thậm chí số lỗ thực tế có thể còn cao hơn. Tuy nhiên, có ý kiến gay gắt: “Đó là con số nội bộ của ngành, chưa phải con số chính thức để lên báo”.

Lãnh đạo một số DN lớn như CEO Bảo Minh, Chủ tịch Bảo hiểm PVI gọi điện trực tiếp cho tôi và yêu cầu được “nói lại cho rõ” số liệu trên (một bài báo sau đó đã để họ lên tiếng, thể hiện chính kiến của mình).

Người đứng đầu AVI thì phân trần về số liệu nêu trên và đề nghị gỡ bài trên Báo ĐTCK điện tử.

Lãnh đạo cơ quan quản lý trực tiếp mảng bảo hiểm phi nhân thọ là Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng tỏ thái độ không hài lòng về con số “xấu xí” được phơi bày trên mặt báo. Gặp tôi tại một hội nghị về bảo hiểm sau đó, ông có những lời lẽ khá nặng lời.

Với tâm trạng buồn bã, thất vọng, tôi ra về và nhắn tin cho vị lãnh đạo đó: “Tôi rất chia sẻ về những áp lực của anh trong công tác quản lý giám sát thị trường trong bối cảnh thị trường quá khó khăn, nhưng tôi không cho phép anh hạ nhục tôi về việc đã chỉ ra những góc khuất của thị trường. Anh có thể lên tiếng nếu tôi viết sai, trong khi mọi thông tin ở đây đều có nguồn cả. Hơn thế, bài báo còn để DN bảo hiểm nói về hướng giải quyết trong thời gian tới, chứ không hề đưa tin một chiều”.

Vị lãnh đạo trên nhắn lại: “Xin lỗi nhà báo, sáng nay hơi bức xúc”. 

Doanh nghiệp “né” báo chí

Trong cuộc chạy đua thông tin, nhiều tờ báo kinh tế đã có những bài viết “giật gân câu khách”. Tình trạng này nhiều khi được “tiếp tay” bởi chính DN, khi DN “né” báo chí trước những thông tin không tốt liên quan đến DN. Vì thế, báo chí đành phải đưa thông tin một chiều, tức không có ý kiến phản biện từ phía DN, trong đó cũng có trường hợp những điểm xấu được nhấn mạnh, thậm chí được phóng đại.

Thực tế cho thấy, trong những trường hợp như vậy, DN “né” báo chí khiến uy tín và hoạt động kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nhiều hơn, khi DN đưa ra lời giải thích thì “má đã sưng”.

Đại diện một DN bất động sản lớn tại Hà Nội mới đây chia sẻ, do thị trường khó khăn, khiếu kiện của khách hàng xuất hiện nhiều, nên không ít DN trong lĩnh vực này có xu hướng né tránh báo chí. Bản thân DN này cũng “né” báo chí trong suốt thời gian dài. Thế nhưng, càng né tránh, báo chí đưa tin về DN càng thiên lệch, có thể khiến uy tín của DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, ban lãnh đạo của DN đã phải thay đổi, cởi mở với báo chí, sẵn sàng trả lời báo chí về các vấn đề nóng liên quan đến DN và cởi mở trong quan hệ với khách hàng hơn.

Sự cởi mở, theo vị đại diện nêu trên, đã được khách hàng đánh giá cao. Trong khi đó, những thông tin tích cực hay tiêu cực, đại diện DN đều sẵn sàng đưa ra quan điểm chính thức, đa chiều nên dần lấy lại được uy tín và niềm tin.

Tin bài liên quan