Việt Nam có thể đón đợi cơ hội từ diễn biến bất ngờ của kinh tế thế giới trong năm 2015

Việt Nam có thể đón đợi cơ hội từ diễn biến bất ngờ của kinh tế thế giới trong năm 2015

Kinh tế thế giới 2015: Đón đợi bất ngờ và phân hóa

Đầu năm 2015, Thụy Sĩ bất ngờ bỏ việc neo giữ đồng franc Thụy Sĩ với đồng euro, làm cho đồng Euro mất giá 16% so với franc Thụy Sĩ, một cú sốc lớn đối với giới kinh doanh ngoại tệ. Đây có lẽ là tín hiệu cho thấy, năm 2015 là một năm của những điều bất ngờ trong các chính sách điều hành và sự kiện kinh tế - chính trị toàn cầu.

Sự phân hóa ở các thị trường mới nổi

Giá dầu giảm, đồng đô-la Mỹ tăng mạnh và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại tạo ra áp lực khiến giá hàng hóa tiếp tục trong xu thế giảm từ sau khủng hoảng kinh tế 2008. Giá gạo, cao su, cà phê, đường, lúa mì, trà và các loại kim loại đều đang ở xa đỉnh của nó từ sau khủng hoảng. Với việc duy trì của xu thế giảm giá dầu, sự mạnh lên của đồng đô-la Mỹ và xu thế tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, chưa có dấu hiệu gì cho thấy giá các loại hàng hóa này có thể quay lại đà tăng giá nhanh trong năm 2015.

Điều này tạo ra một tiến trình phân hóa mạnh trong tăng trưởng ở các thị trường mới nổi. Trong khi những thị trường tiêu thụ chính của một số loại hàng hóa (đặc biệt là dầu thô) sẽ hưởng lợi và gặp thuận lợi cho tăng trưởng (như những nền kinh tế Ấn Độ, Đài Loan), thì một số nền kinh tế đang phát triển, chuyên xuất khẩu những hàng hóa này sẽ bị thiệt hại đáng kể (như Venezuela).

Bên cạnh đó, ở những nước cung cấp than và các kim loại liên quan đến lĩnh vực xây dựng, sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc tiếp tục là một lực cản đối với tăng trưởng kinh tế ở những nước này. Điều này đồng thời sẽ tạo ra một tình huống khá đặc biệt ở các thị trường đang phát triển trong năm 2015. Đó là một số nước có thể có lạm phát rất thấp và người dân lẫn doanh nghiệp sẽ trì hoãn chi tiêu, một kịch bản tương tự như những gì đã và đang diễn ra ở châu Âu. Những nước này sẽ phải hạ lãi suất và nới lỏng tiền tệ, đồng thời tìm cách kích thích tiêu dùng của người dân.

Trong khi đó, ở một vài nước khác, việc đồng đô-la Mỹ mạnh lên và sự trượt giá nhanh của đồng tiền nội tệ sẽ khiến họ gặp rắc rối với vấn đề đảo ngược dòng vốn, lạm phát tăng nhanh hơn dự đoán do việc mất niềm tin vào đồng tiền và buộc những nước này phải giữ lãi suất cao hơn. Những nước đó có thể phải duy trì một lãi suất nội tệ cao để giữ giá đồng tiền nội tệ, ngăn cản việc chuyển đổi tài sản sang đồng ngoại tệ và kiềm chế lạm phát. Cái giá phải trả sẽ là tăng trưởng khó khăn hơn, đặc biệt là nếu họ ở tình trạng cần phải nới lỏng tiền tệ để kích thích kinh tế.

Nhìn chung, năm 2015 sẽ là một năm mà các thị trường mới nổi có sự phân hóa mạnh. Một số nước được kỳ vọng sẽ bứt phá đáng kể so với năm 2014 (như Ấn Độ), trong khi một số nước đánh vật với tăng trưởng chậm lại (Trung Quốc) hoặc tiếp tục chìm sâu vào những rắc rối (như Brazil). Một số nền kinh tế phải lo đối phó với giảm phát, nhưng một số sẽ nhức đầu với vấn đề tỷ giá và lãi suất, cũng như hàng xuất khẩu của họ ngày càng mất giá. 

Châu Âu và những rủi ro  khó lường

Châu Âu bước vào năm 2015 trong tình thế không quá tệ như một số người lo sợ, nhưng cũng không được tốt như mong đợi. Dự báo tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng euro vào khoảng 0,9% đến 1,5% tùy theo tổ chức dự báo, song phần lớn đều là điều chỉnh tăng nhẹ so với mức ước tính tăng trưởng năm 2014.

Nói đơn giản, châu Âu đã bước qua năm 2014 đầy sóng gió một cách an toàn (nỗi lo tái khủng hoảng đã không xảy ra) và vẫn đang “tiến bộ” so với chính bản thân kể từ sau khủng hoảng toàn cầu và khủng hoảng nợ khu vực này. Những nước từng lâm vào khủng hoảng như Tây Ban Nha và Ireland cho thấy một vài dấu hiện cải thiện về thâm hụt ngân sách và hệ thống ngân hàng.

Dù vậy, năm 2015 vẫn sẽ là một năm khó lường đối với châu Âu. Về mặt kinh tế, vấn đề nội tại của châu Âu như lạm phát thấp, thất nghiệp trong thanh niên ở nhiều nước quá cao, tăng trưởng kinh tế yếu khiến các nhà phân tích đánh giá thấp triển vọng hồi phục của các nền kinh tế châu Âu. Trong khi đó, người ta vẫn còn đang tranh cãi rằng, liệu thị trường nhà đất ở nền kinh tế vững mạnh hàng đầu châu Âu là Đức có đang trong tình trạng bong bóng và đe dọa sự ổn định của nước này hay không? Khi kinh tế Đức đã cho thấy một số dấu hiệu tăng trưởng chậm lại trong xuất khẩu và cả nền kinh tế (GDP năm 2015 của Đức bị điều chỉnh giảm từ 2% xuống 1,3%), người ta bắt đầu đặt câu hỏi, liệu Đức có rơi vào suy thoái hay không và thị trường nhà sẽ ra sao?

Năm 2015 có thể là một năm “điều chỉnh” không dễ dàng cho người Đức sau nhiều năm là điểm tựa ổn định cho cả nền kinh tế khối đồng tiền chung. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với khu vực châu Âu không đến từ nội tại nền kinh tế mà đến từ những rủi ro địa chính trị. Đây cũng là vấn đề mà nhiều khu vực khác phải lưu tâm, như đề cập ở phần tiếp theo. 

Rủi ro từ địa chính trị:  Không thể xem nhẹ

Những vấn đề ở Nga và Ukraine nhắc người ta nhớ lại vấn đề về những rủi ro chính trị tại nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ riêng ở châu Âu. Điều này trước tiên đe dọa đến an ninh năng lượng và sự ổn định trong sản xuất cũng như sự ổn định của giá trị các đồng tiền những nước trong và ngoài Liên minh châu Âu.

Trong bối cảnh chung đó, Hy Lạp vẫn đang vay nợ và thường xuyên phải thương lượng về các khoản nợ của mình với chủ nợ. Một trong những lựa chọn của họ là… không trả nợ (hoặc buộc chủ nợ xóa một phần lớn khoản nợ), không thắt lưng buộc bụng nữa và rời khỏi Liên minh châu Âu. Đó là một trái bom nổ chậm treo trên đầu thị trường tài chính khu vực này. Việc Hy Lạp tiến hành bầu cử lại trong năm 2015 khiến cho nguy cơ này càng đáng ngại hơn. Nếu phe chiến thắng trở nên cứng rắn hơn trong thương lượng với các chủ nợ lớn, sự bất ổn trên thị trường tài chính sẽ gia tăng và người ta sẽ lại nói về khủng hoảng nợ.

Rủi ro chính trị cũng tiềm ẩn ở những nền kinh tế chủ chốt khác. Năm 2015 là một năm của những cuộc bầu cử đáng chú ý tại các nền kinh tế châu Âu như Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Nó cũng là năm trước những cuộc bầu cử quan trọng tại Mỹ và Hàn Quốc. Đây là thời điểm mà những thay đổi chính sách, những lời hứa của các chính trị gia tranh cử có thể làm xáo trộn hoàn toàn những chính sách và đường lối phát triển hiện tại, tạo ra những phản ứng mạnh tức thì từ thị trường tài chính.

Chẳng hạn, liệu một số chính trị gia châu Âu có còn muốn tiếp tục ở lại trong Liên minh châu Âu, liệu họ sẽ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng, cứng rắn hơn trong thương lượng với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cũng như với chủ nợ tư nhân? Hay liệu Mỹ sẽ thực hiện chính sách giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp hay tiếp tục cố gắng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo? Con đường sắp tới của Hàn Quốc sẽ là gì? Với Trung Quốc, ẩn số mà nhiều quỹ đầu tư quốc tế vẫn lo sợ là con đường cải cách đang được tiến hành liệu có thuận lợi? 

Với bối cảnh đó, năm 2015 là năm mà giới phân tích kinh tế phải theo dõi sát sao hơn những biến động chính trị trên toàn cầu. Một sự kiện chính trị từ một nơi xa xôi nào đó hoàn toàn có thể tác động xấu đến giá tài sản họ đang sở hữu một cách bất ngờ nhất. 

Việt Nam 2015: Thách thức với chính sách tiền tệ và xuất khẩu

Với việc đồng đô-la Mỹ mạnh lên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng tăng lãi suất, trong khi đó, đồng euro và yên Nhật duy trì xu thế mất giá, và họ nhiều khả năng duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Do đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những biến động ngược chiều của những đồng tiền chủ chốt, cả về giá trị và lãi suất. Liệu Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục chọn điều hành tỷ giá theo kiểu neo chủ yếu vào đồng đô-la Mỹ hay phải thực sự nhìn vào tỷ giá đa phương?

Một thách thức khác của Việt Nam năm 2015 là cân bằng giữa việc ổn định niềm tin vào đồng nội tệ và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu lãi suất nội tệ giảm nhiều và tỷ giá ngoại tệ tăng nhanh so với nội tệ, người dân có thể chuyển tài sản nắm giữ từ nội tệ sang ngoại tệ.

Thêm vào đó, nếu vàng tăng giá mạnh trở lại trong năm 2015 do độ bất ổn cao hơn của kinh tế thế giới thì rất khó lường được hành vi của người dân. Vì vậy, mục tiêu duy trì tính hấp dẫn của việc giữ VND sẽ gặp khó khăn, bởi dư địa giảm lãi suất không còn nhiều để dự phòng cho những biến động bất thường như vậy.

Ở khía cạnh xuất khẩu, nếu kinh tế Trung Quốc suy yếu nhanh hơn dự đoán, nhiều đối tác xuất khẩu chính của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng xấu đối với tăng trưởng (chẳng hạn Nhật Bản và chính bản thân Trung Quốc). Mặt khác, với việc giá nhiều hàng hóa như dầu thô, gạo, cao su, cà phê đang trong đà giảm giá, một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đang gặp nhiều thử thách.

Trong khi có người lo lắng về kinh tế Việt Nam thì người viết nhìn thấy nhiều cơ hội từ những bất ổn đã phân tích ở trên. Nó có thể khiến dòng vốn quốc tế tạm “dừng chân” ở Việt Nam - một nước mà giá tài sản không quá đắt do đợt điều chỉnh gần đây, nền tảng vĩ mô cải thiện dần trong năm 2014 sau nỗ lực tái cấu trúc. Vấn đề là Việt Nam cần cho thấy quyết tâm cải cách và nắm bắt cơ hội, giữ chân nhà đầu tư nước ngoài và hấp thụ vốn ngoại một cách hiệu quả hơn. Cách thức phản ứng trước những cú sốc bất ngờ và đối xử với nhà đầu tư trong những thời điểm nóng cũng sẽ tác động đến hiệu quả của nền kinh tế năm 2015.

Tin bài liên quan