Ảnh Internet

Ảnh Internet

Kinh tế vĩ mô thử sức trước biến động thế giới

(ĐTCK) “Cú sốc ngoại sinh” luôn là bài toán đau đầu với mọi quốc gia trên thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ. Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, có 4 cú sốc chính sẽ tác động tới nền kinh tế thực, cũng như thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm: Giá dầu tăng; USD mạnh lên; áp lực lạm phát cùng tăng lương công nhân tại các nước đang phát triển và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong đó, rủi ro từ ông Trump đang “vươn vòi bạch tuộc” tới khắp nơi như căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang, áp thuế lên các nước đồng minh hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran… Mặc dù những tác động tới nền kinh tế thực chưa được thể hiện rõ nhưng chúng ta không thể phủ nhận thị trường tài chính đã liên tục rung lắc trong thời gian qua.

Nhạy cảm nhất là sự biến động của tỷ giá khi quan hệ thương mại giữa các quốc gia và khu vực dường như đang được thiết lập lại trật tự. Trong khi đồng bạc xanh đổi chiều và tăng giá 2,6% trong quý I/2018, hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác đều đồng loạt mất giá. Đáng lưu tâm nhất là sự phản ứng của đồng nhân dân tệ, khi quay đầu mất giá hơn 6% so với thời điểm đầu tháng 4/2018.

Tính chung quý I, đồng tiền này đã mất giá 2,6% so với đầu năm. Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế mới nổi/đang phát triển sẽ rất dễ tổn thương, điển hình như trường hợp của Indonesia và Philippines khi đồng nội tệ hai quốc gia này lần lượt giảm 6,2% và 7,3% từ đầu năm đến nay.

Tại thị trường trong nước, tâm lý lo sợ tiếp tục chi phối hành động của nhà đầu tư. Đến hẹn lại lên, tỷ giá tự do một lần nữa dậy sóng và tạo sức ép lên tỷ giá giao dịch trong hệ thống ngân hàng. Tính tới cuối quý I/2018, tỷ giá trên thị trường tự do đã tăng 2,3% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với mức 1,6% biến động của tỷ giá giao dịch ngân hàng.

Chứng khoán Rồng Việt đánh giá, rủi ro tỷ giá năm 2018 lớn hơn rất nhiều so với những gì ghi nhận vào cuối năm 2016 - xung quanh thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ. Mặc dù tình hình căng thẳng thương mại trên toàn cầu có thể dịu bớt khi EU cũng như các quốc gia châu Á đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động tự do hóa thương mại nhưng câu chuyện tỷ giá vẫn sẽ rất nóng trong thời gian tới, do Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước được đánh giá đủ khả năng giữ tỷ giá ổn định với biên độ mất giá tối đa 2% nhờ dự trữ ngoại hối tăng khá nhanh trong thời gian qua và đạt 64 tỷ USD. Điều đó đồng nghĩa với sức ép sẽ bị dồn nén sang năm 2019 và sẵn sang bùng phát nếu ngòi lửa “chiến tranh thương mại” bùng cháy trở lại.

Bên cạnh câu chuyện tỷ giá, Chính phủ Việt Nam cũng đang kiểm soát chặt lạm phát khi cú sốc “giá dầu tăng” một lần nữa nhen nhóm xuất hiện trở lại. Tính đến hết quý I/2018, lạm phát chung tăng 2,2%, so với mức 2,6% của cả năm 2017. Từ đó cho thấy, áp lực lạm phát trong năm 2018 lớn hơn nhiều so với một năm trước.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã thực hiện chính sách 3 không gồm: Không tăng giá điện trong 2018, không tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu vào tháng 9/2018 và không tăng giá dịch vụ y tế liên tục. Trong trường hợp xấu, giá dầu WTI đạt ngưỡng 80 USD/thùng, tức tăng 30% so với đầu năm, rủi ro lạm phát vượt ngưỡng 4% do Quốc hội đặt ra hoàn toàn có thể xuất hiện.

Nhìn chung, Chứng khoán Rồng Việt nhận định, những mục tiêu quốc gia do Quốc hội đề ra từ đầu năm liên quan tới tỷ giá và lạm phát vẫn sẽ trong tầm kiểm soát nhờ sức chịu đựng của kinh tế Việt Nam được nâng cao. Tuy nhiên, áp lực cộng dồn trong năm 2019 sẽ rất lớn nếu như căng thẳng thương mại tiếp tục gia tăng. Khi đó, hệ thống ngân hàng có thể đối diện sức ép tăng lãi suất trong năm 2019, khiến người tiêu dùng, đặc biệt là các cá nhân vay mua nhà, sẽ không tránh khỏi sự lo sợ trong lần đầu đối mặt với áp lực tăng lãi suất.

Dù những biến động tài chính vẫn được kiểm soát trong ngắn hạn, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nhằm gia tăng nền tảng kinh tế thực quốc gia. Đáng chú ý, khu vực kinh tế tư nhân đang có sự trỗi dậy với các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực sản xuất thay thế hàng hóa nhập khẩu như xăng dầu, thép, ô tô, dược phẩm, thực phẩm và đồ uống…

Tỷ lệ vốn đầu tư khu vực tư nhân lần đầu tiên chiếm trên 40% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Hầu hết các lĩnh vực trên đều đang nắm giữ lượng lớn tiềm lực của nền kinh tế và nhận được sự hỗ trợ từ chính sách bảo hộ của chính phủ. Mức lan tỏa ảnh hưởng sang toàn nền kinh tế sẽ quyết định sự thắng hay bại trong cuộc chơi này. 

Tin bài liên quan