Các chuyên gia đều có chung nhận định khả quan về dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam

Các chuyên gia đều có chung nhận định khả quan về dấu hiệu phục hồi của kinh tế Việt Nam

Kinh tế Việt Nam: nhiều dấu hiệu hồi phục nhưng mong manh

(ĐTCK) Nhận định về sự lạc quan của nền kinh tế Việt Nam đang trên đà dần hồi phục khá xuyên suốt tại Hội thảo “Kinh tế thế giới và Việt Nam: Thực trạng 2014 và triển vọng 2015” do VPBank, VPBS, Bloomberg, IMF phối hợp tổ chức với sự bảo trợ thông tin của Báo Đầu tư diễn ra ngày hôm qua (4/11) tại Hà Nội.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, đà hồi phục vẫn còn mong manh vì nền kinh tế còn đối mặt nhiều thách thức liên quan đến câu chuyện đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tin tưởng, sắp tới sẽ có làn sóng mới về FDI. Đó là sự chuyển dịch đầu tư của các DN hàng đầu thế giới từ Trung Quốc cũng như các quốc gia khác sang Việt Nam như Samsung, LG, Intel…

“Tôi hy vọng năm nay vốn FDI thực hiện sẽ đạt khoảng 12,8 tỷ USD và những năm tới sẽ vào khoảng 15 - 17 tỷ USD. Làm thế nào để tạo sự lan tỏa từ khu vực này đối với sự phát triển của DN trong nước rất quan trọng”, ông Mại nói.

Đồng quan điểm nền kinh tế có nhiều dấu hiệu tích cực, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện. Điều này sẽ đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế cũng như đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DN, bên cạnh đó còn là câu chuyện hội nhập với 6 hiệp định thương mại tự do đang đàm phán sẽ sớm được ký kết…

HSBC cũng vừa công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần được điều chỉnh theo mùa, một chỉ số tổng hợp được tạo ra nhằm khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất, cho biết, chỉ số này đã giảm nhẹ từ mức 51,7 điểm trong tháng 9 còn 51 điểm trong tháng 10, nhưng vẫn báo hiệu có sự cải thiện chung về điều kiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất. Các điều kiện kinh doanh đã cải thiện hơn trong 14 tháng qua.

Báo cáo của HSBC cho biết thêm, các nhà sản xuất ở Việt Nam có số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên tháng thứ hai liên tiếp sau khi giảm nhẹ trong tháng 8, mặc dù mức tăng trong tháng 10 yếu hơn so với tháng 9. Một số thành viên nhóm khảo sát cho biết, số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng nhờ hoạt động bán hàng xuất khẩu tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng sáu tháng. Số lượng đơn đặt hàng mới nhiều hơn, nên trong tháng 10, các công ty tiếp tục tăng sản xuất, là tháng tăng thứ mười ba liên tiếp, mặc dù tốc độ tăng rất nhẹ.

Trinh Nguyen, Chuyên viên kinh tế, Ngân hàng HSBC nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục. Chỉ số PMI của tháng 10 cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng nhờ số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tăng lên, từ đó cho thấy rõ sức cạnh tranh của quốc gia trong ngành sản xuất dựa nhiều vào lao động. Chỉ số việc làm đã tăng mạnh, một dấu hiệu tích cực cho triển vọng về nhu cầu trong tương lai của các nhà sản xuất.

“Chúng tôi kỳ vọng lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng dựa vào nhu cầu cao hơn ở nước ngoài. Vấn đề còn lại là để các khu vực trong nước cùng đóng góp nhằm giúp Việt Nam đạt trở lại mức tăng trưởng trung bình trong dài hạn”, Trinh Nguyên nói.

Đánh giá triển vọng về TTCK, ông Barry Weisblatt, Giám đốc khối phân tích Công ty TNHH Chứng khoán VPBank cho rằng, năm 2007, tăng trưởng GDP đạt 8% và giảm xuống mức 6,19% vào quý III/2014. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, TTCK đã tăng khoảng 20% cho thấy những tín hiệu lạc quan trên thị trường này.

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, tăng trường GDP của Việt Nam đang trên đà hồi phục, nhưng tăng trưởng bền vững đến đâu vẫn là vấn đề cần quan tâm. Lạm phát thấp phản ánh tổng cầu còn yếu, tăng trưởng tín dụng thấp trong bối cảnh nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào tín dụng cho thấy cơ sở của tăng trưởng vẫn chưa thực sự ổn định. Do đó, cần có những đánh giá về cơ sở tăng trưởng tín dụng và ẩn sau những con số này là vấn đề về chất lượng, cơ cấu vẫn cần phải xem xét.

“Cần tôn trọng thị trường để có được sự phân bổ nguồn lực tốt. Hiện trong cạnh tranh, khu vực tư nhân luôn bị lép vế, nên cần phải chú trọng để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng. Đây là điểm then chốt...”, ông Trần Đình Thiên nói.

“Cần xem xét lại toàn bộ các dự án đầu tư công những năm trước đã làm nhưng chưa thực sự hiệu quả. Chính phủ giao cho các tổ chức xã hội, tổ chức tư vấn… để thành lập Ủy ban Giám sát về đầu tư công. Nếu làm được sẽ cắt giảm được nhiều chi phí và hiệu quả đầu tư sẽ tăng ít nhất 10 - 15%. Bên cạnh đó, NHNN nên đặt mục tiêu năm 2015 là năm của DN, nâng cao khả năng cho vay đối với những DN tốt, dự án tốt với lãi suất thấp, thủ tục cởi mở hơn, qua đó giúp DN có cơ hội phục hồi và phát triển”, ông Nguyễn Mại khuyến nghị.   

Tin bài liên quan