Kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt 5 khó khăn lớn

Tại Hội nghị CEO Summit 2014, với chủ đề “Tái định hình các ưu tiên chiến lược của doanh nghiệp lớn Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp 2014 - 2016” diễn ra hôm qua (5/8), tại TP.HCM, các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những biến đổi thích hợp trong điều hành kinh tế vĩ mô và phương pháp tận dụng những thế mạnh vốn có của nền kinh tế Việt Nam.
Kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt 5 khó khăn lớn

Đó sẽ là những gợi ý cần thiết để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển, nhằm thích ứng với tình hình mới.    

Nhận định về kinh tế Việt Nam 2014 - 2016, TS. Vũ Minh Khương, Trường Đại học Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc qua Singapore) cho rằng, triển vọng kinh tế là đáng khích lệ, nhưng còn thấp hơn nhiều so với tiềm năng. “Tăng trưởng trong 3 năm tới, nhiều khả năng sẽ ổn định và được nâng từ mức 5,5%/năm hiện nay nhích lên 6%, rồi 7%”, ông nói.

TS. Khương cho rằng, lạm phát thấp và ổn định kinh tế vĩ mô được tăng cường, là điều kiện cần và nếu Việt Nam tận dụng được lợi thế lớn về chi phí lao động thấp và nhanh chóng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, cộng thêm những đột phá trong cải cách trong thời gian tới, thì kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mức tăng trưởng GDP ở mức 8%, thậm chí có thể cao hơn. “Các doanh nghiệp lớn cần điều chỉnh lại chiến lược để tận dụng tối đa những lợi thế của đất nước, thích ứng mạnh mẽ với các đổi thay nhanh chóng trong bức tranh kinh tế trong nước và khu vực”, TS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh.

“Sự thay đổi của các nền kinh tế trong khu vực ASEAN đang tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, là đánh giá của ông David Hovenden, Giám đốc PwC Strategy& Khu vực Đông Nam Á.

“Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ có hiệu lực vào năm 2015. Hoạt động của Cộng đồng sẽ tạo nên sự thay đổi về tính chất của từng nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực. Sự thay đổi đó sẽ được các quốc gia lớn trên thế giới xem xét để cân nhắc việc đầu tư vào từng quốc gia”, ông David Hovenden nói và cho biết, sự hấp dẫn từ các nền kinh tế của các quốc gia trong khối ASEAN là không thể phủ nhận, thậm chí, Việt Nam còn có thêm lợi thế so sánh, khi có lực lượng lao động cạnh tranh, trẻ và chi phí tương đối rẻ.

Ngoài các yếu tố về lao động, Việt Nam còn có khu vực sản xuất hàng nông sản xuất khẩu như gạo, cà phê, chè rất cạnh tranh; các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và sức tiêu thụ nội địa lớn.  

Tuy nhiên, ông David Hovenden cho rằng, dù có được những tiềm năng như vậy, nhưng Việt Nam vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với 5 khó khăn lớn.

Một là, môi trường kinh doanh còn phức tạp.

Hai là, hệ thống tài chính bất ổn và kém hiệu quả.

Ba là, lạm phát ở mức cao so với các nước ASEAN.

Bốn là, rủi ro toàn hệ thống ngân hàng, nợ xấu còn cao.

Năm là, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chỉ đưa ra dự báo về tình hình kinh tế vĩ mô và cơ sở hạ tầng Việt Nam trong ngắn hạn, nửa cuối năm 2014, theo ông Marc Townsend, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại TP.HCM (Amcham) thì, các chỉ số kinh tế vĩ mô và yếu tố phát triển cơ bản của Việt Nam có vẻ đang đi đúng hướng, các nỗ lực trong đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng tiếp tục “gây kinh ngạc cho các nhà đầu tư”, đặc biệt là tiến độ xây Tuyến Metro số 1 với công trình đường nối Quận 1 (TP.HCM). “Đây sẽ là lực đẩy cần thiết thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến Việt Nam trong thời gian tới”, ông Marc Townsend nói.  

Cùng với đó, ông Marc Townsend cũng đưa ra dự báo rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ chỉ có thể thông qua sớm nhất là năm 2015, trong khi đó, căn cứ vào tiến độ đàm phán của các bên, thì có thể thấy, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với châu Âu sẽ được ký kết trước. Có lẽ, đây sẽ là những chỉ dẫn cần thiết để các doanh nghiệp điều chỉnh trong chiến lược xuất- nhập khẩu và điều chỉnh chiến lược đầu tư đón đầu, để tận dụng những thuận lợi có được từ các hiệp định trên.

Trước những dự báo trên, các chuyên gia tại CEO Summit 2014 cho rằng, đã đến lúc các công ty lớn cần điều chỉnh lại chiến lược để tận dụng tối đa những lợi thế của đất nước. Những điều chỉnh này cần tập trung vào ba vấn đề: tăng trưởng thông qua kiến tạo giá trị mới; tăng trưởng thông qua tăng năng suất; tăng trưởng với năng lực cốt lõi được tăng cường.

Tin bài liên quan