Theo dự kiến, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV sẽ họp trực tiếp toàn bộ thời gian.

Theo dự kiến, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV sẽ họp trực tiếp toàn bộ thời gian.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội quyết định những gì?

0:00 / 0:00
0:00
Quốc hội đang chuẩn bị kỳ họp thứ ba với nhiều vấn đề được đặt lên bàn nghị sự: giám sát tối cao để gỡ khó cho công tác quy hoạch, chọn chuyên đề giám sát cho năm 2023,...

Tiếp tục gỡ khó cho quy hoạch

Tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch.

Đó là thông tin được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ nhằm rà soát công việc liên quan đến Luật Quy hoạch và hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”.

Cùng thời điểm đó, trong phiên họp thứ mười, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định khai mạc kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vào ngày 23/5 (làm việc khoảng 20 ngày) và chốt lại nội dung kỳ họp, trong đó có chuyên đề giám sát tối cao nói trên.

Trước khi trình Quốc hội, kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào chiều 25/4.

Đây là chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên của Quốc hội khóa XV, được nhìn nhận là rất khó. Ở phiên họp chuyên đề nói trên, theo đánh giá của Thủ tướng, quá trình thực hiện Luật Quy hoạch gặp nhiều vướng mắc, dù đã tích cực giải quyết, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lý.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhiều lần bày tỏ sự sốt ruột khi đến nay mới lập được một quy hoạch ngành quốc gia, một quy hoạch của tỉnh, một quy hoạch vùng, 4 quy hoạch ngành, tất cả các quy hoạch được lập mới “đếm trên đầu ngón tay”.

Khẳng định chọn giám sát chuyên đề về quy hoạch là rất trúng, rất chính xác, Chủ tịch Quốc hội cho biết, sẽ làm việc và trao đổi với Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát lần cuối cùng để trình Quốc hội.

Thông lệ, sau giám sát tối cao, Quốc hội sẽ có nghị quyết ghi nhận kết quả và nêu rõ những hạn chế, yếu kém, những giải pháp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực được giám sát.

Lần này, với đặc thù rất mới, rất khó của quy hoạch theo phương pháp mới, Thủ tướng đã nêu một số vấn đề cần Quốc hội “ra tay” tháo gỡ, như điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, điều chỉnh quy định về chi phí, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng theo hình thức chỉ định thầu...

Về phía cơ quan tham mưu, theo yêu cầu của Đoàn giám sát, chỉ trong tháng 3/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có thêm 2 báo cáo làm rõ hơn các nội dung Đoàn giám sát yêu cầu.

Theo đó, ở báo cáo gần nhất, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong thời gian tới, khi tổng kết toàn diện quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh chuyên ngành có liên quan đến quy hoạch, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ rà soát, nghiên cứu và đề xuất Quốc hội sửa đổi các luật, pháp lệnh chuyên ngành để có đủ căn cứ pháp lý (quy định về lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch) cho việc bổ sung quy hoạch vào Danh mục quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc Phụ lục 2, Luật Quy hoạch để cụ thể hóa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nếu cần thiết.

Giám sát phát triển nguồn năng lượng

Tất bật chuẩn bị cho chuyên đề giám sát tối cao đầu tiên đạt kết quả tốt nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thời chuẩn bị trình Quốc hội dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023.

Trên cơ sở đề xuất của 56 đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kiến nghị của cử tri, Tổng thư ký Quốc hội đã đề xuất và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội quyết định.

Tên gọi chính thức của 4 chuyên đề này sẽ còn chỉnh sửa, song nội dung đều là những vấn đề vừa mang tính thời sự, vừa mang tính lâu dài ở những lĩnh vực quan trọng của đất nước. Đó là huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, về các chương trình mục tiêu quốc gia, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn năng lượng tái tạo được xác định là chuyên đề thứ tư, nhưng sau khi thảo luận, thì phạm vi đã được mở rộng hơn rất nhiều. Bởi vì, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cần quan tâm đến tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng, mà khâu đầu tiên là quy hoạch.

“Trước đây, khi bàn về Luật Quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng, phải có quy hoạch năng lượng, bây giờ quy hoạch năng lượng chưa hoàn thành, quy hoạch điện được ưu tiên làm trước, đúng ra phải có quy hoạch năng lượng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.

Theo ông Thanh, cần mở rộng phạm vi giám sát đến nguồn đầu vào cho sản xuất điện như than, khí than, sản xuất là bao nhiêu và nhập khẩu như thế nào. Vì trong tình trạng điện đang thiếu, ngành than dù tập trung hết cỡ, cũng chỉ xoay quanh khoảng 40 triệu tấn/năm.

Trước đây, khi than thừa hơn 10 triệu tấn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phải giảm bớt công nhân, bây giờ, yêu cầu tăng thêm 1 - 2 triệu tấn cũng là thách thức, bởi để đầu tư khai thác một mỏ cũng phải có một thời gian chuẩn bị cả về trang thiết bị, máy móc và về con người.

Từ phân tích này, ông Thanh cho rằng, phải có một chiến lược để giải quyết hài hòa giữa các khâu trong một chuỗi sản xuất, để duy trì năng lực sản xuất cho ngành điện, cân đối hài hòa giữa các nguồn năng lượng.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thủy điện cạn kiệt, với điện than, thì COP26 đang đặt ra vấn đề phát thải ròng bằng 0 (đã có 40 quốc gia, bao gồm Việt Nam, cam kết loại bỏ điện than - PV), điện hạt nhân đã dừng, thì việc tiếp tục nghiên cứu để đến thời điểm nào đó sẽ tiếp tục phát triển điện hạt nhân, theo ông Thanh, là cần thiết.

Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chuyên đề 4 được mở rộng là thực hiện chính sách, pháp luật về năng lượng nói chung và sẽ tính toán khuôn lại phạm vi giám sát trong giai đoạn nhất định, như gợi ý của Chủ tịch Quốc hội.

Quyết đường vành đai cho hai thành phố đặc biệt

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án Vành đai 3 TP.HCM. Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hai dự án này đã được Bộ Chính trị cho ý kiến.

Như Báo Đầu tư đã thông tin, Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km (gồm 103,1 km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối cao tốc theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long), với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Dự án Vành đai 3 TPHCM giai đoạn I có chiều dài 76 km, với tổng mức đầu tư 75.377 tỷ đồng. Cả hai dự án đều là công trình quan trọng quốc gia, cần Quốc hội quyết định.

Thông qua và cho ý kiến 11 dự án luật

Tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 5 dự án luật, 3 nghị quyết, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển tỉnh Khánh Hòa. 6 dự luật khác được cho ý kiến lần đầu, gồm có Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tin bài liên quan