Kỳ vọng dâng cao, giới đầu tư hân hoan gom hàng

Kỳ vọng dâng cao, giới đầu tư hân hoan gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall tiếp tục thăng hoa trong phiên ngày thứ Sáu (16/4), khép lại tuần thứ tư liên tiếp tăng điểm, trong bối cảnh đón nhận loạt báo cáo kết kinh doanh đầu tiên đầy lạc.

Đà phục hồi sau đại dịch Covid-19 được thể hiện mạnh mẽ trong loạt dữ liệu kinh tế Mỹ được công bố trong tuần này, bao gồm doanh số bán lẻ và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu hàng tuần. Những con số cũng phản ánh một cách tích cực ảnh hưởng của kích thích tài chính khổng lồ từ Washington và chương trình triển khai tiêm chủng vắc-xin.

Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2021 đầy gam màu sáng của các ngân hàng lớn được công bố trong tuần cũng đã giúp thúc đẩy tâm lý lạc quan trên thị trường.

Trong khi đó, bất chấp việc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) tạm dừng sử dụng vắc-xin Covid-19 của Johnson & Johnson, hiện đã có tới 200 triệu người tại Mỹ tiêm chủng ít nhất một liều.

Kỳ vọng lại càng được cải thiện hơn nữa khi GDP quý I của Trung Quốc tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2020, doanh số bán lẻ tăng 34,2%. Tuy nhiên, một số chuyên gia lưu ý rằng dữ liệu tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn thấp hơn dự báo ​và phản ánh tốc độ phục hồi đang chậm lại.

Kết thúc phiên 16/4, chỉ số Dow Jones tăng 164,68 điểm (+0,48%), lên 34.200,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 15,05 điểm (+0,36%), lên 4.185,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 13,58 điểm (+0,10%), lên 14.052,34 điểm.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,18%, S&P 500 tăng 1,37%, Nasdaq Composite tăng 1,09%.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục được bao phủ bởi sắc xanh vào thứ Sáu, đánh dấu tuần tăng thứ bảy liên tiếp, sau khi đón nhận dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ và Trung Quốc, thúc đẩy niềm tin kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhanh chóng.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận của các công ty STOXX 600 sẽ tăng hơn 55% trong quý đầu tiên sau khi giảm gần 40% trong cùng quý năm ngoái, Refinitiv IBES cho biết.

Kết thúc phiên 16/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 36,03 điểm (+0,52%), lên 7.019,53 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 204,42 điểm (+1,34%), lên 15.459,75 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 52,93 điểm (+0,85%), lên 6.287,07 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 tăng 1,50%, DAX tăng 1,48%, CAC 40 tăng 1,91%.

Chứng khoán châu Á có phiên cuối tuần tích cực. Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu sản xuất chip nâng đỡ, mặc dù những lo ngại về triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp đã hạn chế đà đi lên của thị trường.

Chứng khoán Trung Quốc tăng sau khi dữ liệu tăng trưởng GDP quý I tăng vọt của nước này thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông đã tăng, được củng cố bởi dữ liệu tăng trưởng GDP mạnh mẽ của Trung Quốc.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng phiên tăng thứ năm liên tiếp, khi dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ Trung Quốc và Mỹ củng cố hy vọng về một sự phục hồi kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến.

Kết thúc phiên 16/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 40,68 điểm (+0,14%), lên 29.683,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 27,63 điểm +0,81%), lên 3.426,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 176,57 điểm (+0,61%), lên 28.969,71 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 4,29 điểm (+0,13%), lên 3.198,62 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 giảm 0,28%, Shanghai Composite giảm 0,70%, Hang Seng tăng 0,94%, KOSPI tăng 2,13%.

Giá vàng phiên cuối tuần tiếp tục có bước nhảy vọt mạnh mẽ trong bối cảnh đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm. Ngoài ra, quan hệ Mỹ - Nga có dấu hiệu căng thẳng khiến nhu cầu trú ẩn vào vàng gia tăng.

Kết thúc phiên 16/4, giá vàng giao ngay tăng 12,90 USD (+0,73%), lên 1.776,50 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 13,40 USD (+1,76%), lên 1.780,20 USD/ounce.

Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 1,85%, giá vàng giao tháng 6 tăng 2,03%.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 13 chuyên gia trên phố Wall, tất cả đều cho rằng giá vàng sẽ tăng.

Đối với khảo sát trực tuyến với 1.103 người tham gia, 65% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 18% cho rằng giá vàng giảm và 17% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu quay đầu giảm nhẹ trong phiên cuối tuần sau đợt giá tăng mạnh, song vẫn ghi nhận một tuần tích cực nhờ triển vọng nhu cầu tăng mạnh mẽ với dấu hiệu hồi phục kinh tế với tốc độ nhanh chóng tại Trung Quốc và Mỹ.

Trong khi đó, OPEC+ sẽ nới lỏng chính sách cắt giảm sản lượng bắt đầu từ tháng 5 tới, đồng thời ngày 28/4 sẽ nhóm họp để xem xét điều chỉnh bổ sung cho thỏa thuận chung.

Mặt khác, số lượng giàn khoan dầu ở Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Theo số liệu của Baker Hughes, số giàn khoan dầu và khí đã tăng thêm 7 giàn lên 439 giàn trong tuần kết thúc vào ngày 16/4. Như vậy, số giàn khoan đã tăng thêm 80% kể từ mức thấp 244 giàn hồi tháng 8/2020. Trong đó, riêng giàn khoan dầu là 344 giàn.

Kết thúc phiên 16/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,33 USD (-0,52%), xuống 63,13 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,17 USD (-0,25%), xuống 66,77 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu WTI tăng 6,4%, giá dầu Brent tăng 6,1%.

Tin bài liên quan