Lạc quan thận trọng

Lạc quan thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi “sóng thần” cổ phiếu bất động sản vẫn tiếp diễn thì niềm hy vọng của nhà đầu tư về những kỷ lục điểm số mới của VN-Index được thúc đẩy bởi nhóm cổ phiếu có trọng số lớn nhất là “cổ phiếu vua” ngân hàng vẫn chỉ là sự chờ đợi có phần mòn mỏi trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022.

Nhắc đến nhóm cổ phiếu địa ốc, sự kiện được quan tâm nhất là thời hạn nộp tiền đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm vốn gây xôn xao dư luận không phải là ngày 10/1/2021 như nhiều người nhầm tưởng. Theo thông báo mới nhất của Cục Thuế TP.HCM ban hành ngày 7/1/2022 thì nhà đầu tư đấu trúng có 30 ngày kể từ ngày thông báo này được ban hành để nộp 50% số tiền phải đóng; trong thời hạn 60 ngày tiếp theo (đợt 2), người trúng đấu giá thanh toán đủ số tiền còn lại.

Như vậy, sẽ còn cả tháng nữa để “bạch hóa” cái cớ khiến nhiều cổ phiếu địa ốc thăng hoa - một khoảng thời gian có lẽ khó để nhóm này tiếp tục dẫn sóng khi mức tăng thời gian qua đã bị đánh giá có không ít yếu tố ảo.

Vậy thì thị trường giao dịch từ nay đến kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần sẽ kỳ vọng vào điều gì, hay cụ thể hơn là nhóm cổ phiếu nào?

Có lẽ dự đoán điều này còn khó hơn việc tung đồng xu lên trời để đoán sấp - ngửa, nhưng nhiều kỳ vọng đang dồn vào nhóm cổ phiếu vua nếu đa số đồng thuận về việc các chỉ số chứng khoán sẽ tiếp tục tăng điểm trong tháng đầu năm Dương lịch này.

Thực ra, chỉ một tháng gần đây, nhóm ngân hàng đã có ít nhất 3 lần “khởi nghĩa” bất thành, nhưng kết quả doanh thu, lợi nhuận quý IV và cả năm 2021 của nhóm ngân hàng dần được hé lộ cho thấy một bức tranh kinh doanh hết sức tích cực.

Chẳng hạn, TPBank vừa công bố lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, vượt hơn 4% so với kế hoạch năm 2021; VietinBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2021 vượt mức 16.800 tỷ đồng theo kế hoạch… Đó là những ngân hàng cỡ vừa và nhỏ, còn với ngân hàng quy mô và cổ phiếu có sức ảnh hưởng lớn trên sàn chứng khoán như VCB, TCB, BID, CTG, MB, VPB, ACB..., đa phần lợi nhuận quý III/2021 đã vượt kế hoạch năm và có một quý IV rất thành công khi tăng trưởng dư nợ bật rất mạnh sau giai đoạn giãn cách.

Trong khi đó, nhóm này đa số đều đã tích lũy thời gian dài với thị giá thấp hơn định giá hợp lý từ 10 - 25%. Khoảng cách này có thể không quá hấp dẫn dòng tiền nhà đầu tư cá nhân khi nhóm này đang lao theo cơ hội kiếm lời 30 - 100% chỉ trong thời gian ngắn khi tham gia đầu tư cổ phiếu bất động sản, các cổ phiếu họ FLC…

Tuy nhiên, quan sát giao dịch tuần qua cho thấy, dòng tiền của nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư tổ chức bắt đầu nhập cuộc đua với khối lượng lớn đè giá chặn trên và lệnh lớn mua ở mức thấp hơn một cách rất dứt khoát tại nhiều cổ phiếu ngân hàng như TCB, CTG, VPB…

Trong báo cáo chiến lược 2022 với chủ đề “Nhìn xa trông rộng”, Bộ phận Nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, ngành ngân hàng chiếm 31% tổng vốn hóa thị trường và là một trong ngành hưởng lợi chính khi Việt Nam dần đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng cao từ nửa cuối năm 2022, do đó khả năng cao ngành ngân hàng sẽ là nhóm hỗ trợ tốt cho VN-Index.

Tất nhiên, câu chuyện nợ xấu có thể là một biến số với nhóm ngân hàng nếu tháng 6/2022 tới thời gian cơ cấu nợ xấu không được gia hạn, nhưng nếu nền kinh tế phục hồi tốt thì nỗi lo nợ xấu sẽ được hóa giải.

Lạc quan một cách thận trọng về nhóm ngân hàng và cùng các chuyên gia cũng như “người trong cuộc” là các lãnh đạo ngân hàng phân tích, đánh giá cơ hội khi tham gia đầu tư nhóm cổ phiếu này là chủ đề “Tiêu điểm” được Đầu tư Chứng khoán lựa chọn trong số báo mà bạn đọc đang cầm trên tay.

Tin bài liên quan