Cơ cấu dân số trẻ với 70% nằm trong độ tuổi lao động từ 15 – 64 khiến tín dụng tiêu dùng trở thành mảnh đất màu mỡ

Cơ cấu dân số trẻ với 70% nằm trong độ tuổi lao động từ 15 – 64 khiến tín dụng tiêu dùng trở thành mảnh đất màu mỡ

Lãi suất cao: Con dao hai lưỡi

(ĐTCK) Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) lý giải về mức lãi suất cao cũng như cảnh báo rủi ro của hoạt động cho vay tiêu dùng. 

Đánh giá của ông thế nào về tiềm năng tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng?

Tài chính tiêu dùng hay tín dụng tiêu dùng là hình thức cho vay phổ biến trên thế giới. Tài chính tiêu dùng là việc cung cấp các khoản vay cá nhân để mua hàng hoá, dịch vụ, phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, hoàn toàn phân biệt với hoạt động cho vay thương mại nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất - kinh doanh.

Đồng thời, cũng khác với dịch vụ cho vay có tài sản thế chấp, dịch vụ cho vay tiêu dùng chuẩn trên thế giới được thực hiện dựa trên sự đánh giá tín nhiệm của khách hàng.

Kinh tế vĩ mô ổn định, thu nhập người dân đang dần được cải thiện là hai yếu tố quan trọng để người dân sẵn sàng tăng vay nợ để tiêu dùng. Bên cạnh đó, cơ cấu dân số trẻ với 70% nằm trong độ tuổi lao động từ 15 - 64, nhu cầu mua sắm, tiếp cận các sản phẩm tiêu dùng ngày càng phổ biến cũng là những yếu tố thuận lợi cho việc phát triển tín dụng tiêu dùng. Chính vì vậy, hoạt động cho vay tiêu dùng luôn được đánh giá là tiềm năng.

Vì sao các công ty tài chính lại được áp dụng mức lãi suất cao hơn ngân hàng?

Có thể nói, trong thời gian vừa qua, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã đẩy mạnh các hoạt động cho vay tiêu dùng, từ đó thỏa mãn được nhu cầu vay tiêu dùng của đông đảo khách hàng cá nhân, đồng thời đảm bảo sự tăng trưởng kinh doanh của mình.

Ông Đỗ Hoàng Phong 

Hiện thị trường tín dụng tiêu dùng có hai phân khúc cho vay riêng biệt, đó là cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại và cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Các ngân hàng thương mại tập trung vào nhóm khách hàng có các khoản vay lớn, có tài sản đảm bảo, thủ tục cho vay chặt chẽ. Trong khi đó, các công ty tài chính hướng tới phân khúc khách hàng vay nhỏ lẻ, thủ tục vay đơn giản, thời gian giải ngân nhanh gọn, nhưng khách hàng phải chịu mức lãi suất cao hơn.

Cũng cần phải làm rõ thêm về quá trình phê duyệt cấp tín dụng. Mặc dù cả ngân hàng thương mại, công ty tài chính đều khai thác, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thông tin tín dụng tại CIC và hoàn toàn có thể nắm bắt được mức độ tín nhiệm của khách hàng vay cá nhân, nhưng do chính sách tín dụng và quy trình tín dụng khác nhau nên mức lãi suất áp dụng cũng khác nhau.

Có tổ chức hoàn toàn từ chối cho vay đối với những khách hàng đã từng có lịch sử nợ xấu, mức tín nhiệm thấp, nhưng có những tổ chức vẫn tạo điều kiện tiếp cận tín dụng cho những khách hàng này, có điều khách hàng phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn.

Đối tượng khách hàng của công ty tài chính đa số là người có thu nhập trung bình hoặc thấp, thậm chí không cần chứng minh mức thu nhập, hoặc là người chưa có lịch sử tín dụng. Những yếu tố này cũng khiến khách hàng khó đáp ứng đủ điều kiện cấp tín dụng khắt khe của các ngân hàng thương mại và phải tìm đến các công ty tài chính với các điều kiện cho vay dễ dàng hơn.

Với những điều kiện cho vay dễ dàng hơn, thời gian xét duyệt và giải ngân nhanh gọn khiến cho các khoản vay tiêu dùng có mức lãi suất cao hơn để bù đắp những rủi ro có thể xảy ra của các công ty tài chính. Cũng dễ hiểu khi các công ty tài chính thường áp dụng mức lãi suất cho vay cao hơn so với các ngân hàng. 

Có nghĩa là vay tiêu dùng của các công ty tài chính rủi ro cao nên áp mức lãi suất “khủng”, thưa ông?

Cũng không hẳn là như vậy. Việc các công ty tài chính áp dụng lãi suất cho vay tiêu dùng cao so với lãi suất ngân hàng đến từ nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân rủi ro đã được phân tích bên trên, thì các công ty tài chính cũng chịu nhiều chi phí hơn các ngân hàng.

Cụ thể, các công ty tài chính không thể huy động vốn trực tiếp trên thị trường với mức lãi suất tương đương lãi suất huy động của ngân hàng. Trên thực tế, các công ty tài chính phải xoay xở huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau với lãi suất khá cao, dẫn đến chi phí vốn cao. Ngoài ra, các khoản vay tiêu dùng này thường có kỳ hạn ngắn và giá trị thấp, khiến cho chi phí thẩm định, quản lý nợ, thu hồi nợ cao hơn bình thường.

Tuy nhiên, việc áp dụng mức lãi suất cao tiềm ẩn nhiều rủi ro. Như chúng ta đã biết, lãi suất là con dao hai lưỡi. Lãi suất cao dẫn đến áp lực trả nợ lớn, nếu không có nguồn thu nhập ổn định hoặc nguồn trả nợ có thể dẫn đến việc không trả được nợ của khách hàng vay.

Nếu không thận trọng, áp dụng các chuẩn mực, các quy định trong hoạt động tín dụng của Ngân hàng Nhà nước thì các khoản vay áp lãi suất cao này sẽ không những không bù đắp được rủi ro, mà còn mang nhiều khoản nợ xấu cho các công ty tài chính, ảnh hưởng chung đến hoạt động ngân hàng.

Chính vì vậy, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng. Theo đó, tổ chức tín dụng không những phải nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, mà còn phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhằm đề phòng trường hợp sử dụng sai mục đích, dễ dẫn đến rủi ro.

Một trong những lý do thu hút nhiều người sử dụng khoản vay tiêu dùng tại công ty tài chính là điều kiện vay dễ dàng. Phải chăng đó chính là kẽ hở tạo ra nợ xấu?

Nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người sử dụng hình thức vay tiêu dùng một phần là do thủ tục khá đơn giản, chỉ cần giấy tờ tuỳ thân như chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu, bằng lái xe… Thủ tục này phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng, đặc biệt là những người có nhu cầu vay số tiền nhỏ.

Thời gian giải ngân khá nhanh chóng, thậm chí chỉ trong vài chục phút là người vay đã có thể nhận được tiền hoặc sản phẩm cần sở hữu (điện thoại, máy tính, đồ gia dụng trong gia đình…). 

Một khi tài chính tiêu dùng phát triển mạnh thì các tổ chức cho vay khá dễ dãi và điều đó dễ dẫn đến rủi ro nợ xấu gia tăng. Do đó, các tổ chức cung ứng vốn, nhất là các công ty tài chính cho vay tiêu dùng cần phải cho khách hàng vay thấy được tầm quan trọng của việc trả nợ, ý thức được việc các thông tin về nợ xấu của mình sẽ được báo cáo, lưu trữ phục vụ việc đánh giá tín dụng sau này.

Vậy làm thế nào để người vay vốn có thể tránh được “vết” đen trong khi vay?

Có một vài chú ý mà cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng nên cẩn trọng để tránh được “vết” đen tại cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng khi mất khả năng trả nợ vì áp lực lãi vay cao.

Thứ nhất, người vay vốn cần hiểu được việc cho vay tiêu dùng trả góp, vay qua thẻ tín dụng luôn được các công ty tài chính, các ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao hơn mặt bằng chung vì các lí do nêu trên. Sau khi chấp nhận khoản vay và lãi suất thỏa thuận, khách hàng cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ.

Bởi chỉ cần khách hàng phát sinh nợ xấu ở một tổ chức vay vốn, thông tin đó sẽ được gửi và lưu trữ tại CIC, khi đó điểm tín dụng và mức độ tín nhiệm của khách hàng vay bị ảnh hưởng. Và khi khách hàng có nhu cầu tiếp cận tín dụng mới, lịch sử nợ xấu, hay “vết” đen đó sẽ được cung cấp cho các công ty tài chính, các ngân hàng làm căn cứ xem xét và quyết định khoản vay, ảnh hưởng đến việc xét duyệt tín dụng sau này.

Ý thức về nghĩa vụ trả nợ đúng hạn sẽ giúp khách hàng có điểm tín dụng tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận tín dụng trong tương lai.

Thứ hai, các cá nhân cần có thói quen quản lý giấy tờ cá nhân cẩn thận. Đã có nhiều trường hợp giấy tờ cá nhân bị lợi dụng để vay vốn, dẫn đến cá nhân đó bị lịch sử nợ xấu mặc dù không có quan hệ vay vốn tại tổ chức cấp vốn. Do vậy, ngoài ý thức trả nợ đúng hạn, các cá nhân cần có ý thức bảo vệ danh tính và các giấy tờ cá nhân quan trọng nhằm bảo vệ chính bản thân mình.

Thông tin tín dụng có vai trò ra sao đối với các tổ chức cung ứng vốn, thưa ông?

Thông tin tín dụng có vai trò quan trọng đối với hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam, giúp kết nối thông tin về khách hàng vay giữa các ngân hàng, các công ty tài chính, các quỹ tín dụng và các tổ chức cho vay khác với nhau.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, cơ sở dữ liệu của CIC đã được cải thiện cả về chiều rộng và chiều sâu; nguồn thông tin đã mở rộng tới các tổ chức tín dụng nhỏ như các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, các tổ chức khác có hoạt động tín dụng.

Bên cạnh đó, CIC đang phối hợp với Bộ Công an để tích hợp thông tin của khách hàng vay có nhiều giấy tờ cá nhân, giúp tổ chức tín dụng xác thực chính xác khách hàng…

Tổng số khách hàng vay lưu trữ tại CIC đã nâng lên trên 35 triệu khách hàng, độ sâu thông tin là 7/8, độ phủ thông tin là 51% trên số người trưởng thành, cao hơn nhiều so với khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (4,2/8 điểm và 16%) và nhóm các nước OECD (6,6/8 điểm và 18,3%). Số lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp cho các tổ chức tín dụng đến nay đã đạt trên 18 triệu báo cáo/năm, thời gian truy xuất thông tin của CIC cũng giảm xuống dưới 10 giây…

Khai thác thông tin tín dụng từ CIC sẽ giúp các ngân hàng tránh được rủi ro thông tin bất cân xứng, hỗ trợ tìm kiếm thông tin và đánh giá, xếp hạng khách hàng vay trước khi đưa ra quyết định cho vay.

Tháng 10/2017, CIC đã triển khai Cổng thông tin cho khách hàng vay nhằm mục tiêu phát triển dịch vụ đăng ký tín dụng và cung cấp thông tin tín dụng, điểm tín dụng cho khách hàng vay cá nhân. Khách hàng vay có thể truy cập website của CIC www.cic.org.vn để đăng ký tài khoản, khai thác báo cáo tín dụng cá nhân, đăng ký nhu cầu tín dụng hoặc thay đổi thông tin đăng ký của bản thân.

Theo quy định, khách hàng vay sẽ được khai thác báo cáo thông tin tín dụng về bản thân mình miễn phí 1 lần trong vòng 12 tháng. Từ lần khai thác thứ 2 trong vòng 12 tháng, khách hàng vay sẽ trả phí theo quy định của CIC. Hiện chương trình này đã thí điểm tại Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố, CIC đang hoàn thiện để mở rộng chương trình này trên toàn quốc vào quý III/2018.

Trường hợp tìm thấy các lỗi trong báo cáo tín dụng của bản thân mình, khách hàng vay có thể liên hệ Phòng Hỗ trợ khách hàng – CIC để yêu cầu điều chỉnh thông tin, đồng thời cung cấp các tài liệu liên quan để CIC có cơ sở kiểm tra, điều chỉnh dữ liệu sai sót. Khách hàng vay chỉ được yêu cầu chỉnh sửa những thông tin của chính bản thân mình và không được yêu cầu thay đổi thông tin của người khác.

Sau khi tiếp nhận yêu cầu, CIC sẽ tiến hành rà soát thông tin, đối chiếu lại cơ sở dữ liệu và nguồn cung cấp thông tin. Nếu phát hiện sai sót, CIC sẽ liên lạc với các bên liên quan để tiến hành thủ tục điều chỉnh dữ liệu và phản hồi lại cho khách hàng vay trong thời gian sớm nhất. 

Tin bài liên quan