Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ kích hoạt hiệu ứng Domino đối với các vụ vỡ nợ trên toàn cầu

Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn sẽ kích hoạt hiệu ứng Domino đối với các vụ vỡ nợ trên toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo báo cáo giám sát rủi ro tín dụng toàn cầu của Janus Henderson Investor được công bố hôm thứ Sáu (27/10), đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập kỷ sẽ gây ra hiệu ứng domino đối với tình trạng vỡ nợ của các công ty trong những năm tới.

Chi phí đi vay tăng trở lại là tâm điểm chú ý sau đợt sụt giảm giá trái phiếu chính phủ kể từ tháng 9 khi các nhà đầu tư điều chỉnh theo triển vọng lãi suất duy trì ở mức cao, điều này cũng làm tăng lợi suất trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, lợi suất trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao đạt đỉnh vào ngày 20/10 ở mức 9,3%, so với mức 7,6% vào đầu tháng 2.

Theo S&P Global Market Intelligence, chi phí bảo hiểm cho khoản nợ lợi suất cao ở châu Âu cũng đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 3 vào ngày 20/10, ở mức 473 điểm cơ bản. Bởi vì các công ty sẽ phải tái cấp vốn cho khoản nợ với chi phí vốn cao hơn, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả lãi, cuối cùng dẫn đến nhiều vụ vỡ nợ hơn.

Bên cạnh đó, các vụ vỡ nợ đã tăng lên trong năm nay, với con số trên toàn cầu trong 9 tháng đầu năm nay đã lên tới 118 vụ, gần gấp đôi tổng số vụ vỡ nợ năm 2022 và cao hơn nhiều so với mức 101 vụ trong trung bình 5 năm.

“Cạnh tranh thanh khoản của các tổ chức phát hành sẽ rất khốc liệt trong hai năm tới. Rất khó có khả năng các tổ chức phát hành đợi đến năm 2025 mới tái cấp vốn và có thể họ sẽ khai thác thị trường vào năm 2024 với lãi suất vẫn ở mức cao. Những điều kiện này có thể không bền vững đối với nhiều tổ chức phát hành, dẫn đến vỡ nợ và phá sản”, các nhà phân tích của S&P cho biết trong một báo cáo vào đầu tháng 10.

Jim Cielinski, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định toàn cầu của Janus Henderson Investor cho biết: “Chu kỳ tín dụng có xu hướng thay đổi chỉ khi có ba điều kiện: gánh nặng nợ cao, thiếu khả năng tiếp cận vốn và cú sốc ngoại sinh đối với dòng tiền. Những điều kiện này... đều đang hiện diện ngày nay”.

“Mỗi chu kỳ đều khác nhau, nhưng sự kết hợp giữa mức nợ cao và môi trường lãi suất dài hơn đang gây áp lực lên các công ty trong việc trả khoản nợ đó đồng thời cắt giảm khả năng tiếp cận vốn ở mức giá hợp lý”, ông cho biết thêm.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn có xu hướng dựa vào nguồn tài trợ từ ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn, điều này cho thấy tình trạng vỡ nợ sẽ rõ rệt hơn ở phân khúc thị trường này.

Các chỉ số tín dụng mà Janus Henderson Investor theo dõi - chẳng hạn như gánh nặng nợ, khả năng tiếp cận thị trường vốn, dòng tiền và lợi nhuận - tiếp tục nhấp nháy tín hiệu cảnh báo trong quý III/2023, là quý thứ 5 liên tiếp phát đi tín hiệu cảnh báo.

Báo cáo cho biết, tác động chậm trễ từ việc tăng lãi suất cộng với việc không có các món nợ quy mô lớn trong 12 - 18 tháng tới mang lại một số thời gian “trì hoãn” trong ngắn hạn.

Ngoài ra, một số công ty đã được hưởng lợi từ doanh thu cao hơn do lạm phát và khả năng phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, khi lạm phát bắt đầu chậm lại và lãi suất cao hơn vẫn tiếp tục duy trì, những trở ngại ngày càng gia tăng và rủi ro là chi phí đi vay tăng có thể vượt xa tốc độ tăng trưởng doanh thu.

Tin bài liên quan