Lãi suất vào đợt cắt giảm mới

Lãi suất vào đợt cắt giảm mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu dịch Covid-19 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hai lần hạ trần lãi suất tiền gửi và dự báo, lãi suất huy động sẽ còn giảm thêm sau khi NHNN công bố hạ lãi suất điều hành từ đầu tháng 8.

Lãi suất tiền gửi đi xuống...

Đầu tháng 8/2020, lãi suất tiền gửi của nhiều ngân hàng tiếp tục giảm. Tại các ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước chi phối, lãi suất được điều chỉnh giảm ngay sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành.

Đồng thời, ban hành văn bản về việc triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2020, yêu cầu các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi để tạo cơ sở cho việc hạ thêm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu, các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank giảm lãi suất huy động kỳ  hạn 1 tháng từ 3,7%/năm xuống 3,5%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4%/năm xuống 3,8%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm từ 4,6%/năm xuống 4,5%/năm.

Riêng kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng không có sự thay đổi, giữ nguyên mức 4,4%/năm và 6%/năm. Ở các kỳ hạn từ 12-24 tháng, lãi suất của cả 4 ngân hàng trên đều giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

Lãi suất tiền gửi cũng được nhiều ngân hàng cổ phần tư nhân điều chỉnh giảm. Đơn cử, ACB giảm 0,1 điểm phần trăm ở hầu hết tất cả các kỳ hạn, lãi suất từ 3 tháng trở xuống duy trì dưới 4%/năm, từ 6-9 tháng trong khoảng 5,45-5,75%/năm. Riêng lãi suất kỳ hạn 12 tháng lại giảm mạnh từ 6,2%/năm xuống còn 5,7%/năm.

MSB giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm ở một số kỳ hạn, trong đó giảm đến 0,35 điểm phần trăm ở kỳ hạn 6 tháng, chỉ còn 5,45%/năm, trong khi giảm mạnh nhất ở kỳ hạn trên 12 tháng (giảm 0,55 điểm phần trăm), chỉ còn 5,75%/năm.

HDBank chỉ giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm lãi suất ở kỳ hạn 6-9 tháng, xuống mức 6,2%/năm và kỳ hạn 24 tháng xuống mức 6,5%/năm.

Tại Techcombank, ngân hàng này đã giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,3 điểm phần trăm với các kỳ hạn dưới 6 tháng và 12 tháng.

SCB đồng loạt giảm 0,3 điểm phần trăm tại hầu hết kỳ hạn gửi, ngoại trừ kỳ hạn 12-13 tháng. Lãi suất cao nhất tại SCB hiện đã giảm về mức 7,7%/năm.

Tại các ngân hàng khác, lãi suất tiền gửi cũng được điều chỉnh đồng loạt từ đầu tháng 8 với mức giảm phổ biến 0,2-0,3 điểm phần trăm.

Giới phân tích tài chính cho rằng, việc dư thừa thanh khoản, đồng thời tín dụng khó tăng chính là yếu tố chính khiến các ngân hàng giảm lãi suất đầu vào.

Số liệu của NHNN cho thấy, tính đến 19/6/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35%; trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 2,45%.

Bộ phận phân tích CTCK KB (KBSV) nhận định, tăng trưởng tín dụng và chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), chỉ số quản lý thu mua (PMI) đều tăng trưởng chậm lại là tín hiệu đáng chú ý cho thấy nền kinh tế, đặc biệt là ngành sản xuất, vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm trong thời gian tới với 3 yếu tố chính, gồm kỳ vọng điều chỉnh lãi suất điều hành; thanh khoản trong hệ thống dự báo tiếp tục dư thừa trong 6 tháng cuối năm và NHNN dự kiến sẽ cho phép giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn, giúp giải tỏa áp lực cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng.

Song, huy động tiền gửi của ngành ngân hàng vẫn tăng trưởng tích cực. Qua báo cáo tài chính của các ngân hàng 6 tháng đầu năm cho thấy, tăng trưởng huy động vốn cao hơn nhiều so với hoạt động cho vay.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng cho hay, huy động vốn trên địa bàn đến cuối tháng 6/2020 nhìn chung đã có tốc độ tăng trưởng tích cực hơn so với những tháng đầu năm (tăng 3,35% so với cuối năm trước). Dự ước 7 tháng đầu năm 2020, huy động vốn tiếp tục tăng 3,96%.

... Nhưng khó giảm sâu

Mặc dù tiếp tục trong xu thế giảm, nhưng một số ý kiến cho rằng, lãi suất sẽ khó giảm sâu bởi kênh trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng gia tăng cạnh tranh với kênh gửi tiết kiệm.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao hơn hẳn tiết kiệm, dao động từ 8,5-9,5%/năm, thậm chí cao hơn ở một số doanh nghiệp bất động sản.

Hay ngay cả bản thân ngân hàng cũng phát hành trái phiếu lãi suất 8,5%/năm như HDBank để huy động 1.500 tỷ đồng; VietinBank vừa bán xong 1.000 tỷ đồng trái phiếu lãi suất kỳ hạn 15 năm hoặc 8 năm với chính sách lãi suất khác nhau. Với loại kỳ hạn 15 năm, lãi suất cố định 7,85%/năm với toàn bộ kỳ hạn 15 năm, trả định kỳ mỗi năm.

Theo CTCK SSI, tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tương đương khoảng 8,6% tổng tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng - xấp xỉ quy mô tiền gửi của VietinBank, tương đương 9,3% dư nợ tín dụng và 19,5% tổng vốn hóa 3 sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính của các ngân hàng, số trái phiếu doanh nghiệp mà các ngân hàng đang nắm giữ tại thời điểm 31/3/2020 là khoảng 398.000 tỷ đồng.

Nếu loại trừ số này, lượng trái phiếu doanh nghiệp do các tổ chức phi tín dụng, cá nhân nắm giữ là khoảng 385.000 tỷ đồng.

Trái phiếu doanh nghiệp cũng đang hút một lượng tiền đáng kể từ các kênh đầu tư khác, trong đó trực tiếp nhất là kênh tiền gửi.

Báo cáo của SSI chỉ ra rằng, so với lãi suất tiền gửi, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp cao hơn từ 0,8-1,7%/năm, thậm chí có thể cao hơn từ 1,8-4%/năm tùy từng kỳ hạn. Tuy nhiên, giới phân tích tài chính cho rằng, mức lãi suất cao này thường đi kèm với rủi ro.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về năng lực của tổ chức trung gian phân phối trong việc thực hiện cam kết mua lại trước hạn trái phiếu và mức phí phải chịu.

Thực tế cho thấy, hiện không có nhiều dư địa để giảm mạnh lãi suất cho vay. Dư địa tiền tệ phụ thuộc vào chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát, khoảng chênh lệch này càng lớn thì dư địa càng nhiều.

Lãi suất điều hành của Việt Nam đang dao động từ 3%/năm (lãi suất chiết khấu) đến 4,5%/năm (lãi suất tái cấp vốn), xen giữa đó là trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn (4,25%/năm), trong khi tỷ lệ lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm nay là 4,19%. Như vậy, chênh lệch giữa lãi suất và tỷ lệ lạm phát (lãi suất thực) là rất nhỏ, đồng nghĩa với dư địa còn rất hẹp.

Trong khi đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các ngân hàng tiếp tục cơ cấu, xử lý nợ xấu và hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19.

“Hệ thống tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ và kịp thời vốn với lãi suất hợp lý phục vụ sản xuất kinh doanh. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng”, Thống đốc yêu cầu.

Tin bài liên quan