Đường phố Đức

Đường phố Đức

Lạm phát của Đức tăng chậm lại trong tháng 3

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lạm phát của Đức đã giảm đáng kể trong tháng 3, phần lớn nhờ giá khí đốt tự nhiên giảm mạnh trở lại sau đợt tăng vọt trong hơn một năm qua.

Theo số liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), lạm phát ở nước này đã giảm đáng kể trong tháng 3. Chỉ số giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng 7,8% trong tháng 3, giảm 1,5% so với mức 9,3% ghi nhận trong tháng 2.

Kết quả này cao hơn ước tính trung bình là 7,5% trong cuộc thăm dò ý kiến ​​​​các nhà kinh tế của Bloomberg. Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất lên 3,5% kể từ tháng 7/2022, đánh dấu đợt thắt chặt tiền tệ căng thẳng nhất từ trước đến nay của khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone).

Lạm phát tại Đức trong tháng 3 đã chậm lại chỉ còn đạt 7,8%

Lạm phát tại Đức trong tháng 3 đã chậm lại chỉ còn đạt 7,8%

Cũng theo Destatis, giá năng lượng và lương thực nói riêng đã tăng mạnh, gây tác động lớn đến tỷ lệ lạm phát. Trong tháng 3 này, giá lương thực tiếp tục tăng với tốc độ trên mức trung bình là 22,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, giá năng lượng đã chậm lại đáng kể ở mức 3,5%. Destatis cho rằng nguyên nhân chính khiến lạm phát giảm là do giá năng lượng tăng thấp hơn đáng kể. Một tín hiệu lạc quan nữa của nền kinh tế Đức là tình trạng gián đoạn nguồn cung nguyên liệu trong ngành công nghiệp Đức đang giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng lạm phát lõi (loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng) vẫn sẽ tăng cao. Mặc dù tỷ lệ lạm phát của Tây Ban Nha giảm gần một nửa trong tháng 3 xuống còn 3,1%, nhưng lạm phát lõi của nước này chỉ giảm xuống 7,5%.

Mặc dù Đức không cung cấp rõ tỷ lệ lạm phát lõi của nước này trong tháng 3 là bao nhiêu nhưng theo Bloomberg Economics thì tỷ lệ lạm phát lõi của Đức đã tăng lên 5,7% trong tháng 3, từ mức 5,4% của tháng 2.

Hầu hết giới chuyên gia kinh tế Đức đều nhận định lạm phát hiện đã đạt đỉnh và xu hướng đi xuống sẽ dần rõ rệt. Các nhà phân tích cũng dự đoán lạm phát tại khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) sẽ giảm xuống mức 7,1% trong tháng 3 còn chỉ số CPI lõi sẽ tăng lên mức kỷ lục 5,7%.

Tiền lương là một yếu tố quan trọng mà các quan chức ECB đang theo dõi chặt chẽ bởi thị trường lao động nước này đang có nhiều biến động. Hai trong số các sân bay lớn nhất của Đức - ở Munich và Frankfurt - đã tạm ngừng các chuyến bay. Trong khi đó, Công ty đường sắt Đức Deutsche Bahn đã hủy các tuyến xe lửa đường dài. Các cuộc đình công đã gây gián đoạn đi lại cho hàng triệu người đi làm và hành khách ở Đức.

Công đoàn đường sắt và vận tải EVG đàm phán cho khoảng 230.000 nhân viên tại Công ty vận hành đường sắt Deutsche Bahn và các công ty xe buýt. Công đoàn Verdi đang đàm phán thay mặt cho khoảng 2,5 triệu người lao động trong khu vực công, gồm giao thông công cộng và tại các sân bay.

Họ kêu gọi tăng lương cho nhân viên ngành đường sắt và các dịch vụ vận tải công cộng khác. Công đoàn Verdi đang yêu cầu tăng 10,5% tiền lương hằng tháng, còn EVG đòi mức tăng 12% cho những người lao động mà họ đại diện. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với các công đoàn này đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào và sẽ được đưa ra trọng tài độc lập.

Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã thực hiện các biện pháp trên phạm vi rộng để giảm bớt tác động của việc giá khí đốt và giá năng lượng tăng cao. Nhưng trong khi tỏ ra kiên cường hơn dự kiến ​​sau khi nhanh chóng quay lưng với nguồn cung cấp nhiên liệu khí đốt từ Nga, Đức được dự báo sẽ trải qua một cuộc suy thoái nhẹ trong khoảng sáu tháng.

Đối với ECB, cuộc chiến chống lạm phát còn phức tạp hơn khi căng thẳng đang bao trùm lên các ngân hàng trên toàn thế giới, khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong huy động, thanh khoản giảm mạnh và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Thành viên Hội đồng Ban giám đốc, ông Peter Kazimir cho biết, mặc dù ECB nên tiếp tục tăng lãi suất, nhưng có lẽ nên tăng với tốc độ chậm hơn, bởi nó là lý do gây ra các rủi ro cho ngân hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính gần đây.

Tin bài liên quan