Lạm phát dai dẳng có thể khiến Fed giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài

Lạm phát dai dẳng có thể khiến Fed giữ mức lãi suất cao trong thời gian dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ trong tháng 4 tăng mạnh hơn dự báo, khiến khả năng Fed duy trì lãi suất cao kéo dài ngày càng lớn.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết, nếu loại trừ thực phẩm và năng lượng, PCE lõi, thước đo lạm phát yêu thích của Fed tăng 0,4% trong tháng 4 so với tháng trước, cao hơn dự báo tăng 0,3% của các chuyên gia. Nếu so với cùng kỳ, chỉ số này tăng 4,7%, cũng cao hơn dự báo 0,1%.

Dù lạm phát cao hơn, nhưng chi tiêu tiêu dùng vẫn ở mức cao (tăng 0,8%) và thu nhập của người lao động cũng tăng (0,4%) trong tháng 4. Cả hai con số này trước đó đều được dự báo tăng 0,4%.

Hiện áp lực giá cả thể hiện khắp các lĩnh vực khi giá cả hàng hóa tăng 0,3% và dịch vụ tăng 0,4% so với tháng trước. Giá thực phẩm giảm gần 0,1%, trong khi giá năng lượng tăng 0,7%. Nếu so với cùng kỳ, giá hàng hóa tăng 2,1%, dịch vụ tăng 5,5%, thực phẩm tăng 6,9%, trong khi giá năng lượng giảm 6,3%.

George Mateyo, Giám đốc đầu tư tại Key Private Bank, cho biết, với báo cáo PCE tăng mạnh hơn dự báo, kỳ nghỉ hè của Fed có lẽ sẽ phải rút ngắn. "Trước khi báo cáo PCE được công bố, chúng tôi tin rằng Fed sẽ tạm dừng nâng lãi suất và đánh giá tác động, nhưng giờ thì có vẻ nhiệm vụ chống lạm phát của họ vẫn chưa xong".

Fed đặt mục tiêu lạm phát ở mức mục tiêu 2%, trong khi thực tế vẫn còn quá cao so với con số này. Điều này càng củng cố khả năng Fed tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao.

Các đợt nâng lãi suất lẽ ra phải làm giảm nhu cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, số liệu chi tiêu tháng 4/2023 cho thấy người tiêu dùng vẫn chi mạnh tay dù lãi suất và lạm phát ở mức cao. Điều này cho thấy Fed cần phải cứng rắn hơn nữa.

Theo CME Group, sau báo cáo PCE, xác suất Fed nâng lãi suất 0,25% tại cuộc họp tháng 6 tăng lên 56%. Hiện vẫn còn hai báo cáo quan trọng liên quan tới lạm phát trước khi cuộc họp tháng 6 diễn ra. Đó là báo cáo việc làm tháng 5 (dự kiến công bố vào ngày 02/06) và báo cáo CPI tháng 5 (dự kiến công bố vào ngày 13/06).

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, cùng với đà tăng của chi tiêu tiêu dùng, nhu cầu đối với hàng hóa lâu bền cũng bất ngờ tăng 1,1% trong tháng 4 trái ngược với dự báo giảm 0,8% của các chuyên gia kinh tế. Nếu loại trừ vận tải, số lượng đơn đặt hàng mới giảm 0,2%.

Người tiêu dùng phải dùng tới tiền tiết kiệm để tiếp tục chi tiêu, với tỷ lệ tiết kiệm cá nhân giảm 0,4% so với tháng 3 xuống mức 4,1%.

Dữ liệu được đưa ra trong bối cảnh hướng đi của nền kinh tế vẫn chưa quá rõ ràng. Kỳ vọng về một cuộc suy thoái vào cuối năm nay là rất cao, do lãi suất tăng, sự thắt chặt tín dụng ​​trong ngành ngân hàng và áp lực của người tiêu dùng trên nhiều mặt.

Tuy nhiên, một báo cáo khác cho biết nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn so với ước tính ban đầu trong quý 1/2023, với GDP thực tế tăng 1,3% so với ước tính trước đó là 1,1%.

Tin bài liên quan