Lạm phát được kiểm soát, nhưng không chủ quan

0:00 / 0:00
0:00
Bà Tạ Thị Thu Việt, Phó trưởng ban Ban Thống kê dịch vụ và giá (Cục Thống kê, Bộ Tài chính) nhận định, lạm phát đang được kiểm soát tốt, song vẫn có không ít yếu tố có thể gây tác động tiêu cực, nên không được chủ quan, lơ là.
Bà Tạ Thị Thu Việt, Phó trưởng ban Ban Thống kê dịch vụ và giá (Cục Thống kê, Bộ Tài chính)

Bà Tạ Thị Thu Việt, Phó trưởng ban Ban Thống kê dịch vụ và giá (Cục Thống kê, Bộ Tài chính)

So với cùng kỳ và so với tháng 5/2025, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm nay đang có xu hướng tăng, vì sao, thưa bà?

Khác với xu hướng của những năm trước, CPI (so với tháng trước) sau khi giảm về mức thấp nhất trong tháng 3/2025 (giảm 0,03%), thì tăng liên tục kể từ tháng 4 và đến tháng 6 đã tăng 0,48%, gấp 3 lần tốc độ tăng của tháng 5 và gấp 6,85 lần tốc độ tăng của tháng 4. So với cùng kỳ, CPI quý II cũng tăng, nhưng tốc độ tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2024, nên CPI bình quân 6 tháng năm nay mới tăng 3,27%, thấp hơn mức tăng 4,08% của 6 tháng năm 2024.

Nguyên nhân chủ yếu do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT. Ngoài ra, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cùng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng giá, do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng liên tục những tháng gần đây.

Bà có thể phân tích kỹ hơn các yếu tố tác động khiến CPI nửa đầu năm nay tăng gần như liên tục?

Nhóm hàng ăn uống và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao nhất trong chi tiêu của hộ gia đình và chiếm tỷ trọng 33,56% trong rổ hàng hóa tính CPI. Từ đầu năm đến nay, nhóm này tăng giá 3,69% (đặc biệt, chỉ số giá thực phẩm tăng tới 4,15%), tác động làm CPI chung tăng 1,24 điểm phần trăm.

Thịt lợn chiếm tỷ trọng rất lớn trong khẩu phần thực phẩm của người Việt. Giá thịt lợn tăng 12,75% là nguyên nhân chính khiến nhóm hàng hóa ăn uống và dịch vụ ăn uống tăng mạnh. Giá thịt lợn tăng có nguyên nhân chủ yếu từ việc siết chặt nhập khẩu, nhiều trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ bị tạm thời đóng cửa do chưa đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng giá 13,87%, làm CPI chung tăng 0,75 điểm phần trăm; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng giá 5,73%, làm CPI chung tăng 1,08 điểm phần trăm. Giá thuê nhà tăng có nguyên nhân là thị trường bất động sản tăng mạnh, cộng với giá vật liệu xây dựng tăng.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vào tháng 5/2025 cũng góp phần không nhỏ khiến CPI tăng. Chi tiêu cho nhà ở, điện nước chiếm tỷ trọng lớn thứ hai của hộ gia đình, cá nhân và chiếm tới 18,82% trong quyền số tính CPI, nên nhóm này biến động tăng/giảm đều tác động ngay tới lạm phát.

Dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất (52,38%) trong rổ hàng hóa tính CPI. Trong nửa đầu năm, giá dịch vụ tăng, nhưng vì sao CPI 6 tháng chỉ tăng 3,27%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024, thưa bà?

Trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu giảm 12,56% (do giá xăng dầu trên thị trường thế giới giảm, nguồn cung dồi dào, trong khi nhu cầu sử dụng mặt hàng chiến lược này không tăng); giá bưu chính - viễn thông giảm; giá gạo giảm (do nguồn cung gạo trong nước dồi dào, giá gạo trên thị trường thế giới giảm sau khi Ấn Độ nới lỏng xuất khẩu gạo, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường lớn giảm)…

Có thể nói, lạm phát được kiểm soát khá tốt. Bên cạnh những yếu tố khách quan từ thị trường trong nước và thế giới, kết quả này có được còn nhờ vào chính sách tài khóa, tiền tệ. Đó là các chính sách như: giảm và giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp để phục vụ hoạt động sản xuất; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu; giảm thuế giá trị gia tăng; giảm và gia hạn một số loại thuế, tiền thuê đất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó hạ giá bán.

Một yếu tố không thể không nhắc đến là mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong thời gian qua được thực hiện hiệu quả, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào giá trị đồng nội tệ, nên đã hạn chế tâm lý lạm phát kỳ vọng.

Với diễn biến 6 tháng đầu năm, nhiều chuyên gia dự báo, lạm phát năm nay chỉ quanh mức 4%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội đặt ra (khoảng 4,5%). Bà dự báo thế nào?

Việc kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay có lẽ không khó. Tuy nhiên, vẫn có không ít yếu tố cả bên trong và bên ngoài tác động tiêu cực đến lạm phát, vì thế, không được chủ quan, lơ là.

Trên thị trường thế giới, trong ngắn hạn và trung hạn, lạm phát toàn cầu vẫn có khả năng chịu áp lực cao, dù đã giảm so với giai đoạn cao điểm 2022 - 2023. Giá dầu mỏ khó dự báo, khi xung đột ở Trung Đông chưa tìm được giải pháp hòa bình, ổn định lâu dài. Khu vực Trung Đông không chỉ là “rốn dầu” của thế giới, mà còn án ngữ “yết hầu” của tuyến vận tải hàng hải quốc tế. Một khi xung đột ở khu vực này chưa được giải quyết, thì giá cước vận chuyển còn tăng, thậm chí có thể làm ngưng trệ hoạt động vận chuyển, khiến giá hàng hóa trên thị trường thế giới tăng.

Bên cạnh đó, chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ có thể sẽ tạo ra xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất, cung ứng và tác động tới lạm phát toàn cầu.

Do phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, thiết bị, máy móc, dây chuyền, công nghệ, nên biến động của giá hàng hóa thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực đối với hoạt động sản xuất của Việt Nam, tác động tới giá hàng hóa tiêu dùng trong nước.

Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay, Chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, phục hồi, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cộng với dịch vụ du lịch phát triển mạnh…, nên có thể gây áp lực lên mặt bằng giá. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước giữ lãi suất điều hành thấp để hỗ trợ phục hồi kinh tế, khiến tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm bao giờ cũng cao hơn 6 tháng đầu năm. Tín dụng tăng mạnh sẽ kích thích cầu tiêu dùng và đầu tư, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng tạo áp lực cầu kéo lên lạm phát.

Tin bài liên quan