Lạm phát - Kết quả 2023, cẩn trọng 2024

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2023 là năm thứ 10 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu. Nhưng năm 2024, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu lại phải cẩn trọng.
Lạm phát - Kết quả 2023, cẩn trọng 2024

Năm thứ 10 liên tiếp lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu

Đánh giá này dựa trên nhiều biểu hiện.

Tổng quát nhất là CPI bình quân theo mục tiêu 2023 là 4,5%. Thực tế thấp hơn 3,25% và là năm thứ 10 liên tiếp được kiểm soát theo mục tiêu (2023 tăng 3,25%, 2022 tăng 3,15%, 2021 tăng 1,84%, 2020 tăng 3,23%, 2019 tăng 2,79%, 2018 tăng 3,54%, 2017 tăng 3,53%, 2016 tăng 2,66%, 2015 tăng 0,63%, 2014 tăng 4,09%).

Theo thời gian, CPI có xu hướng giảm dần qua các kỳ (1 tháng 4,89%, 2 tháng còn 4,6%, 3 tháng còn 4,18%, 4 tháng còn 3,84%, 5 tháng còn 3,55%, 6 tháng còn 3,29%, 7 tháng còn 3,12%, 8 tháng còn 3,10%), chỉ tăng nhẹ từ kỳ 9 tháng (9 tháng lên 3,16%, 10 tháng lên 3,20%, 11 tháng lên 3,22%, 12 tháng lên 3,25%).

Trong 11 nhóm, có 5 nhóm tăng cao hơn tốc độ chung (hàng ăn và dịch vụ ăn uống 3,44%, đồ uống và thuốc lá 3,29%, nhà ở và vật liệu xây dựng 6,58%, giáo dục 7,44%, hàng hóa và dịch vụ khác 4,65%). Có 4 nhóm tăng thấp hơn (may mặc, mũ, nón, giày, dép 2,21%, thuốc và dịch vụ y tế 1,23%, thiết bị và đồ dùng gia đình 2,09%, Văn hóa, giải trí và du lịch 2,55% và hai nhóm giảm (giao thông -2,49%, bưu chính viễn thông -0,71%).

Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu càng có ý nghĩa trong điều kiện tăng GDP thuộc Top cao (IMF dự báo, toàn cầu 3%, các nước phát triển 1,5%, các nước đang phát triển 4%, riêng Asean -5 4,2%). Lạm phát nhiều nền kinh tế lớn cao gấp rưỡi, gấp đôi định hướng.

Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu có nhiều tác động: ổn định và cải thiện mức sống thực tế của dân; ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài/GDP; tập trung cao hơn cho tăng trưởng kinh tế; tăng dự trữ ngoại hối, bảo đảm an toàn tài chính, nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia,…

Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu do nhiều yếu tố. Quan hệ giữa tổng cung và tổng cầu theo xu hướng tổng cầu yếu hơn tổng cung. Tốc độ tăng tích lũy tài sản (4,09%) và tiêu dùng cuối cùng (3,52%) đều thấp hơn tốc độ tăng GDP (5,05%). Xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp ở quy mô lớn nhất (28 tỷ USD). Lãi suất tiền gửi thấp, nhưng lượng tiền gửi vẫn vào nhiều và tăng (10,85%). Tâm lý “thắt lưng buộc bụng”, “tích cốc phòng cơ”,… trong đại dịch tiếp tục kéo dài, tác động tiêu cực đến tiêu dùng cuối cùng và đầu tư. Số doanh nghiệp ra khỏi thị trường còn nhiều (172,6 nghìn doanh nghiệp) và tăng cao (20,5%).

Chi phí đẩy diễn biến khác với năm trước. Giá nhập khẩu ngược chiều (giảm 1,73% so với tăng 8,56%). Giá nguyên nhiên, vật liệu cho sản xuất giảm (1,78%). Giá vận tải, kho bãi tăng cao (27,9%), nhưng chủ yếu do giá dịch vụ vận tải hàng không tăng quá cao (130,28%). Giá sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng (3,14%), dịch vụ tăng (9,59%), còn công nghiệp giảm (0,48%), trong đó chế biến, chế tạo giảm (0,55%).

Tài khóa, tiền tệ - yếu tố tiềm ẩn, trực tiếp và là biểu hiện ra của lạm phát - năm nay khác so với trước và khác với thế giới. Tổng thu ngân sách vượt dự toán (6%), nhưng giảm (5,4%) so với năm trước. Thu từ dầu thô giảm (19,5%). Thu cân đối ngân sách từ xuất, nhập khẩu giảm sâu (25,4%). Với chủ trương “khoan thư sức dân”, nên thu nội địa - khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu cũng bị giảm 0,3%. Tổng chi tăng 10,9%, chủ yếu do chi đầu tư phát triển tăng cao (33,1%) với chủ trương “nuôi dưỡng nguồn thu”, kích cầu,…. Bội chi ngân sách thấp so với dự toán (trên 37,1 nghìn tỷ đồng so với 279,7 nghìn tỷ đồng), vừa góp phần tạo nguồn để cải cách tiền lương, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán tuy không thấp như năm trước (10,03% so với 6,2%) nhưng vẫn còn thấp xa so với những năm từ 2021 trở về trước (2019 tăng 14,8%, 2020 còn 14,5%, 2021 còn 10,7%,….). Tỷ lệ tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tiếp tục giảm (2021 còn 11,34%, 2022 còn 9,51%). Tốc độ tăng dư nợ tín dụng từ 12,17% năm 2020, lên 13,6% năm 2021, lên 14,2% năm 2022, nhưng năm 2023 còn 11,09% và thấp xa định hướng 14,5%, mặc dù lãi suất cho vay giảm, nhiều giải pháp cơ cấu lại nợ, giảm nợ, giãn nợ,…

Lượng ngoại tệ từ các nguồn đầu tư nước ngoài tăng (thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5%), cán cân thương mại liên tiếp thặng dư và đạt kỷ lục mới (28 tỷ USD), kiều hối liên tục tăng (năm 2018 đạt 16 tỷ, năm 2019 lên 16,7 tỷ, năm 2020 lên 17,2 tỷ, năm 2021 lên 18,1 tỷ, năm 2022 lên 18,2 tỷ, ước năm 2023 lên trên 18,2 tỷ), góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đưa dự trữ ngoại hối tăng trở lại và đạt kỷ lục mới, tiếp tục vượt qua mức an toàn tài chính theo thông lệ quốc tế (trên 3 tháng nhập khẩu, lớn hơn nợ nước ngoài đến hạn,…..)

Cẩn trọng lạm phát 2024

Cảnh báo này xuất phát từ một số căn cứ quan trọng.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 là 4,5%, cao hơn mức thực tế 2023. Nhìn tổng quát, mục tiêu này vừa là quyết tâm, vừa là sự thận trọng của các nhà hoạch định vĩ mô.

Cùng với kiểm soát lạm phát, cần xem xét thêm một số mục tiêu khác. GDP vẫn ưu tiên tăng cao hơn 2023 (6-6,5% so với 5,05%). Xuất khẩu tăng 6%, xuất siêu 15 tỷ USD,….

Đáng lưu ý là dự toán ngân sách 2024.

Tổng thu 2024 chỉ ở mức xấp xỉ 1,71 triệu tỷ đồng, tăng gần 5,6% so với dự toán 2023 và tương đương so với thực tế 2023.

Thu nội địa/tổng thu chiếm 84,9%, cao hơn tỷ trọng 82,3% của dự toán 2023 và cao hơn tỷ trọng 83,3% thực tế năm 2023. Đành rằng tăng trưởng GDP mục tiêu 2024 cao hơn 2023 là yếu tố quan trọng, nhưng sẽ góp phần tăng thu nội địa.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu chiếm tỷ trọng 12% - thấp hơn dự toán năm 2023 và thấp hơn tỷ trọng 12,4% thực tế 2023, một phần lớn do việc giảm thuế suất khi tham gia các FTA, một phần do xuất, nhập khẩu 2024 chỉ tăng 6%, nhập khẩu cũng chỉ tăng 9,8% so với mức của năm 2023 (2023 xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4%, nhập khẩu đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9%).

Tổng chi dự toán 2024 chỉ tăng 2,1% so với dự toán 2023 và tăng tới 19,9% so với thực tế 2023. Đó cũng là tốc độ khá cao, cao hơn so với tăng trưởng kinh tế.

Tỷ trọng chi đầu tư phát triển/tổng chi ngân sách dự toán 2024 ở mức 32%, thấp hơn tỷ trọng 37,2% dự toán 2023 và thấp hơn tỷ trọng 33,5% thực tế 2023. Điều đó sẽ làm cho “cầu” đầu tư từ ngân sách thấp, giảm áp lực đối với lạm phát.

Tỷ trọng chi thường xuyên/tổng chi dự toán năm 2024 chỉ có 55,5% (do tính trên mức lương cơ sở 1,49 triệu) - thấp xa so với 72,3% theo dự toán 2023 và tỷ trọng 61,1% theo thực tế 2023. Điều đó làm cho tổng cầu trong nước sẽ vẫn còn yếu.

Bội chi dự toán 2024 là 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,6% GDP, cao hơn dự toán 2023 (455,6 nghìn tỷ đồng) và cao hơn nhiều so với thực tế năm 2023 (ước 37,1 nghìn tỷ đồng). Theo đó, tổng mức vay của ngân sách Nhà nước rất cao (lên đến 690,553 nghìn tỷ đồng, để bù đắp bội chi và trả nợ gốc).

Những điều đó chứng tỏ ngân sách nhà nước còn không ít khó khăn, thách thức (như thu nội địa phải tăng cao, chi đầu tư ít đi, bội chi tăng lên,…).

Tin bài liên quan