Lạm phát toàn cầu tiếp tục ở mức cao do vấn đề chuỗi cung ứng chưa được giải quyết

Lạm phát toàn cầu tiếp tục ở mức cao do vấn đề chuỗi cung ứng chưa được giải quyết

(ĐTCK) Các cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, chu kỳ lạm phát cao trên toàn cầu còn kéo dài và việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng sẽ không thể đưa giá cả xuống mức yêu cầu do các chuỗi cung ứng bị phá vỡ khó có thể sớm được hàn gắn.

Lạm phát ở hầu hết các quốc gia đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm khi được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong hoạt động kinh tế và gia tăng căng thẳng của sự gián đoạn chuỗi cung ứng tràn lan.

Trong khi các nhà kinh tế kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong năm nay với các dấu hiệu cú sốc về nguồn cung giảm bớt, thì xung đột giữa Nga và Ukraine và các vụ đóng cửa gần đây gây ra bởi sự trỗi dậy các trường hợp nhiễm Covid-19 ở một số khu vực của Trung Quốc đã làm chệch hướng phần lớn sự lạc quan đó.

Phân tích dữ liệu lạm phát toàn cầu và Chỉ số áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu (GSCPI) của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) New York đo lường sự biến dạng nguồn cung cho thấy, có mối tương quan chặt chẽ hơn giữa gián đoạn chuỗi cung ứng và lạm phát so với trước giai đoạn đại dịch, đặc biệt là ở Anh, khu vực đồng euro và Mỹ.

Mối tương quan giữa chỉ số GSCPI và lạm phát

Mối tương quan giữa chỉ số GSCPI và lạm phát

Nhưng có một độ trễ đáng kể, trong khi chỉ số GSCPI tăng lên mức cao nhất vào quý IV/2021 thì lạm phát vẫn còn vài tháng nữa mới đạt được mức đỉnh. Điều đó đã làm cho việc dự đoán lạm phát trở thành một thách thức lớn hơn đối với các nhà kinh tế học.

Brendan McKenna, nhà kinh tế quốc tế tại Wells Fargo cho biết: “Tôi không nghĩ rằng, sự gián đoạn chuỗi cung ứng được phản ánh đầy đủ trong một số dự báo lạm phát và đó có lẽ là lý do tại sao chúng ta có thể thấy dự báo cao hơn trong những tháng tới”.

"Các ngân hàng và thậm chí cả các ngân hàng trung ương đã không thực sự đánh giá đầy đủ về sự gián đoạn chuỗi cung ứng mà chúng tôi đã thấy năm ngoái và có thể sẽ tiếp tục chứng kiến ​​trong năm nay, một phần là do xung đột Nga - Ukraine”, nhà kinh tế Brendan McKenna cho biết.

Dự báo lạm phát của 46 nền kinh tế được thăm dò ý kiến ​​trong năm nay cao hơn trung bình 3,9% về mặt số tuyệt đối so với cuối năm 2020. Đối với năm 2023, các dự báo lạm phát đã tăng trung bình 1,1% kể từ đầu năm 2021. Cùng với các dự báo tăng liên tục trong năm qua, lạm phát dự báo khả năng sẽ còn tăng thêm.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tác động của chúng đối với lạm phát phần lớn vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các ngân hàng trung ương, tuy nhiên nhiều ngân hàng đã bắt đầu rút lại chính sách tiền tệ nới lỏng để kiểm soát lạm phát tăng cao.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách phải giải quyết tình trạng lạm phát kéo dài với nguy cơ cao gây ra sự sụt giảm tăng trưởng của nền kinh tế và trong một số trường hợp là suy thoái.

Elwin de Groot, người đứng đầu chiến lược vĩ mô tại Rabobank cho biết: “Lạm phát có xu hướng là một kẻ giết người chậm chạp. Có thể mất thêm một chút thời gian trước khi nó thực sự dẫn đến sự phá hủy nhu cầu và sau đó nền kinh tế bắt đầu chậm lại. Tăng trưởng không chậm lại vì lạm phát là điều không thể”.

Tin bài liên quan