Lạm phát Trung Quốc giảm giúp củng cố quan điểm cắt giảm lãi suất của PBOC

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực lạm phát của Trung Quốc đã giảm bớt trong tháng 12 khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có khả năng cắt giảm lãi suất trong khi hầu hết các quốc gia lớn khác đang tìm cách thắt chặt chính sách.
Lạm phát Trung Quốc giảm giúp củng cố quan điểm cắt giảm lãi suất của PBOC

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 12 của Trung Quốc đã tăng 10,3% so với cùng kỳ trước đó, giảm từ mức tăng 12,9% của tháng 11, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức tăng 2,3% trong tháng 11. Cả hai đều thấp hơn dự kiến ​​của các nhà kinh tế.

Chỉ số CPI và PPI

Chỉ số CPI và PPI

Sự bất ngờ về lạm phát thấp hơn dự kiến đã tiếp thêm động lực cho các lời kêu gọi của ngân hàng trung ương lần đầu tiên cắt giảm lãi suất chính sách chủ chốt kể từ tháng 4/2020, có thể sớm nhất là vào tuần tới. Các nhà chức trách đã chuyển sang xu hướng ủng hộ tăng trưởng hơn trong năm nay khi thị trường bất động sản sụt giảm và các đợt bùng phát virus lặp đi lặp lại làm đe dọa triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế.

Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu chiến lược và vĩ mô tại China Renaissance Securities Hong Kong cho biết: “Khả năng cắt giảm lãi suất trong quý I là cao và thời điểm gần nhất là trong tháng này”.

Theo chiến lược gia tiền tệ của Scotiabank, Qi Gao, PBOC có thể cắt giảm lãi suất cho các khoản vay trung hạn - một lãi suất chính sách quan trọng - ngay trong tuần tới. ANZ, Goldman Sachs, BNP Paribas SA và DBS Bank cũng dự báo khả năng PBOC sẽ sớm thực hiện cắt giảm lãi suất.

Việc cắt giảm lãi suất sẽ đưa PBOC vào một con đường khác biệt với Cục Dự trữ Liên bang (Fed) khi Fed đang dự kiến ​​sẽ bắt đầu tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát mạnh nhất trong bốn thập kỷ tại Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc gần đây đã thực hiện một số biện pháp để kiềm chế lạm phát tăng cao tại các nhà máy, thúc đẩy nguồn cung các mặt hàng quan trọng và ngăn chặn nạn đầu cơ. Có những dấu hiệu cho thấy các biện pháp này có thể mang lại hiệu quả mong muốn.

Chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc cũng tiếp tục giảm, phần lớn là do tác động quá lớn của giá thịt lợn giảm. Giá thực phẩm giảm trong tháng 12, với giá thịt lợn giảm gần 37% và giá rau tăng chậm lại.

Bên cạnh đó, sự lây lan của các trường hợp nhiễm biến thể Omicron ở Trung Quốc vẫn là một yếu tố thách thức so với triển vọng lạm phát. Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu thô lớn nhất thế giới và nếu các đợt bùng phát tiếp tục lan rộng và khiến nhiều đợt ngừng hoạt động, thì một số gián đoạn về phía nguồn cung có thể xảy ra sau đó. Những ngày nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới cũng sẽ chứng kiến ​​nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng vọt và giá có thể cao hơn.

Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết: “Sự bùng phát Covid-19 gần đây ở một số thành phố của Trung Quốc đặt ra nhiều rủi ro đi xuống cho nền kinh tế. Áp lực đối với chính phủ đang tăng lên”.

Chỉ số ChiNext về cổ phiếu công nghệ của Trung Quốc đã tăng tới 2,4% sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, đây là mức tăng mạnh nhất kể từ ngày 22/11.

Tin bài liên quan