Kinh tế Trung Quốc trải qua thời kỳ lạm phát kèm suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, Trung Quốc đang xuất hiện những dấu hiệu lạm phát kèm suy thoái do giá cả tiếp tục leo thang trong khi sản xuất chậm lại.
Ảnh Internet

Ảnh Internet

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc giảm mạnh hơn dự kiến trong tháng 10, ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp, theo số liệu được công bố vào cuối tuần trước. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất tháng 10 của nước này đạt 49,2 điểm, dưới ngưỡng tăng trưởng 50 điểm.

Ông Zhang Zhiwei, Trưởng phòng kinh tế tại Pinpoint Asset Management cho biết, đây là mức PMI sản xuất thấp nhất kể từ năm 2005, trừ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 2/2020. Ngược lại, chỉ số giá tiêu dùng lại lên cao nhất kể từ năm 2016.

“Những tín hiệu này xác nhận rằng, kinh tế Trung Quốc có thể đang trải qua thời kỳ lạm phát kèm suy thoái”, theo ông Zhang Zhiwei.

Lạm phát kèm suy thoái là tình trạng khi một quốc gia đồng thời ghi nhận hoạt động kinh tế trì trệ và lạm phát tăng nhanh. Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1970, khi cú sốc dầu mỏ khiến giá cả giữ ở mức cao trong thời gian dài nhưng tăng trưởng GDP lại giảm mạnh.

“Một dấu hiệu đáng lo ngại là lạm phát đang chuyển từ giá đầu vào sang giá đầu ra. Lạm phát giá đầu vào đã ở mức cao trong nhiều tháng tính đến thời điểm hiện tại do giá hàng hóa tăng. Tuy nhiên, giá đầu ra tăng vọt trong tháng 10 lại là một điều đáng báo động”, ông Zhang nhận định.

Theo ông, áp lực lạm phát đang bị chuyển từ các doanh nghiệp “thượng nguồn” sang doanh nghiệp “hạ nguồn”. Doanh nghiệp “thượng nguồn” là những bên sử dụng các vật liệu đầu vào cần thiết để sản xuất hàng hóa, còn doanh nghiệp “hạ nguồn” là nơi sản xuất ra thành phẩm và phân phối ra thị trường.

Theo Raymond Yeung, Trưởng phòng kinh tế phụ trách thị trường Trung Quốc ở ANZ: “Chúng ta có thể thấy rõ tình trạng lạm phát kèm suy thoái ở Trung Quốc. Lĩnh vực công nghiệp của nước này đang ở trong tình thế rất khó khăn”.

Capital Economics cho biết, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ nghiêm trọng do thiếu hụt nguồn cung điện, thiếu nguyên liệu và chi phí đầu vào cao. Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng điện trầm trọng do thiếu than.

“Điều này dẫn đến việc các công ty phải tiếp tục giảm hàng tồn kho và thời gian giao hàng lâu hơn. Đáng chú ý, tình trạng thiếu hụt này cùng với việc giá nguyên liệu thô tăng đang đẩy giá đầu ra lên cao”, Sheana Yue, trợ lý kinh tế tại Capital Economics nói.

Tin bài liên quan