Các bị cáo hầu tòa.

Các bị cáo hầu tòa.

Làm rõ hành vi của cán bộ ngân hàng “bắt tay” với siêu lừa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TAND TP Hà Nội vừa trả hồ sơ vụ án Nguyễn Thị Hà Thành và đồng phạm để Viện KSND làm rõ một số vấn đề trong đó có hành vi của một số bị cáo là cựu cán bộ ngân hàng.

Cụ thể, HĐXX đề nghị cần đấu tranh, làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo Quản Trọng Đức (cựu Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Trưởng phòng giao dịch Đông Đô - Ngân hàng Việt Á - VAB) khi ký duyệt các hợp đồng tiền gửi, có hành vi lừa đảo không; hành vi của Trần Thị Hoa (cựu Phó giám đốc chi nhánh Hà Nội Ngân hàng Quốc dân - NCB là Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng hay Lợi dụng chức vụ gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, vào năm 2014, Nguyễn Thị Hà Thành quen biết Nguyễn Thanh Tùng và có quan hệ làm ăn với nhau. Để có tiền đầu tư kinh doanh, Thành đã dùng nhiều thủ đoạn để huy động tiền từ các tổ chức, cá nhân. Cả hai sử dụng các pháp nhân như Công ty Jeongho, Eurocell lập khống các hồ sơ năng lực, mua bán hàng hóa, vay tiền hoặc dùng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo.

Cơ quan tố tụng xác định từ năm 2016 - 2018, bị cáo làm ăn thua lỗ, nợ nần. Thành cùng các đồng phạm đã thực hiện 26 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền của 3 ngân hàng và các cá nhân số tiền hơn 430 tỷ đồng.

Hồ sơ cũng thể hiện có một số cán bộ ngân hàng vi phạm pháp luật khi “bắt tay” với Thành làm trái quy định.

Đơn cử tại VAB, Thành tìm những người có tiền để vay tiền với lãi suất cao hoặc rủ rê làm ăn nhưng do không có tài sản đảm bảo nên những người này không đưa tiền trực tiếp cho Thành.

Thành nghĩ cách để họ gửi tiền vào VAB với hình thức đồng sở hữu. Sau đó, Thành dùng các thủ đoạn gian dối để vay/rút tiền ra để sử dụng.

Thực hiện ý định trên, Thành tiếp cận với Nguyễn Thị Thu Hương (Trưởng bộ phận quan hệ khách hàng, Phòng giao dịch Đông Đô). Cả hai bàn nhau nói với Quản Trọng Đức (Giám đốc chi nhánh Hà Nội) là Thành sẽ gửi số tiền lớn với đồng sở hữu rồi sẽ cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền ngân hàng.

Do ngân hàng giữ sổ tiết kiệm nên Thành cần có giấy tờ khác để chứng minh tài chính với đối tác. Do đó, Hương đề xuất và Đức đồng ý sẽ phát hành “Hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn” và “giấy đề nghị phong tỏa”. Nhưng vì Thành là khách hàng cá nhân mà VAB chỉ áp dụng hình thức “Hợp đồng tiền gửi” cho khách hàng doanh nghiệp nên Đức tự ý chỉnh sửa một số nội dung cho phù hợp.

Hai văn bản trên được phát hành trái quy định nên Hương không đưa vào hệ thống để quản lý, lưu trữ.

Cáo trạng thể hiện, ngoài hành vi phát hành Hợp đồng tiền gửi trái quy định, bị cáo Quản Trọng Đức còn ký duyệt đề xuất cấp tín dụng khoản vay vượt hạn mức của Phòng giao dịch Đông Đô, không kiểm soát tính chính xác của các nội dung ghi trên Tờ trình thẩm định cấp tín dụng, vi phạm các quy định của ngân hàng.

Còn Nguyễn Thị Thu Hương giúp sức cho Thành thực hiện 21 vụ lừa đảo số tiền 273,8 tỷ đồng; có hành vi lừa đảo một số cá nhân ký chứng từ vay, rút tiền…

Với hành vi trên, bị cáo Quản Trọng Đức bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Còn Nguyễn Thị Thu Hương phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; một số cán bộ khác của VAB cũng bị truy tố do sai phạm quy định ngân hàng.

Tại NCB, cơ quan tố tụng xác định Thành và các đồng phạm gây ra 4 vụ lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 47,5 tỷ đồng. Trong đó, có một số cán bộ dính líu như bị cáo Trần Thị Hoa đã bỏ qua cấp kiểm soát, duyệt cấp tín dụng cho 2 khoản vay số tiền 38 tỷ đồng…

Tin bài liên quan