Làm sạch dữ liệu, ngăn ngừa rủi ro

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng liên quan đến kế hoạch ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng.

Ông có thể chia sẻ việc liên thông dữ liệu giữa ngành ngân hàng và công an có ý nghĩa như thế nào đến hệ thống ngân hàng?

Dữ liệu dân cư đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với ngành ngân hàng, xét ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, giúp hệ thống ngân hàng làm sạch những dữ liệu đã có trước đây.

Thứ hai, giúp kiểm tra và xác thực thông tin của những khách hàng mới.

Thứ ba, khi dữ liệu dân cư có đầy đủ, các ngân hàng thương mại, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro, có thể tiến hành các hoạt động cho vay trên nền tảng điện tử.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng

Được biết, trong tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước làm sạch 51 triệu dữ liệu khách hàng tại CIC, ông có thể cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này?

Trong 51 triệu khách hàng tại CIC, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên làm sạch dữ liệu đối với khoảng 25 triệu khách hàng đang có dư nợ tại CIC trước và cách làm sạch là theo lô. Cùng với sự phối hợp của Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đạt được tiến độ đặt ra là đến tháng 6/2023. Còn những khách hàng có lịch sử tín dụng tại CIC nhưng đến thời điểm hiện tại không có hoạt động tín dụng, đồng thời, trong những năm gần đây không phát sinh dư nợ thì chưa làm ngay.

Việc làm sạch dữ liệu sẽ hạn chế được những bất cập gì hiện nay, thưa ông?

Theo quy định hiện nay, khi tiến hành cho vay, các ngân hàng tham khảo thông tin khách hàng của mình đang vay ở đâu. Trên thực tế, khách hàng đang thực hiện đi vay qua nhiều cách thức có thể như khai báo bằng chứng minh thư nhân dân, hay căn cước công dân 9 số hoặc các giấy tờ căn cước công dân gắn chip. Nhờ làm sạch dữ liệu, ngân hàng có thể gộp cả ba thông tin này thành một, qua đó, xác định cụ thể khách hàng đang vay ở những ngân hàng nào, giúp ngân hàng ngăn ngừa rủi ro, bởi đã có thông tín tín dụng của khách hàng một cách chính xác.

Cũng liên quan đến câu chuyện giấy tờ tuỳ thân, ông có thể cho biết, ngành ngân hàng đang đối mặt với những rủi ro nào?

Các ngân hàng đã chia sẻ về nguy cơ dùng giấy tờ giả và một số cá nhân mở tài khoản rồi cho thuê lại tài khoản cho những mục đích, giao dịch bất hợp pháp. Do đó, vấn đề đặt ra đối với các ngân hàng là phải xác thực được đúng khách hàng. Xác thực qua các hình thức trực tuyến, trực tiếp tại quầy cũng như trên các kênh giao dịch. Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo, xác thực được người thực hiện giao dịch và chủ tài khoản để hạn chế vấn đề cho mượn hay cho thuê tài khoản.

Hình thức cho vay online đang được các ngân hàng triển khai mạnh mẽ nhưng cũng đang có các vướng mắc nhất định. Cơ quan quản lý định hướng tháo gỡ vướng mắc như thế nào để hoạt động cho vay online phát triển, thưa ông?

Thực tế hiện nay, các TCTD đang triển khai thí điểm cho vay online trong phạm vi nhất định. Do đó, về khía cạnh cơ quan quản lý, điều đầu tiên là ban hành cơ sở pháp lý. Đây là vấn đề các ngân hàng rất kỳ vọng nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển theo yêu cầu của thực tiễn.

Xác thực dữ liệu khách hàng là nghiệp vụ rất quan trọng trong ngành ngân hàng

Xác thực dữ liệu khách hàng là nghiệp vụ rất quan trọng trong ngành ngân hàng

Hiện tại, Dự thảo sửa đổi Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng đã được NHNN lấy đầy đủ ý kiến các bộ ngành và đang hoàn tất các khâu cuối cùng để ban hành. Khi Thông tư mới được ban hành sẽ làm nền tảng cho các ngân hàng tổ chức thực hiện cho vay online. Trong đó, quy định về việc xác thực khách hàng như thế nào, quy định điều kiện cho vay trước cũng như là sau đối với cho vay trên môi trường điện tử ra sao sẽ được đề cập tại Thông tư sửa đổi Thông tư 39.

Ông có thể chia sẻ về định hướng hoạt động chuyển đổi số của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới?

Xây dựng khuôn khổ pháp lý đáp ứng kịp thời với sự phát triển cũng như nhu cầu thực tiễn của thị trường là mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Bên cạnh đó, như chúng ta đã chứng kiến, người dùng đều có thể quẹt QR Coder một cách rất thuận lợi tại bất kỳ một cửa hàng nào. Để làm được câu chuyện này, hàng chục nghìn cửa hàng, hàng triệu người dân và các ngân hàng đang sử dụng chung hạ tầng với các tiêu chuẩn chung. Theo đó, việc cần làm là duy trì hạ tầng để đáp ứng được hàng chục chục triệu giao dịch trong một ngày.

Tin bài liên quan