Làm tín dụng: Tin, nể, sợ, liều... là “rơi xuống hố”

Làm tín dụng: Tin, nể, sợ, liều... là “rơi xuống hố”

(ĐTCK) Gõ cụm từ “nhân viên tín dụng hầu tòa”, trong 0,49 giây có khoảng 246.000 kết quả là một loạt tin bài về nhân viên tín dụng tại nhiều ngân hàng khác nhau hầu tòa…

Trong “Đại án Đắk Nông” xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), anh Trương Đình Hải, nguyên Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Ngân hàng TMCP Nam Á đã bị tuyên án 10 năm tù giam. Nguyên do, anh Hải đã cho một nhóm doanh nghiệp vay 50 tỷ đồng, với tài sản bảo đảm là hợp đồng tiền gửi cùng giá trị tại VDB.

Đáng tiếc, hợp đồng dùng làm bảo đảm tiền vay là giả tạo, nội dung xác nhận của VDB Đắk Lắk - Đắk Nông cũng giả mạo. Tiền vay được dùng để trả nợ cho chính VDB, bù đắp những thất thoát của các doanh nghiệp tại VDB chi nhánh Đắk Lắk – Đắk Nông. Vụ án cho thấy, anh Hải không tư lợi, không nhận tiền bạc từ các doanh nghiệp. Anh Hải bị lừa dối. Điều đáng tiếc là anh quá tự tin về mức độ an toàn của khoản vay.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico chia sẻ, nhiều cán bộ tín dụng ngân hàng trong những vụ án mà ông thụ lý từng là những “ngôi sao” trong hệ thống nhân sự của ngân hàng. Họ vào ngân hàng với những tấm bằng tốt nghiệp đại học, cao học danh giá trong nước hoặc nước ngoài. Với những kiến thức về quy trình tác nghiệp theo chuẩn mực nước ngoài, những kỹ năng mềm trong giao dịch thương thuyết khách hàng, họ đã nỗ lực cống hiến để đạt mọi chỉ tiêu được giao phó.

Mục tiêu của những cán bộ tín dụng này là sự đánh giá, khen ngợi liên tục từ ban lãnh đạo, là những vị trí chức vụ được bổ nhiệm ngày càng cao hơn… Những nấc thang trong lộ trình công danh này dường như là hình mẫu mục tiêu phổ biến để cán bộ tín dụng hướng đến cùng với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong hơn 10 năm qua.

“Tuy nhiên, trên con đường công danh đó, đến nay, không ít trường hợp cán bộ tín dụng đã phải nói những lời sau cùng trong nước mắt”, luật sư Hải nói.

Phó tổng giám đốc phụ trách khối tín dụng một ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ tình hình nhân viên tín dụng tại ngân hàng cách đây 2 năm: người có điều kiện thì làm đơn xin nghỉ việc, không ít người xin chuyển sang bộ phận khác, những người còn lại thì đa số làm việc cầm chừng. Từ nhân viên đến cán bộ cấp trung đều không quyết định bất cứ một hồ sơ vay vốn nào. Tất cả đều ký trình lãnh đạo phê duyệt.

“Một giai đoạn khủng hoảng có thể nói là cay đắng trong khối tín dụng tại ngân hàng”, vị phó tổng giám đốc trên nói.

Không khó để hiểu từ “cay đắng” mà vị lãnh đạo khối tín dụng đã phải thốt ra, vì đã có những cán bộ tín dụng bị bắt tạm giam ngay sau khi vừa trở về từ chuyến du lịch nước ngoài - phần thưởng đặc biệt mà ngân hàng dành cho những nhân sự xuất sắc nhất hệ thống. Có người hầu tòa, bị xét xử hình sự mà liên tục các năm trước đó được ngân hàng vinh danh là giám đốc ưu tú, phụ trách chi nhánh có tổng tài sản và doanh thu lớn nhất.

Họ, hầu hết đều là những nhân sự có tài của ngân hàng, đã vượt qua nhiều trở ngại để gặt hái thành công. Chỉ vì những giây phút “tin”, “nể”, “sợ” và thậm chí cả “liều” để rồi rơi xuống hố sâu trách nhiệm pháp lý.

Nhân viên tín dụng một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, có rất nhiều phút giây “đau tim” đến với người làm tín dụng. Thứ nhất, sợ người vay kinh doanh không hiệu quả, trong đó có nguyên nhân do quản lý kinh tế vĩ mô thay đổi. Thứ hai, sợ người vay bị người khác lừa đảo vốn vay.

Thứ ba, sợ người vay sử dụng vốn không đúng mục đích theo hợp đồng tín dụng, cung cấp thông tin giả mạo, gian dối. Thứ tư, sợ nợ quá hạn ngày một gia tăng mà giá trị tài sản bảo đảm lại suy giảm. Thứ năm, sợ một số cá nhân nhân danh nhà nước giữ quyền điều tra, truy tố, xét xử kết tội cán bộ tín dụng oan trái do không hiểu về nghiệp vụ ngân hàng...

“Đây không phải là nghề dành cho những người “yếu tim”. Đây là nghề đòi hỏi người làm nghề phải có bản lĩnh. Nguyên tắc nghề nghiệp hàng đầu là ưu tiên bảo vệ bản thân. Biết bảo vệ chính mình trước những rủi ro, đặc biệt về mặt pháp luật sẽ không những bảo vệ được bản thân mà còn bảo vệ được ngân hàng”, nhân viên tín dụng trên nói.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng, làm nghề tín dụng ngân hàng, phương châm nghề nghiệp suốt đời là “chưa thấy quan tài đã nhỏ lệ”. 

Tin bài liên quan