Làn gió mới từ du lịch thôn quê níu chân du khách

0:00 / 0:00
0:00
Nằm ở vị trí liền kề với thủ đô Hà Nội, Hưng Yên có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển về kinh tế - văn hóa nói chung và phát triển về du lịch nói riêng.
Ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên phát biểu tại Hội nghị.

Ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên phát biểu tại Hội nghị.

Ngày 18/8, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với doanh nghiệp du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch Hưng Yên năm 2023.

Tại Hội nghị, đại diện các công ty lữ hành đã đưa ra những đánh giá về tiềm năng những điểm còn hạn chế của du lịch của Hưng Yên. Trong đó, các ý kiến nhấn mạnh việc khai thác giá trị văn hóa lịch sử độc đáo của địa phương cùng việc tận dụng nguồn tài nguyên, đặc sản riêng có tại Hưng Yên để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn.

Theo đó, Hưng Yên được biết đến là cái nôi của nghệ thuật dân gian truyền thống: hát Ca trù, hát chèo, hát Trống Quân. Hiện nay, UBND tỉnh đã công nhận 4 điểm du lịch: Đền Đa hòa (huyện Khoái Châu); Đền An Xá (huyện Tiên lữ); Đền Phù Ủng (huyện Ân Thi); điểm du lịch Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt.

Ông Đỗ Hữu Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên cho biết, thời gian qua, lĩnh vực du lịch được tỉnh Hưng Yên quan tâm phát triển. Lượng khách du lịch đến Hưng Yên ngày càng tăng, sản phẩm du lịch cũng đa dạng hơn.

Ngành du lịch Hưng Yên đã tăng cường thu hút đầu tư hạ tầng cơ sở ngành du lịch đến nay đã đưa vào khai thác một số điểm phục vụ khách du lịch như khu du lịch Phố Hiến, điểm du lịch đền Đậu An, đền Đa Hòa, đền Phù Ủng, Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt…

“Thời gian tới ngành du lịch Hưng Yên sẽ tiếp tục đầu tư khai thác du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nông thôn… để hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng phục vụ du khách.”, ông Nhân nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Hiệu, Phó giám đốc Sở Văn hoá Thể thao du lịch Hưng Yên chia sẻ: “Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy quảng bá, giới thiệu các cái điểm du lịch của Hưng Yên đến với các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cũng như các cơ quan truyền thông thấy được tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm du lịch trên địa bàn của huyện”.

“Chúng tôi mong muốn qua sự kiện này, các tỉnh lân cận Hưng Yên sẽ tạo ra liên kết vùng để kích cầu du lịch, đưa đến du khách những cái trải nghiệm tốt nhất, sâu sắc nhất về ý nghĩa tâm linh cũng như các sản phẩm du lịch như: gà đông tảo, vườn nhãn Hưng Yên… đặc biệt là kết nối giữa các vùng Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.”, ông Hiệu nêu rõ.

Tại Hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp có đề cập đến vấn đề về hệ thống cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi, giải trí không mở rộng mô hình, điều này đã gây khó khăn cho doanh nghiệp du lịch khi đưa số lượng lớn du khách về Hưng Yên trong cùng một thời điểm. Nhìn từ tổng thể, tài nguyên du lịch Hưng Yên khá tương đồng với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng nên chưa có sản phẩm đặc trưng.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch chưa chuyên nghiệp, công tác truyền thông, quảng bá chưa có đủ sức hấp dẫn du khách. Ngoài ra du lịch Hưng Yên vẫn chưa kết nối được với các tỉnh, thành phố trong khu vực để hình thành các tour, tuyến du lịch ngoại tỉnh…

Góp ý cho ngành du lịch Hưng Yên thu hút du khách trong thời gian tới các đại biểu đề xuất, thời gian tới Hưng Yên cần phát triển thêm các sản phẩm đặc thù. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với các địa phương lân cận để tạo các tour du lịch, tuyến du lịch mới phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là thị trường Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững nêu rõ, tỉnh Hưng Yên có nhiều đặc sản, sản phẩm OCOP, do đó có thể xây dựng mâm quốc cỗ riêng đặc trưng cho Hưng Yên để thu hút du khách trải nghiệm ẩm thực. Tại mỗi khu, điểm du lịch cần tổ chức các gian hàng, quầy bán sản vật, quà lưu niệm đặc trưng của tỉnh Hưng Yên… để đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách và phát triển kinh tế địa phương.

Lễ ký kết hợp tác về phát triển sản phẩm du lịch của Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội.

Lễ ký kết hợp tác về phát triển sản phẩm du lịch của Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lương Duy Doanh, Giám đốc Công ty du lịch Fivestar Travel có đề xuất: “Để Hưng Yên thu hút được nhiều khách đòi hỏi ngành du lịch Hưng Yên cần phải phối hợp, liên kết chặt chẽ với các tỉnh thành lân cận như Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình… từ đó xây dựng những tour du lịch liên tuyến phục vụ du khách”.

Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi ngành du lịch Hưng Yên cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, chia sẻ thông tin điểm đến qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch xây dựng tour phù hợp thực tế.

Như vậy, góp ý của các đại biểu cho thấy thời gian tới ngành du lịch Hưng Yên cần có những cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Đồng thời đẩy liên kết với các địa phương quảng bá, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác du lịch.

Trong khuôn khổ Hội nghị ngành du lịch Hưng Yên cùng Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội ký kết hợp tác về phát triển sản phẩm du lịch.

Tin bài liên quan