Bị cáo Vững.

Bị cáo Vững.

Lập công ty xuất khẩu lao động giả để lừa đảo hơn 5 tỷ đồng

(ĐTCK) Ngay sau khi Công ty Vinagimex chuyển đi, Vững đã thuê lại nhà trên, lập văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động, đặt tên và thuê làm biển hiệu giống như Công ty Vinagimex.

Ngày 28/2, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Nguyễn Huy Vững (SN 1986, ở Phú Thọ) 19 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, Vững từng làm cộng tác viên cho các công ty có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động và biết thông tin CTCP Xuất khẩu tổng hợp và chuyển giao công nghệ Việt Nam Vinagimex (CTCP Vinagimex) có thuê nhà ở địa chỉ quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) từ cuối năm 2015 đến tháng 6/2016 thì chuyển trụ sở.

Ngay sau khi Công ty Vinagimex chuyển đi, Vững đã thuê lại nhà trên, lập văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động, đặt tên và thuê làm biển hiệu giống như Công ty Vinagimex.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, Vững thuê một đội ngũ nhân viên làm kế toán, lái xe, nhân viên thị trường…, trả lương từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Vững cũng thuê may đồng phục, làm thẻ nhân viên và in tên tuổi, chức danh, logo công ty đồng thời tổ chức mạng lưới cộng tác viên để giới thiệu văn phòng, đăng tin tuyển dụng nhằm mục đích lôi kéo nhiều khách hàng.

Do có kinh nghiệm nên Vững cũng nắm rõ các thủ tục làm hồ sơ mà người lao động cần có. Để khách hàng tin tưởng, Vững để sẵn một bộ hồ sơ pháp lý photocopy công chứng của công ty như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài…

Khi có người lao động liên lạc, cộng tác viên sẽ dẫn đến hoặc hướng dẫn họ tự đến văn phòng để gặp nhân viên thị trường hoặc gặp trực tiếp Vững.

Tại đây, họ sẽ được tư vấn các nội dung như ngành nghề lao động, mức lương, lệ phí tuyển dụng, hình thức tuyển dụng, chế độ đãi ngộ…  Mỗi người phải nộp hồ sơ cùng 10 triệu đồng tiền đặt cọc. Nếu muốn chắc chắn vượt qua sát hạch sức khỏe, người lao động phải nộp thêm 10-15 triệu đồng thì công ty sẽ “bao đỗ” .

Nếu có người hỏi về công ty và thắc mắc hợp đồng không có con dấu, nhân viên sẽ giải thích đây là văn phòng đại diện nên giám đốc văn phòng không có dấu. Sau khi hoàn tất các thủ tục nộp tại văn phòng, nhân viên bảo người lao động về chờ, khi nào có hợp đồng lao động và lịch bay thì lên ký. Bị cáo cam kết sẽ đưa người lao động xuất cảnh trong thời gian 4-6 tháng.

Để người lao động tin tưởng, tháng 10/2016, Vững còn mời giáo viên về dạy tiếng Nhật tại công ty. Những người tham gia khóa học phải đóng học phí 700 USD/khóa và được phát chăn màn, đồng phục.

Trên thực tế, Vững không làm thủ tục như hứa hẹn với người lao động, viện nhiều lý do để trì hoãn, không trả lại tiền. Từ năm 2016-2017, tổng cộng bị cáo chiếm đoạt của 91 người lao động số tiền hơn 3,3 tỷ đồng và 96.150 USD; tương đương hơn 5,4 tỷ đồng.

Nhằm che đậy hành vi phạm tội, tháng 11/2016, Vững còn thành lập Công ty TNHH xây dựng và vận tải Huy Phát, thay đổi toàn bộ biển hiệu văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động.

Đối với những người môi giới, cơ quan điều tra tách tài liệu để điều tra, xử lý sau.

Tin bài liên quan