Nhà đầu tư đang gặp nhiều thử thách để tồn tại với thị trường. Ảnh: Shutterstock.

Nhà đầu tư đang gặp nhiều thử thách để tồn tại với thị trường. Ảnh: Shutterstock.

"Lập Đông" chứng khoán đã 7 tháng, gió lạnh có còn kéo dài?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều câu hỏi đang được các nhà đầu tư đặt ra với thị trường trong giai đoạn hiện tại. Ông Trung Kiên, nhà sáng lập Công ty Quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc đã có cuộc trao đổi cùng Báo Đầu tư Chứng khoán.

Chào ông, nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn, liệu trong năm 2022 thị trường sẽ có đáy mới không?

Thực sự thì bây giờ thị trường chứng khoán Việt Nam đang là vô địch thế giới bởi đà giảm điểm mạnh nhất. Thậm chí, chứng khoán nước ta còn giảm sâu hơn Nga - một nước đang trong bối cảnh xung đột, chúng ta cũng không kém gì Trung Quốc – nước đang ngập lụt trong cơn khủng hoảng bất động sản.

Về mặt điểm số, tôi cho rằng 750 sẽ là vùng đáy. Bởi đây là điểm giao cắt giữa đường giảm giá trung hạn được hình thành từ đầu năm tới nay, giao cắt với đường tăng giá dài hạn từ năm 2009 đến hiện tại.

Đây là chốt phòng thủ cuối cùng.

Ông Trung Kiên.

Ông Trung Kiên.

Tại sao kinh tế chúng ta tăng trưởng mạnh mà chứng khoán vẫn mải miết cắm đầu?

Thị trường chứng khoán ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có tâm lý đầu tư và niềm tin. Trong tài chính sợ nhất là mất niềm tin.

Tiếp theo là các chính sách tiền tệ, lãi suất giá các thị trường có tính đầu cơ cao như cổ phiếu sẽ chịu nhiều tác động từ lãi suất.

Thứ 3 mới là các con số, dữ liệu vĩ mô. Thị trường từng cho thấy, thời Covid-19 chứng khoán tăng giá ầm ầm, nhưng những khi dỡ phong toả và nâng lãi suất thì lại giảm điểm.

Trong năm 2022, liệu còn mùa sale off lớn?

Thị trường hiện định giá cơ bản đang thấp hơn thời điểm Covid bùng nổ. Hiện thị trường đã giảm mạnh, khoảng 43% từ đầu năm, tuy nhiên so với năm 2008 thì chưa là gì, khi đó thị trường giảm tới 84%.

Do đó, hiện thị trường vẫn đang trong một đợt sale off và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nhà đầu tư đang rất mệt mỏi với diễn biến "nắng mưa" thất thường của thị trường. Ảnh: Shutterstock.

Nhà đầu tư đang rất mệt mỏi với diễn biến "nắng mưa" thất thường của thị trường. Ảnh: Shutterstock.

Một vấn đề khác là dòng tiền đã đi đâu, thưa ông?

Dòng tiền rút ra khỏi thị trường rất nhiều. Khi bình thường mới trở lại, dòng tiền đã bị rút khỏi thị trường, quay về hoạt động sản xuất, kinh doanh, gửi tiết kiệm và vào các kênh có mức độ rủi ro thấp. Tiền margin từ các ngân hàng sang công ty chứng khoán cũng giảm.

Có lẽ tiền mặt còn trong thị trường vào khoảng trên 80.000 tỷ đồng, nhưng so với con số giai đoạn đỉnh cao vẫn là giảm nhiều. Quan trọng là nhà đầu tư không mặn mà tham gia thị trường lúc này khi rủi ro nhiều, lãi suất cao, điều kiện cho vay khó hơn.

Bất động sản và chứng khoán vốn được ví là hai lĩnh vực "răng – môi", mà "môi hở, thì răng lạnh", ông đánh giá thế nào?

Thị trường chứng khoán chịu tác động trực tiếp từ lĩnh vực bất động sản, bởi bất động sản là nhóm ngành nghề có vốn hoá lớn trên thị trường và chỉ đứng sau ngân hàng. Bất động sản còn liên quan đến ngành vật liệu xây dựng, ngành xây dựng, và nếu cộng thêm hai mảng này thì vốn hoá và thanh khoản, giá trị giao dịch sẽ lớn nhất.

Do đó, việc bất động sản bị “ốm” sẽ khiến cho thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề.

Khái quát bức tranh thị trường năm 2022 trong một câu nói thì sao?

“Cơn bão giải chấp đang hiện hữu và chứng khoán đang ở giữa mùa đông”.

Nhiều cổ phiếu lớn như NVL, PDR đang bị giải chấp. Chỉ riêng hai cổ phiếu này đã bị bán ra rất nhiều, từ 100 – 130 triệu cổ phiếu/phiên cho cả hai cổ phiếu.

Cơn bão giải chấp cũng đang không ngừng mở rộng ra các nhóm cổ phiếu khác nhau từ hiện tượng margin chéo. Điều này làm cho thị trường liên tục xuống các vùng điểm số thấp và thấp hơn nữa, giá trị vốn hoá bị thổi bay trong thời gian ngắn. Và điều đáng lo là cơn bão này vẫn còn tiếp tục.

Năm nay có vẻ mùa Đông ngoài đời đến muộn hơn mùa Đông chứng khoán?

Chúng ta đang ở giữa mùa Đông chứng khoán, “Lập Đông” bắt đầu từ tháng 4, tức qua 7 tháng rồi, còn 7 tháng mùa Đông nữa. Tương đương với đỉnh lãi suất tháng 6 năm 2023, là đáy của chứng khoán.

Không chỉ vậy, trong mùa Đông dài thi thoảng lại gặp những cơn bão: doanh nghiệp, doanh nhân vướng lao lý, rồi giải chấp, margin… Đây là câu chuyện rất khủng khiếp.

Đây có lẽ sẽ là chữ mà nhiều chứng sĩ sẽ xin trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sắp tới. Ảnh: Shutterstock.

Đây có lẽ sẽ là chữ mà nhiều chứng sĩ sẽ xin trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão sắp tới. Ảnh: Shutterstock.

Còn tâm lý nhà đầu tư hiện tại, ông thấy sao?

Tâm lý hiện tại là uể oải. Nhà đầu tư thiếu kênh đầu tư hiệu quả. Và dù chưa đến giai đoạn khủng hoảng niềm tin nhưng đang là giai đoạn thiếu niềm tin, thiếu kênh đầu tư.

Vậy nếu còn tiền mặt trong túi, giờ có nên gia nhập thị trường không?

Chưa tham gia thị trường mà có tiền mặt thì là cơ hội tốt, nhặt dần các nhóm cổ phiếu lớn đang được giao dịch với giá trị sổ sách. Ví dụ như: VCB, MBB, HPG, MSB, STB, VPB…

Thông thường đầu tư dài hạn thì cứ dưới giá trị sổ sách là có thể mua được, nếu chiết khấu được trên 15% là rất tốt.

Không thể không nói đến nhóm F0, sau 1 năm “xì hơi”, ông thấy nhóm tấm chiếu mới có còn hào hứng với thị trường?

Không, họ không còn hung hãn như năm 2021.

Cũng quay lại câu hỏi vừa rồi của anh về việc tham gia thị trường. Hãy thẳng thắn rằng F0 là phải mất tiền, không ai biết bơi mà chưa từng sặc nước và chuột rút vài lần. Kể cả ở thị trường chứng khoán các nước khác, làm gì có ai gà mờ mà trở thành tỷ phú. Do đó, điều cần làm khi tham gia thị trường là nâng cao kiến thức, trình độ, trải nghiệm đầu tư, giao phó tài sản cho những công ty uy tín để đầu tư thay vì tự đầu tư.

Trên các thị trường, F0 tự đầu tư đều thua.

Đặc sản của thị trường chứng khoán. Ảnh: Shutterstock.

Đặc sản của thị trường chứng khoán. Ảnh: Shutterstock.

Nói thêm về một đặc sản của thị trường – tin đồn? Và nên làm gì trước những tin đồn khi gần đây nhiều tin đồn sau đó đã thành sự thật?

Tin đồn thị trường cũng có, kể cả thị trường đã phát triển, nhưng quan trọng là vị thế đón nhận nó.

Thường tin đồn mang tính chất thất thiệt hoặc bịa đặt, những tin đồn đó làm ảnh hưởng và phương hại trực tiếp đến tổ chức, cá nhân và thị trường.

Đứng trước những tin đồn, nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, không để bị dắt mũi.

Gần đây, chứng khoán Việt Nam có những phiên đồng pha, nhưng cũng có những phiên ngược chiều chứng khoán Mỹ, điều gì tạo nên diễn biến này?

Là câu chuyện nội tại của thị trường, nội tại ta đang lo xử lý đáo hạn trái phiếu hàng chục nghìn tỷ đồng, rồi sự khan hiếm của dòng tiền, tâm lý nhà đầu tư… Tất cả tạo nên những diễn biến cụ thể mà có khi “đồng”, có khi ngược” với các thị trường lớn. Nói cách khác, ta có nét giống, nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt với họ nên thị trường tự viết cho mình câu chuyện riêng.

Tin bài liên quan