Lấy lại niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021, tuy nhiên những rủi ro đầu tư đã bộc lộ qua một số sai phạm xảy ra đầu năm 2022. Điều này khiến nhà đầu tư suy giảm niềm tin vào kênh dẫn vốn quan trọng khiến thị trường đã chứng kiến sự lao dốc không phanh, nhưng, vẫn có những điểm sáng…
Lấy lại niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Sự thận trọng cần thiết

Theo số liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỷ đồng, giảm 65% so với năm trước. Bên cạnh đó, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 247.976 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2021. Như vậy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm qua đạt 258.575 tỷ đồng. Nếu ghi nhận theo ngày hoàn thành phát hành trái phiếu thì tổng khối lượng các doanh nghiệp đã phát hành trong năm 2022 là 341.125 tỷ đồng.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank nhận định, thị trường TPDN đối mặt rất nhiều khó khăn sau sự cố của Tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh. Sự khủng hoảng về niềm tin dẫn đến các nhà đầu tư e ngại khi nghe đến cụm từ “trái phiếu doanh nghiệp”.

“Không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà cả các nhà đầu tư có tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng rất thận trọng với hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, bà Phượng thừa nhận.

Bên cạnh đó, việc Nghị định 65/2022 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 16/09/2022), đặt ra các điều kiện và yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với việc phát hành trái phiếu riêng lẻ, khiến thị trường càng thêm khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý cần thiết để xử lý một vài điểm nghẽn hiện nay trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

“Giai đoạn vừa qua khá khó khăn nên những quy định mới của Ủy ban Chứng khoán, Bộ Tài chính là sự thận trọng cần thiết để chấn chỉnh lại thị trường trái phiếu, niềm tin của nhà đầu tư và nhất là sự ổn định, sự lành mạnh cho thị trường vốn thông qua kênh trái phiếu vốn là thị trường vô cùng quan trọng”, bà Phượng nói.

Trong diễn biến có liên quan, năm vừa qua, nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với 136.772 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng vị trí thứ hai với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%, nghĩa là sụt giảm gần 76% so với cùng kỳ năm 2021 có giá trị hơn 214.000 tỷ đồng.

Bước tiến vững chắc

Một nhân tố góp phần đưa nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành đứng đầu năm 2022 đó là trái phiếu của Agribank được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán ra công chúng vào tháng cuối cùng của năm 2022.

Với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành trái phiếu AGRIBANK223001 là 10.000 tỷ đồng và kỳ hạn trái phiếu là 8 năm, trả lãi định kỳ 01 năm một lần. Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ được niêm yết của 4 ngân hàng BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ 1,6%/năm vào 5 năm đầu và 3,1%/năm vào 3 năm cuối.

Agribank chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2022 là sử dụng để tăng vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức... như hộ nông dân Bùi Văn Quyển, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Agribank chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2022 là sử dụng để tăng vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức... như hộ nông dân Bùi Văn Quyển, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Bà Phượng cho biết, với quy mô hoạt động tổng tài sản của Agribank lên tới 1,7 - 1,8 triệu tỷ đồng, việc phát hành trái phiếu ở quy mô 10.000 - 20.000 tỷ đồng là rất nhỏ nhưng đó là yêu cầu để Agribank cơ cấu nguồn vốn trung dài hạn. Theo đó, nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đã đăng ký mua trái phiếu Agribank từ ngày 10/12/2022 đến ngày 29/12/2022 tại Trụ sở chính và tất cả các điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc và thông qua đại lý phát hành Agriseco.

“Thời gian phát hành trái phiếu là điều khá bất ngờ. Công bố phát hành trong 20 ngày nhưng đến hạn chuyển tiền mua trái phiếu, số tiền mua trái phiếu đã vượt xa quy mô phát hành của Agribank”, bà Phượng nhớ lại.

Để có được kết quả trên, bà Phượng cho biết, ngay từ khi triển khai, Agribank xác định phải rất thận trọng trong việc triển khai hồ sơ và mục tiêu đặt ra phải phát hành thành công trái phiếu. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng bởi là một phương án đảm bảo hệ số an toàn vốn, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, cơ cấu lại nguồn vốn cho Agribank.

“Quá trình xây dựng hồ sơ được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đồng thời, công tác truyền thông được xây dựng rất chi tiết, cụ thể như bảng câu hỏi để cung cấp thông tin đến nhà đầu tư nhằm giải đáp những vấn đề dự báo nhà đầu tư quan tâm hay còn quan ngại”, bà Phượng nói.

Bà Phượng cho biết, truyền thông nội bộ cũng được ráo riết thực hiện để mỗi cán bộ Agribank hiểu được rõ trái phiếu của Ngân hàng khác với trái phiếu doanh nghiệp đang được dư luận xã hội quan tâm, đề cập đến trong thời gian qua. Theo đó, mỗi một cán bộ Agribank là đại sứ thông tin giải thích với khách hàng trong quá trình giao tiếp.

“Phát hành trái phiếu không phải là hoạt động mới mà Agribank đã làm từ 10 năm. Ngân hàng luôn luôn đảm bảo nghĩa vụ thực hiện thanh toán đầy đủ với nhà đầu tư và với uy tín hoạt động của Agribank trên thị trường, mức độ gần gũi của thương hiệu là yếu tố quan trọng để Agribank phát hành trái phiếu thành công trong bối cảnh thị trường vốn có những diễn biến phức tạp. Và đặc biệt, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư đối với một trong những thị trường vốn quan trọng của nền kinh tế”, bà Phượng nói.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thêm, trái phiếu của Agribank là trường hợp được phê duyệt với thời gian ngắn kỷ lục. Từ lúc gửi hồ sơ đến lúc được chấp thuận phát hành trái phiếu, thời gian xử lý của cơ quan quản lý không đến 1 tháng.

“Đây là khoảng thời gian kỷ lục trong bối cảnh của thị trường trái phiếu đối mặt nhiều khó khăn như hiện nay. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, cơ quan quản lý nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục xử lý rất nhanh những bộ hồ sơ đủ điều kiện, những doanh nghiệp uy tín, đảm bảo được nghĩa vụ trên thị trường như Agribank”, vị lãnh đạo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh.

Minh chứng của những nỗ lực

Còn nhớ, trong một cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán vào cuối quý 3/2022, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, cần thu hẹp khu vực phát hành TPDN riêng lẻ, chuyển sang khu vực phát hành công chúng. Bởi đó là khu vực mà doanh nghiệp có thể huy động vốn dễ dàng hơn và được giám sát chặt chẽ hơn. Đó cũng là nơi mà xếp hạng tín nhiệm phát huy được hiệu lực. Khi xếp hạng tín nhiệm phát huy được vai trò của nó thì mới có tiền đề để xây dựng thị trường thứ cấp.

“Nếu trái phiếu chỉ phát triển phía phát hành mà chưa phát triển thị trường thứ cấp thì không phải là công cụ vốn dài hạn tốt”, ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết, ông đã từng phỏng vấn Vụ Quản lý chào bán chứng khoán của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và được biết nhanh nhất là nửa năm, chậm nhất 1 năm thì họ mới xử lý xong một bộ hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng do có quá nhiều hồ sơ, không thể xử lý nổi.

Trường hợp phát hành trái phiếu ra công chúng của Agribank vào cuối năm 2022 trong thời gian kỷ lục là minh chứng cho những nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán trong việc thẩm định hồ sơ và cấp phép phát hành trái phiếu để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư vào TPDN, góp phần làm lành mạnh thị trường TPDN.

Bà Phượng nhận định: “Là doanh nghiệp uy tín thì trong bối cảnh thị trường còn nhiều thông tin bất lợi như hiện nay nhà đầu tư vẫn có niềm tin rót vốn. Tuy nhiên, để phát hành trái phiếu Agribank thành công, có lẽ cũng bao gồm cả yếu tố may mắn”.

Được biết, mục đích Agribank chào bán trái phiếu ra công chúng năm 2022 là sử dụng để tăng vốn cấp 2, tạo thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu vay vốn của các khách hàng cá nhân và tổ chức, bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

“Việc phát hành trái phiếu là yêu cầu thường xuyên của các ngân hàng thương mại nói chung và của Agribank nói riêng trong việc tái cơ cấu nguồn vốn để đảm bảo các hệ số an toàn nhất định. Năm 2023, Agribank vẫn tiếp tục phát hành trái phiếu ra công chúng và trái phiếu riêng lẻ và chúng tôi hiện đang trong quá trình xây dựng hồ sơ”, bà Phượng cho biết.

Tin bài liên quan