Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023: Khơi dòng sáng tạo di sản văn hóa dọc bờ sông Hồng

0:00 / 0:00
0:00
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 được kỳ vọng sẽ mang tới cho người dân Hà Nội trải nghiệm mới “đánh thức” các di sản văn hóa dọc bên bờ sông Hồng trở thành các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc.
Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 tôn vinh dòng chảy văn hóa kết nối di sản và sáng tạo

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 tôn vinh dòng chảy văn hóa kết nối di sản và sáng tạo

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 với chủ đề “Dòng chảy” kết nối và tôn vinh giá trị chuyển dịch mới từ nền tảng di sản và cộng đồng sáng tạo, sẽ diễn ra từ ngày 17 - 26/11/2023, tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm và nhiều địa điểm khác trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Với hơn 60 hoạt động văn hóa sáng tạo, Lễ hội năm nay được kỳ vọng sẽ mang tới cho người dân Hà Nội trải nghiệm mới “đánh thức” các di sản văn hóa dọc bên bờ sông Hồng trở thành các không gian nghệ thuật sáng tạo đặc sắc.

Hội tụ hơn 200 đơn vị cùng các kiến trúc sư, nghệ sĩ và nhà sáng tạo tên tuổi

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 danh nghĩa tổ chức bởi UBND Thành phố Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam, do Sở Văn hoá thể thao Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc triển khai với sự đồng hành của Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên hợp quốc UN - Habitat, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, UBND quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Ba Đình và các quận, huyện, cùng các đơn vị, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và hàng trăm nhà sáng tạo, nghệ sĩ... phối hợp thực hiện.

Qua 3 năm thực hiện, Lễ hội Thiết kế sáng tạo đã khẳng định vai trò là một trong những hoạt động thường niên Ấn tượng, Hấp dẫn nhất nhằm thể hiện cam kết của Thành phố Hà Nội là thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế được UNESCO công nhận.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 biến các di sản thành không gian sáng tạo

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 biến các di sản thành không gian sáng tạo

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo; được thể hiện đa dạng qua hơn 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình kiến trúc hoành tráng, 16 triển lãm, 17 hội thảo - tọa đàm, 9 show nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng và hội chợ sáng tạo. Nội dung các sự kiện xoay quanh chủ đề “Dòng chảy” nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành Công nghiệp văn hóa sáng tạo dọc hai bên bờ sông Hồng.

Với sự tham gia của hơn 200 các đơn vị, nhà sáng tạo và nghệ sĩ thuộc các đối tượng khác nhau trong các lĩnh vực thiết kế sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ sĩ trẻ đã đang tích cực tham gia ý tưởng và thực hiện chương trình. Một số nhóm như: Hanoi Indie Troupe, Vạn Thiên Ý, Tò he, Think Playground, Á Space, Heritage Space… hứa hẹn mang lại giá trị trải nghiệm đặc sắc cho công chúng tham gia.

Nhìn Thủ đô ngàn năm dưới góc nhìn sáng tạo

Điểm nhấn thú vị của tuyến Lễ hội đó là lần đầu tiên người dân sẽ được tham quan những công trình đã tồn tại hàng trăm nay tại Thủ đô Hà Nội dưới một góc nhìn khác, mang đến một trải nghiệm độc đáo, thú vị như “đánh thức” di sản.

Công trình Bốt nước Hàng Đậu, Cầu Long Biên , Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Ga Hà Nội, Ga Long Biên..… đã được các kiến trúc sư, nghệ sỹ tái thiết kế thí điểm trở thành những không gian triển lãm kiến trúc nghệ thuật đặc sắc; đặt tiền đề biến những Di sản Công nghiệp trở thành những các không gian sáng tạo trong thời gian tới.

Đặc biệt, Chuyến tàu “Hành trình Di sản” khởi hành từ Ga Hà Nội - Ga Long Biên - Ga Gia Lâm đi qua cây cầu Long Biên lịch sử sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ nhất mà Lễ hội muốn dành tặng cho người dân tham gia.

Bên cạnh tuyến tổ chức chính từ Bốt nước Hàng Đậu, Cầu Long Biên, Nhà Máy xe lửa Gia Lâm, Bảo tàng Hà Nội,.. Lễ hội được thực hiện trên diện rộng các quận huyện dọc hai bên bờ sông Hồng như Mê Linh, Phú Xuyên, Gia Lâm…chính là những nét mới cho thấy một tinh thần sáng tạo đã lan tỏa tới đông đảo người dân.

Điểm mới của Lễ hội với trải nghiệm “đánh thức” các di sản và biểu tượng kiến trúc Hà Nội

Điểm mới của Lễ hội với trải nghiệm “đánh thức” các di sản và biểu tượng kiến trúc Hà Nội

Ngày hội cho giới sáng tạo và khán giả yêu thích nghệ thuật

Trong thời gian 10 ngày, Lễ hội đã thực sự trở thành nơi giao lưu, kết nối và giới thiệu những hoạt động sáng tạo của các lĩnh vực, từ underground đến chuyên nghiệp. Các hoạt động văn hoá - nghệ thuật kích thích trí tưởng tượng và góc nhìn đa chiều đã được các nghệ sĩ mang tới trình diễn khiến Lễ hội thực sự trở thành Ngày Hội tôn vinh những giá trị nghệ thuật và sáng tạo.

Trong thời gian ngắn, các phân xưởng Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã trở thành một Không gian triển lãm với 16 triển lãm kết hợp hiệu ứng thị giác mới lạ, các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc như Triển lãm Thuỷ Phủ của họa sĩ Trịnh Minh Tiến, Triển lãm Tiếng gọi của họa sĩ Thu Trần, Triển lãm Chuyển động Ngoại biên của nhóm nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế trong dự án MAP 2023 của Heritage Space, Triển lãm Như ta đã từng của Nhiếp ảnh gia Phan Đan và Nhiếp ảnh gia Nguyễn Minh Hoàng, triển lãm Quá áp của Nghệ sỹ Vy Trinh.

Đặc biệt, lần đầu tiên công chúng sẽ được chiêm ngưỡng Đầu tàu máy đầu tiên của ngành đường sắt Việt Nam và những câu chuyện thú vị xung quanh đó.

Chuỗi sự kiện văn hóa và hoạt động cộng đồng tại Lễ hội được tổ chức với giá trị nghệ thuật cao

Chuỗi sự kiện văn hóa và hoạt động cộng đồng tại Lễ hội được tổ chức với giá trị nghệ thuật cao

Hệ sinh thái tại Nhà máy cũng là nguồn cảm hứng khi được các nghệ sĩ trẻ nâng niu trở thành ý tưởng khi trình diễn nghệ thuật Graffiti tại các không gian.

Không gian Kiến trúc Bến chờ là một thiết kế sân khấu tương tác ngoài trời của các nghệ sĩ và công chúng, là nơi diễn ra Chương trình nghệ thuật Khơi dòng tại tối Khai mạc Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội (17/11) cũng là một chương trình được tổ chức với ý tưởng thử nghiệm độc đáo về trình diễn và âm nhạc, kiến trúc.

Không gian sân khấu trong nhà được thiết kế dựa trên ý tưởng phối hợp với các vật dụng cũ trở thành một không gian đa năng kết hợp trình diễn, triển lãm tương tác thú vị.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo năm nay còn bao gồm 9 show trình diễn thời trang - âm nhạc truyền thống kết hợp chất liệu điện tử,... truyền cảm hứng cho tất cả khán giả tham gia, đặc biệt là những cá nhân tổ chức đang hoạt động trong ngành Thiết kế.

Đông đảo các nghệ sĩ đã góp mặt trong chương trình như: nghệ sĩ Đồng Quang Vinh, DJ Minh Trí, ca sĩ Bảo Trâm, các band nhạc cùng tham gia biểu diễn ngày hội của giới sáng tạo.

5 trường Đại học với các chương trình trình diễn thời trang với chủ đề dân gian đương đại: ĐH Kiến trúc, ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, ĐH Hòa Bình, ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, ĐH Sư phạm nghệ thuật TW.

Không những vậy, Người dân Hà Nội sẽ được hòa nhịp không khí Lễ hội thực sự, đồng thời trở thành một phần của quá trình sáng tạo các tác phẩm, qua các sự kiện đa dạng và mang tính tương tác cao như: các hoạt động cộng đồng tại khu vực bãi giữa, các cuộc thi thiết kế cộng đồng, sân chơi cộng đồng cho trẻ em từ vật liệu tái chế, cùng 120 các nhóm tham gia hội chợ thiết kế thủ công đương đại, trải nghiệm ẩm thực...

Hai Hội thảo quan trọng về Phát triển Xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp và Mạng lưới Thành phố Sáng tạo và chuỗi 15 Toạ đàm được tổ chức trong Lễ hội đã đề xuất những giải pháp ngắn hạn, dài hạn để Hà nội thực sự trở thành một trong những Thành phố sáng tạo.

Với sự tham gia của các trường đại học trong nước và quốc tế, Hội đồng Anh, các nghệ sỹ, các HUB sáng tạo, các chủ đề thảo luận sẽ là những cơ sở đề xuất thể hiện sự chung tay của giới chuyên môn, nhà sáng tạo với các nhà quản lý cùng hướng tới mục tiêu quan trọng để Hà Nội tiếp tục khẳng định và quyết tâm hiện thực hóa khát vọng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh thế giới phát triển không ngừng.

Đồng thời, định hướng xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo… dựa trên xu thế tiến bộ của thời đại, lấy nền tảng văn hóa truyền thống và tính sáng tạo làm điểm tựa cốt lõi, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2023 không chỉ mang ý nghĩa kết nối các lĩnh vực thiết kế sáng tạo nhằm tôn vinh các ý tưởng, truyền cảm hứng sáng tạo, nâng tầm tri thức và thảo luận về những tiềm năng, xu hướng mới trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Đồng thời còn là dịp để cộng đồng sáng tạo và người dân thủ đô trải nghiệm không khí lễ hội thực sự thông qua thể nghiệm hình thức trình diễn độc đáo, các hoạt động văn hóa bổ ích và cùng nhau xây dựng Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

Sau 3 năm triển khai, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo tiếp tục khẳng định sức sống, nguồn lực sáng tạo và bản sắc của Hà Nội; khuyến khích hình thành cộng đồng sáng tạo; kết nối đa lĩnh vực công nghiệp văn hoá khác nhau như: kiến trúc, mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế,..; hình thành các nền tảng sáng tạo nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa. Đặc biệt, tinh thần “Thành phố sáng tạo” đã và đang được lan tỏa tới các quận, huyện và các làng nghề trên toàn Thành phố.

Kết quả này khẳng định quyết tâm hiện thực hóa các sáng kiến của Hà Nội khi gia nhập mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO từ năm 2019; trong đó có sáng kiến Tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội hàng năm. Sự kiện Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các “Thành phố Sáng tạo” của UNESCO trong lĩnh vực Thiết là điều kiện quan trọng để Hà Nội bắt kịp xu thế toàn cầu, đổi mới theo hướng xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo phát triển bền vững, trong đó lấy nền tảng di sản, các tài năng trẻ và tư duy thiết kế làm điểm tựa.

Năm 2019, Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một trung tâm sáng tạo dẫn đầu Đông Nam Á.

Để hỗ trợ cam kết của thành phố, UNESCO thực hiện dự án “Hà Nội Rethink - Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của thanh niên hướng tới phát triển Hà Nội thành Kinh đô Sáng tạo" cùng với sự hợp tác của hai đối tác UNIDO và UNHabitat Dự án sẽ hỗ trợ thành phố Hà Nội thực hiện tầm nhìn chiến lược trở thành Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, sử dụng di sản văn hóa cùng với sự tham gia của thế hệ trẻ Việt Nam – yếu tố thiết yếu cho việc đổi mới, sáng tạo và thay đổi xã hội.

Một trong ba mục đích chính chính của dự án là thúc đẩy tài năng sáng tạo trẻ Việt Nam để truyền cảm hứng và đóng góp cho sự phát triển mới của Hà Nội, với cái tên Kinh đô sáng tạo cùng ý tưởng và hành động mang tính đổi mới.

Tin bài liên quan