Lệnh cấm bán khống thúc đẩy đợt tăng giá mạnh nhất đối với chứng khoán Hàn Quốc kể từ năm 2020

Lệnh cấm bán khống thúc đẩy đợt tăng giá mạnh nhất đối với chứng khoán Hàn Quốc kể từ năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Hàn Quốc đã tăng vọt sau khi nước này áp dụng lại lệnh cấm hoàn toàn đối với việc bán khống. 

Đây cũng là một động thái gây tranh cãi mà các cơ quan quản lý cho rằng là cần thiết để ngăn chặn việc sử dụng bất hợp pháp một chiến thuật giao dịch được các quỹ phòng hộ và các nhà đầu tư khác trên thế giới triển khai thường xuyên.

Một số nhà quan sát thị trường cho biết, lệnh cấm bán khống kéo dài gần 8 tháng có thể giúp xoa dịu các nhà đầu tư cá nhân đang phàn nàn về tác động của việc bán khống. Tuy nhiên, điều này cũng có thể ngăn cản sự tham gia của các quỹ đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán nước này và làm phức tạp nỗ lực của Hàn Quốc trong mục tiêu nâng hạng lên thị trường phát triển trong các chỉ số của MSCI.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (6/11), chỉ số Kospi tăng tới 5,66% và là mức tăng cao nhất trong ngày kể từ tháng 3/2020. Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh trong phiên, điều này cho thấy các quỹ đang đóng các vị thế bán khống. Các cổ phiếu gần đây chứng kiến sự gia tăng hoạt động bán khống - bao gồm LG Energy Solution Ltd. và Posco Future M Co. - là một trong những cổ phiếu đóng góp lớn nhất vào mức tăng trong phiên.

Hôm Chủ Nhật (5/11), Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) của Hàn Quốc cho biết, giao dịch bán khống sẽ bị cấm đối với các cổ phiếu thuộc Chỉ số Kospi 200 và Chỉ số Kosdaq 150 từ ngày 6/11 cho đến cuối tháng 6/2024. Trong khi các biện pháp hạn chế hoạt động này trong thời kỳ đại dịch đã được dỡ bỏ vào tháng 5/2021, lệnh cấm vẫn được áp dụng đối với khoảng 2.000 cổ phiếu.

Diễn biến chỉ số Kospi

Diễn biến chỉ số Kospi

Wongmo Kang, nhà phân tích tại Exome Asset Management cho biết: “Việc đảo ngược chính sách liên quan đến bán khống này là không có cơ sở vào thời điểm hiện tại… Nhiều người xem đây là một động thái chính trị nhằm vào cuộc tổng tuyển cử vào năm tới”. Đồng thời, ông cho biết thêm rằng, thị trường Hàn Quốc có xu hướng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các nhà đầu tư cá nhân.

Hàn Quốc chuẩn bị tiến hành cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 và nhận thức của công chúng về việc bán khống vẫn còn rất tiêu cực ở nước này. Một số nhà lập pháp đã thúc giục chính phủ tạm thời chấm dứt việc bán khống cổ phiếu để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư cá nhân, những người thỉnh thoảng đã tổ chức các cuộc phản đối chiến thuật này và cũng thực hiện các nỗ lực phối hợp lẻ tẻ để thúc đẩy lợi nhuận trong các cổ phiếu mà người bán khống nhắm tới.

Hầu hết hoạt động bán khống ở Hàn Quốc được thực hiện bởi các nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên thị trường – khoảng 0,6% giá trị thị trường của Kospi và 1,6% giá trị thị trường của Kosdaq.

Naked short - Giao dịch bán khống

Lee Bokhyun, thống đốc Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) đã bác bỏ quan điểm cho rằng lệnh cấm có động cơ chính trị, đồng thời nói thêm rằng việc đình chỉ là cần thiết để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân và cải thiện cơ chế bán khống.

Đầu tháng 10, FSS đã đề xuất áp dụng mức phạt kỷ lục đối với hai ngân hàng toàn cầu vì tham gia bán khống (naked short - hành vi bán khống cổ phiếu mà người bán không vay hoặc sắp xếp vay chứng khoán kịp thời để giao hàng cho người mua trong thời hạn thanh toán tiêu chuẩn) “thường xuyên và cố ý”.

Chỉ số Kospi đã tăng mạnh vào đầu năm nay nhờ vào việc các cổ phiếu pin xe điện và cổ phiếu chip liên quan đến chủ đề trí tuệ nhân tạo tăng mạnh. Những lo ngại về căng thẳng địa chính trị và lãi suất cao đã đảo ngược đà tăng trong những tháng gần đây, khiến chỉ số chuẩn điều chỉnh về mặt kỹ thuật và gần như xóa sạch mức tăng trong năm. Chỉ số này hiện tăng khoảng 10% vào năm 2023 so với mức tăng 2,5% của chỉ số MSCI Châu Á Thái Bình Dương.

Huh Jae-Hwan, nhà phân tích tại Eugene Investment & Securities cho biết, lệnh cấm mới nhất là “bất thường” vì các cơ quan chức năng đang cấm toàn diện hoạt động bán khống vào thời điểm không có rủi ro lớn từ bên ngoài. Hàn Quốc đã cấm bán khống trong cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro và việc Mỹ bị S&P hạ bậc xếp hạng tín nhiệm vào năm 2011, và sau đó lại cấm khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020.

Trong khi các cơ quan quản lý lập luận rằng việc bán khống sẽ ngăn cản sự hình thành giá hợp lý và làm tổn hại đến niềm tin, một số nhà quan sát cho rằng các lệnh cấm hoàn toàn rộng rãi khiến thị trường kém minh bạch hơn, do đó kém hấp dẫn hơn. Một số người còn cho rằng, những hạn chế này có thể khiến thị trường không được nâng hạng trong chỉ số MSCI.

Gary Dugan, giám đốc đầu tư tại Dalma Capital Management Ltd. cho biết: “Nó làm ảnh hưởng đến vị thế của họ và chắc chắn sẽ cản trở họ đạt được vị thế trên thị trường phát triển. Do có lệnh cấm ngay lập tức nên ban đầu giá cổ phiếu của các công ty bị bán khống sẽ tăng mạnh, nhưng tác động có thể bị hạn chế do mức độ vị thế bán khống trên thị trường tổng thể ở mức thấp”.

Người phát ngôn của MSCI cho biết, nhà cung cấp chỉ số không bình luận về khả năng phân loại lại trong tương lai. Hàn Quốc cần thực hiện bước đi nhạy cảm về mặt chính trị trong việc dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế bán khống cổ phiếu để đảm bảo được đưa vào một chỉ số quan trọng toàn cầu.

“Có khả năng các nhà đầu tư quốc tế sẽ mất niềm tin vào cơ hội tại thị trường Hàn Quốc. Nếu các nhà đầu tư không có khả năng thể hiện quan điểm rằng thị trường và cổ phiếu riêng lẻ bị định giá sai để tăng giá, thị trường chứng khoán sẽ mất uy tín lâu dài trên trường thế giới”, nhà phân tích Wongmo Kang cho biết.

Tin bài liên quan