Lịch sử cho thấy rủi ro địa chính trị chỉ có tác động "thoáng qua" tới thị trường chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lo lắng về một cuộc chiến tiềm tàng của Nga và Ukraine có thể thúc đẩy sự suy yếu của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, nhưng hầu hết sự suy giảm thị trường chứng khoán Mỹ liên quan đến địa chính trị đa phần chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Lịch sử cho thấy rủi ro địa chính trị chỉ có tác động "thoáng qua" tới thị trường chứng khoán

Với việc chỉ số S&P 500 giảm hơn 7% vào đầu năm và lợi suất trái phiếu tăng vọt, lo ngại về sự thay đổi chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong cuộc chiến chống lại lạm phát tăng cao vẫn là yếu tố đáng lo ngại nhất các nhà đầu tư trong năm nay, ngay cả khi các diễn biến ở quốc tế có thể làm chao đảo thị trường trong thời gian tới.

Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư tại CFRA đã viết trong một lưu ý cho các nhà đầu tư: “Thị trường chứng khoán có nhiều rủi ro do ảnh hưởng của cuộc chiến chống lạm phát hơn là một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng vào Ukraine”.

Thị trường chứng khoán Mỹ và chứng khoán toàn cầu nói chung đã bị ảnh hưởng trong những ngày gần đây và các nhà đầu tư đã đổ xô tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lo lắng gia tăng về một cuộc xung đột tiềm ẩn ở Đông Âu.

Nghiên cứu của CFRA chỉ ra rằng, ảnh hưởng từ các sự kiện địa chính trị tới thị trường chứng khoán Mỹ là tương đối thoáng qua. Công ty đã phân tích 24 sự kiện kể từ sau Thế chiến thứ hai và nhận thấy, chỉ số S&P 500 giảm trung bình 5,5% từ đỉnh đến đáy sau hậu quả của những sự kiện đó.

Chiến lược gia Sam Stovall cho biết, thị trường mất trung bình 24 ngày kể từ khi bắt đầu sự kiện để đạt được mức đáy, nhưng thị trường sẽ lấy lại những gì đã mất trong 28 ngày sau đó.

Trong khi đó, Truist Advisory Services đã điểm lại 12 sự kiện lịch sử, bao gồm Chiến tranh Iraq năm 2003, cuộc khủng hoảng con tin Iran năm 1979 và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Chỉ số S&P 500 đã cao hơn vào một năm sau 9 trong số 12 sự kiện với mức tăng trung bình là 8,6%.

"Kết luận là chúng tôi không nghĩ rằng các nhà đầu tư nên phản ứng thái quá với tình huống này”, Keith Lerner, Giám đốc đầu tư Truist Advisory Services cho biết.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích ở Phố Wall lo ngại tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine đang gia tăng có thể còn kéo dài ảnh hưởng tới một số nhóm ngành trên thị trường.

David Kelly, chiến lược gia toàn cầu của JPMorgan Funds cho biết, một cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine có thể sẽ làm tăng giá năng lượng, trong khi giá các mặt hàng khác cũng có thể tăng.

Tin bài liên quan