TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trình bày tại Toạ đàm sáng 5/12 - Ảnh: M.Minh

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trình bày tại Toạ đàm sáng 5/12 - Ảnh: M.Minh

“Liên kết ngược" giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI còn yếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là phát biểu của TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khi đề cập câu chuyện thu hút FDI của Việt Nam thời gian qua, từ đó đặt ra thách thức thu hút FDI trong bối cảnh mới, khi Việt Nam vừa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Liên kết doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI còn yếu

Ngày 5/12, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng Viện Konrad - Adenauer -Stiftung (KAS) tổ chức Toạ đàm "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu".

Trình bày Báo cáo "Liên kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam tới chuỗi giá trị toàn cầu", TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR dẫn thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh từ con số 428,5 triệu USD năm 1991 lên mức 22,4 tỷ USD năm 2022.

Năm 1991, Việt Nam chỉ có 152 dự án FDI đăng ký mới thì trong năm 2022 đã có 2.036 dự án được cấp phép.

Luỹ kế 35 năm thu hút FDI (từ năm 1987), Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI, trong đó 274 tỷ USD đã được giải ngân và thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài.

Tính đến hết năm 2022, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với số lượng dự án chiếm 26,26% tổng số dự án FDI vào Việt Nam, tương đương tổng vốn luỹ kế 81,28 tỷ USD; chiếm 18,45% tổng vốn FDI Việt Nam đã nhận được cho đến nay.

Tiếp theo là Singapore với số dự án chiếm 8,58% tổng dự án FDI tại Việt Nam, quy mô vốn chiếm 16,18% tổng quy mô vốn FDI của Việt Nam. Đứng thứ ba là Nhật Bản với tỷ lệ tương ứng là 13,72% và 15,71%...

Phân loại theo ngành và lĩnh vực thì đến hết năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế quốc dân ở Việt Nam, trong đó các dự án FDI tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo với 15.960 dự án còn hiệu lực (chiếm tới 43,91% tổng số dự án được cấp phép); tương đương 261,4 tỷ USD (chiếm 59,34% tổng vốn FDI đăng ký).

Tiếp đó là lĩnh vực bất động sản, sản xuất và phân phối điện, xây dựng, nông nghiệp, khai khoáng...

TS. Nguyễn Quốc Việt nhận định, khu vực doanh nghiệp FDI với sự góp mặt của nhiều tập đoàn đa quốc gia đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước.

"Sự xuất hiện của các doanh nghiệp FDI không những là mắt xích quan trọng, mà còn tạo đòn bẩy để Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này đã được thể hiện khi khu vực FDI luôn là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua", ông Việt nhấn mạnh.

Cụ thể, tỷ trọng khu vực FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đã tăng từ mức 30% năm 1997 (năm Việt Nam gia nhập ASEAN) lên 65% giai đoạn 2011-2015, tăng lên khoảng 71% giai đoạn 2016-2020 và mới đây nhất, con số này lên tới 73,7% trong năm 2022.

Bên cạnh đó, khu vực FDI với sự có mặt của hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như Samsung, LG, Honda, Toyota, Intel, Mitsubishi, Panasonic... đã góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia mạng giá trị và chuỗi sản xuất toàn cầu, thúc đẩy Việt Nam đạt được thứ hạng ngày càng cao trong chuyển đổi công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Các chuyên gia thảo luận tại Toạ đàm "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu" sáng 5/12 - Ảnh: M.M

Các chuyên gia thảo luận tại Toạ đàm "Liên kết doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu" sáng 5/12 - Ảnh: M.M

Tuy nhiên ở góc tiếp cận khác, Báo cáo của VEPR ghi nhận, việc xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc phần lớn vào doanh nghiệp FDI tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế.

Mục tiêu của chúng ta khi thu hút FDI là phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và chuyển giao dần công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp; nhưng thực tế nhiều năm qua sự liên kết của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội chưa nhiều (lý do phần lớn là nội lực của doanh nghiệp nội chưa cao).

So sánh với một số quốc gia thì nhập khẩu đầu vào để gia công, lắp ráp của Việt Nam có giá trị gia tăng thấp, lan toả công nghệ yếu. Hay nói cách khác, giá trị gia tăng nội địa của Việt Nam chưa chiếm được ưu thế trong tổng giá trị xuất khẩu.

Trong khi đó, "liên kết ngược" giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI cũng yếu. Trong khi 90% doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... sử dụng nguồn đầu vào xuất khẩu trong nước thì tại Việt Nam chỉ chiếm 60%...

"Nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn", ông Việt nhận định và cho biết, bài toán đặt ra là phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nội để tăng cường liên kết doanh nghiệp.

Nguồn vốn FDI dồi dào đã cho Việt Nam một hình ảnh mới trên bản đồ thương mại nhưng chưa thể kéo nền kinh tế lên nấc thang giá trị cao hơn.

TS. Nguyễn Quốc Việt

Thách thức thu hút FDI trong bối cảnh mới

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, trong bối cảnh nền kinh tế hứng chịu các "cơn gió ngược" là khủng hoảng, thách thức (đồng thời là cơ hội mới) của sự chuyển dịch nền kinh tế sang một mô hình tăng trưởng mới, chuyển đổi công nghệ, đổi mới sáng tạo, điều chúng ta cần quan tâm là mối liên kết giữa hai nhóm doanh nghiệp này cần thay đổi thế nào.

Đặc biệt, việc Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, hơn 100 doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam sẽ chịu sự tác động của Luật thuế này. Trong tương lai nhiều doanh nghiệp FDI sẽ chịu ảnh hưởng như vậy.

Toàn cảnh buổi Toạ đàm

Toàn cảnh buổi Toạ đàm

"Thay đổi thể chế này sẽ làm thay đổi thế nào về khẩu vị đầu tư, chiến lược đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?", ông Việt nói và nhấn mạnh, Việt Nam phải nghiên cứu vấn đề này để thiết kế các chính sách ưu đãi FDI trong bối cảnh mới. Đặc biệt, trong bối cảnh dòng vốn FDI có sự giảm sút trong thời gian gần đây.

"Khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn khi khung thuế ưu đãi thay đổi. Các quốc gia trong đó có Việt Nam sẽ phải chấm dứt cuộc đua xuống đáy về thuế và các ưu đãi dạng thuế với các nước trong khu vực", Báo cáo của VEPR nêu.

Gợi ý chính sách, nhóm nghiên cứu đưa ra 4 giải pháp bao gồm: Thiết lập liên kết vùng, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, "ngoại giao đơn hàng" song song với thúc đẩy xuất khẩu và kết nối doanh nghiệp ra bên ngoài, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với chuỗi giá trị toàn cầu.

Sáng 29/11, trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Theo Nghị quyết này, doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên là đối tượng phải nộp thuế này. Mức thuế suất tối thiểu được quy định tại Nghị quyết là 15%.

Hiện Tổng cục Thuế đang triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết các nội dung được giao trong Nghị quyết.

Tin bài liên quan