“Liều thuốc” tăng hiệu quả phòng, chống dịch tại phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
Theo GS-TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cùng với nguồn nhân lực chi viện, các bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực đã được gấp rút hoàn thành nhằm tăng cường chống dịch.
GS-TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế.

GS-TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Thưa ông, trong những ngày qua, việc tăng cường lực lượng y tế từ các địa phương trên cả nước cho các tỉnh, thành phố phía Nam được thực hiện như thế nào?

Ngày 3/8, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản hỏa tốc số 5258/VPCP-KGVX gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường nhân lực y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.

Đội ngũ thầy thuốc trên mọi miền của Tổ quốc đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Bộ Y tế. Các bệnh viện tuyến trung ương đã điều động nhân sự đến TP.HCM và các tỉnh đang là điểm nóng của dịch bệnh tại miền Nam. Các y, bác sỹ là những chuyên gia hàng đầu của các bệnh viện: Bạch Mai, Việt Đức, Hữu nghị, Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện 71 Trung ương, Bệnh viện 74 Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương... đã, đang là lực lượng nòng cốt phối hợp với lực lượng y tế các tỉnh, thành phố ở miền Nam điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong.

Tới này, nguồn nhân lực chi viện cho TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam lên đến trên 10.000 người.

Tình hình dịch bệnh ở phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, Bình Dương còn phức tạp, khiến TP.HCM vừa phải quyết định kéo dài thời gian giãn cách thêm 1 tháng. Việc tăng cường lực lượng y tế hỗ trợ có ý nghĩa như thế nào đối với công tác phòng, chống dịch cũng như điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại các địa phương này, thưa ông?

Đội ngũ nhân viên y tế tại các địa phương có dịch, đặc biệt tại TP.HCM, đã phải làm việc liên tục với cường độ cao trong nhiều ngày, nên rất cần lực lượng thay thế, “đảo quân” để họ được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động và tiếp tục lên tuyến đầu. Cuộc chiến chống dịch có thể còn kéo dài chưa biết khi nào mới kết thúc, do vậy, việc phân bổ thời gian hợp lý, khoa học để đội ngũ thầy thuốc có thể “chiến đấu” lâu dài và đảm bảo chất lượng công việc là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, việc mở các trung tâm hồi sức tích cực để điều trị cho bệnh nhân nặng, bệnh nhân nguy kịch cũng đòi hỏi lượng nhân sự y tế rất lớn. Vào thời khắc khó khăn của dịch bệnh, chúng ta cần rất nhiều thầy thuốc tình nguyện vào tâm dịch, cống hiến sức lực, tâm huyết, kinh nghiệm, lòng yêu đời - yêu người, cho công cuộc chống dịch chưa từng có trong tiền lệ.

Còn việc triển khai các trung tâm hồi sức tích cực lớn để đảm bảo việc điều trị cho người bệnh Covid-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt là TP.HCM đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

Bộ Y tế đã chỉ định và thành lập một loạt trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia quy mô 200 - 3.000 giường bệnh hồi sức tích cực đặt tại các bệnh viện như Bạch Mai (cơ sở 2), Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phổi Trung ương, Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2), Đại học Y Dược TP. HCM, Đa khoa Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 TP.HCM (đặt tại cơ sở 2 - Bệnh viện Ung bướu TP.HCM), Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Trung ương Quân đội 108, Quân y 103…

Tại TP.HCM, điểm nóng nhất của đợt dịch hiện nay, Bộ Y tế đã cùng Thành phố xây dựng Bệnh viện Hồi sức Covid-19 quy mô 1.000 giường và giao Bệnh viện Chợ Rẫy quản lý. Bộ trưởng Bộ Y tế đã cùng Bí thư Thành ủy TP.HCM khảo sát việc thiết lập 4 trung tâm hồi sức, mỗi trung tâm 500 giường do các bệnh viện Bạch Mai, Việt - Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM phụ trách.

Các bệnh viện trung ương đưa nhân sự giỏi, trang thiết bị hiện đại và quy trình vận hành chuẩn của mình tới áp vào các trung tâm hồi sức này. Bộ Y tế xuất cấp các trang thiết bị, vật tư y tế; chính quyền và ngành y tế địa phương hỗ trợ nhân lực, hậu cần và phối hợp điều phối bệnh nhân.

Đây là những trung tâm hồi sức tích cực, điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã hồi phục ngoạn mục cho hàng trăm bệnh nhân, cho xuất viện nhiều bệnh nhân từng là những bệnh nhân nặng.

Điều này cho thấy, các trung tâm hồi sức tích cực có vai trò rất quan trọng trong điều trị. Hai trung tâm hồi sức tích cực của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận bệnh nhân từ đầu tháng 8. Hai trung tâm của Bệnh viện Việt Đức và Trung ương Huế cũng đã hoàn thiện, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân.

Bộ Y tế, toàn ngành y tế và chính quyền các cấp ở TP.HCM đang hoạt động hết công suất để kịp thời điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Tin bài liên quan