Lo lắng trước dữ liệu kinh tế mờ nhạt, giới đầu tư chạy đua thoát hàng

Lo lắng trước dữ liệu kinh tế mờ nhạt, giới đầu tư chạy đua thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Triển vọng kinh tế ảm đảm cùng dữ liệu kinh tế mờ nhạt khiến phố Wall có phiên bán tháo ồ ạt vào ngày thứ Năm (17/9).

Một ngày sau cuộc họp chính sách, dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định giữ lãi suất gần 0% cho đến năm 2023, song những cảnh báo của Chủ tịch Fed Jerome Powell về một nền kinh tế hồi phục chậm chạp và cần thêm trợ lực của chính phủ đã gây ra tâm lý hoang mang, không chắc chắn trên thị trường.

Theo giới quan sát, ông Powell đã gây bất ổn cho thị trường chứng khoán khi nhấn mạnh về những thách thức mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt trong bài phát biểu chiều hôm 16/9, tuy nhiên, về tổng thể chính sách của Fed sẽ là động lực tích cực cho triển vọng tương lai của thị trường.

Về chính sách tài khoá, triển vọng về một gói viện trợ kinh tế mới vẫn còn rất khó khăn khi các tin tức cho biết, phe Cộng hòa ở Thượng viện không bị lay động trước lời kêu gọi chi tiêu nhiều hơn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong khi đó, theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố trong ngày, đã có thêm 860.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần tính đến hết ngày 12/9, giảm từ mức 884.000 người được ghi nhận một tuần trước đó.

Đây là lần thứ 4 số lao động nộp xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ giảm xuống dưới 1 triệu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Song, con số trên vẫn cao hơn so với mức 700.000 lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp được ghi nhận trong một tuần vào thời điểm trước khi dịch bệnh xuất hiện.

Các chỉ số chính ở Phố Wall đồng loạt giảm điểm. Nhóm cổ phiếu công nghệ tiếp tục là nguyên nhân “kéo chân” chính thị trường chứng khoán Mỹ phiên đêm qua.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số Dow Jones giảm 130,40 điểm (-0,47%), xuống 27.901,98 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm −28,48 điểm (-0,84%), xuống 3.357,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 140,19 điểm (-1,27%), xuống 10.910,28 điểm.

Chứng khoán châu Âu ngày thứ Năm đóng cửa giảm điểm trên diện rộng, khi các nhà đầu tư hoang mang với loạt cuộc họp gần đây của các Ngân hàng Trung ương.

Theo sau Fed, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) thông báo giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,1% và duy trì mức mua tài sản hiện tại, nhưng cảnh báo rằng triển vọng kinh tế vẫn “đặc biệt bất ổn”.

Theo giới phân tích, các nhà đầu tư thích ngân hàng trung ương hạ lãi suất bởi họ cảm thấy điều đó tốt cho thị trường, nhưng nếu ngân hàng trung ương nói rằng, ‘chúng ta cần giữ lãi suất thấp lâu hơn’, thì mọi người bắt đầu lo lắng về chính nền kinh tế.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 28,56 điểm (-0,47%), xuống 6.003,32 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 47,25 điểm (-0,36%), xuống 13.208,12 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 34,92 điểm (-0,69%) xuống 5.039,50 điểm.

Sắc đỏ cũng bao trùm thị trường chứng khoán châu Á. Chứng khoán Nhật Bản suy yếu trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định tiếp duy trì chính sách tiền tệ ổn định. BOJ nêu rõ trong tuyên bố của mình, nền kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu được cải thiện, nhưng vẫn trong tình trạng “nghiêm trọng” do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Chứng khoán Trung Quốc giảm và vẫn chịu ảnh hưởng bởi đà bán tháo ở nhóm cổ phiếu y tế và tiêu dùng.

Kết thúc phiên 17/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 156,16 điểm (-0,67%), xuống 23.319,37 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,49 điểm (-0,41%), xuống 3.270,44 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 384,78 điểm (-1,56%), xuống 24.340,85 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 29,75 điểm (-1,22%), xuống 2.406,17 điểm.

Giá vàng giảm mạnh bất chấp thị trường chứng khoán suy yếu trong phiên ngày thứ Năm. Kịch bản có vẻ mâu thuẫn này đã diễn ra thường xuyên trong vài tháng qua, gây hoang mang cho giới đầu cơ trên thị trường kim loại quý.

Kết thúc phiên 17/9, giá vàng giao ngay giảm 14,10 USD (-0,72%), xuống 1.944,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 20,20 USD (-1,03%), xuống 1.941,80 USD/ounce.

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu suy yếu bởi cơn bão Sally đổ bộ qua Vịnh Mexico vào khu vực phía đông nam nước Mỹ.

Kết thúc phiên 17/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,81 USD (1,98%), lên 40,97 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,08 USD (+2,49%), lên 43,30 USD/thùng.

Tin bài liên quan