Cơ hội chọn được cổ phiếu có triển vọng tăng giá trong năm 2023 được nhận định sẽ dần nhiều lên.

Cơ hội chọn được cổ phiếu có triển vọng tăng giá trong năm 2023 được nhận định sẽ dần nhiều lên.

Lọc cơ hội từ những cổ phiếu giảm giá sâu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá nhiều cổ phiếu lao dốc trong năm 2022, trong đó có không ít mã được đánh giá là cơ bản, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không quá tệ, thậm chí tăng trưởng.

260 mã mất hơn một nửa giá trị

Năm 2022, chỉ số VN-Index giảm 32,6%, xuống 1.007,09 điểm. Có 620 trong tổng số 743 cổ phiếu trên HOSE và HNX giảm giá, bình quân cứ 10 cổ phiếu thì có 8 cổ phiếu giảm giá. Số cổ phiếu mất giá mạnh hơn mức độ mất điểm của VN-Index là 404 mã, trong đó, 260 mã mất hơn một nửa giá trị.

Những cổ phiếu giảm mạnh nhất gồm có ART giảm 92%, KLF giảm 88,9%, AMD giảm 86,5%, LDP giảm 86,9%, VKC giảm 86,8%…

Tuy nhiên, bỏ qua những cổ phiếu bị “lái giá”, sức khỏe tài chính doanh nghiệp suy giảm, thì không ít cổ phiếu được đánh giá là cơ bản, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không quá tệ, thậm chí có nhiều điểm sáng, bị bán quá đà trong bối cảnh thị trường chung thường xuyên “đỏ lửa”.

Chẳng hạn, mã TCD của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (Tracodi) giảm gần 78% trong năm 2022, thị giá còn 5.730 đồng/cổ phiếu, trong khi giá trị sổ sách là 13.960 đồng/cổ phiếu, tương ứng định giá P/B ở mức 0,4 lần.

Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2022, Tracodi ghi nhận lợi nhuận sau thuế 436,9 tỷ đồng, hoàn thành 86,1% kế hoạch năm 2022. Riêng quý III/2022, do không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh thu mảng xây dựng và khai thác đá (liên doanh Antraco) của Tracodi tăng lần lượt 83,4% và 88% so với cùng kỳ năm 2021.

Tương tự, cổ phiếu BCG của Công ty cổ phần Bamboo Capital đóng cửa cuối năm 2022 ở mức 6.310 đồng/cổ phiếu, giảm 73,9% so với đầu năm, trái ngược với kết quả kinh doanh tính đến cuối tháng 9. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022, Bamboo Capital đạt 3.311 tỷ đồng doanh thu và hơn 885 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng mạnh so với con số tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 1.904 tỷ đồng và 701 tỷ đồng.

Trong quý IV/2022, Ban lãnh đạo Bamboo Capital cho biết, một số dự án bất động sản và dự án năng lượng tái tạo có bức tranh tốt hơn, sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh cả năm 2022.

Là cổ phiếu đầu ngành cao su, mã GVR của Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP cũng giảm mạnh, mất 63,3% giá trị trong năm 2022, thị giá từ 37.600 đồng/cổ phiếu còn 13.800/cổ phiếu.

Có những cổ phiếu giảm giá từ 50 - 70%, lùi xuống dưới giá trị sổ sách, trong khi doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 tổ chức ngày 27/12/2022, Ban lãnh đạo GVR cho hay, năm 2022, Tập đoàn ước đạt doanh thu hợp nhất 28.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 5.200 tỷ đồng.

Với chỉ tiêu doanh thu điều chỉnh là 28.280 tỷ đồng (giảm 4,8% so với kế hoạch ban đầu) và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 4.900 tỷ đồng (giảm 24% so với kế hoạch ban đầu), GVR thực hiện lần lượt 101,1% và 106,1% kế hoạch năm 2022. So với kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2021 thì doanh thu tăng trưởng, còn lợi nhuận giảm không nhiều.

Với ngành dệt may, trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp cùng ngành gặp khó khăn về đơn hàng, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực khi tính đến hết tháng 11/2022 đạt doanh thu 6.335 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt 6% kế hoạch cả năm 2022; lợi nhuận sau thuế 11 tháng đạt 276 tỷ đồng, hoàn thành 99% kế hoạch cả năm 2022 (280 tỷ đồng).

Vậy nhưng, trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu TNG lại lao dốc gần 60% trong năm 2022, xuống 13.300 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 20% giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính quý gần nhất - quý III/2022 (16.639 đồng/cổ phiếu).

Trong lĩnh vực xây dựng công trình, Công ty cổ phần Fecon (mã chứng khoán FCN) liên tiếp công bố trúng các gói thầu mới như gói thầu 380 tỷ đồng tại dự án Đầu tư xây dựng bến số 5, số 6 Khu bến cảng Lạch Huyện, thuộc cảng biển Hải Phòng, gói thầu 170 tỷ đồng thuộc dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, dự án Thử nghiệm điện gió ngoài khơi tại khu vực Đông Nam Á…, nhưng thị giá cổ phiếu vẫn giảm tới 68% trong năm 2022.

Một số cổ phiếu thuộc các ngành mang tính phòng thủ cao trong giai đoạn thị trường nhiều biến động như ngành điện cũng giảm giá mạnh như mã PPC của Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại giảm gần 49%, mã POW của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) giảm 43% trong năm qua.

PV Power vừa công bố, năm 2022, doanh nghiệp ước đạt doanh thu hợp nhất 28.527 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch và tăng 17% so với năm 2021. Trong đó, doanh thu công ty mẹ khoảng 17.953 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch và tương đương năm 2021.

Tiềm năng từ kế hoạch năm 2023

Theo giới phân tích, năm 2023, nền kinh tế sẽ có không ít khó khăn, thách thức và những biến số khó dự đoán có thể tác động đến thị trường chứng khoán, nhất là trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, cơ hội đầu tư trên thị trường được kỳ vọng sẽ nhiều hơn.

Trong nhóm doanh nghiệp sản xuất, một số doanh nghiệp đang xây dựng kế hoạch kinh doanh, chiến lược thích ứng với thị trường cho năm mới để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng.

Năm 2023, GVR có kế hoạch đạt sản lượng cao su khai thác khoảng 425.000 tấn, tiêu thụ 500.000 tấn - xấp xỉ mức thực hiện năm 2022, doanh thu và thu nhập khác ước đạt 28.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.200 tỷ đồng, riêng công ty mẹ kỳ vọng doanh thu đạt 3.629 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.500 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo GVR đánh giá, những thay đổi bất lợi về thời tiết, thị trường và giá cao su chưa có chuyển biến rõ nét sẽ ảnh hưởng đến Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, GVR sẽ xây dựng các kế hoạch, phương án và đề ra giải pháp để thực hiện nhiệm vụ năm 2023, đảm bảo mức tăng trưởng chung từ 3 - 5% trở lên so với năm 2022 về doanh thu, lợi nhuận và các chỉ tiêu khác.

Theo ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc Bamboo Capital, trong bối cảnh chung của các doanh nghiệp là kinh doanh khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Công ty đang lập kế hoạch và các giải pháp kinh doanh năm 2023 cũng như giai đoạn 2024 - 2026, trong đó, mảng năng lượng tái tạo vẫn là mũi nhọn.

“Có thể bước bước phát triển ở giai đoạn 2023 - 2024 chưa đạt như kỳ vọng, nhưng bức tranh dài hạn 2025 - 2026 sẽ đạt được kỳ vọng của Ban lãnh đạo”, ông Tuấn nói.

Trong thời điểm mà nhiều đơn vị trong ngành dệt may phải cắt giảm nhân sự do thiếu hụt đơn hàng, TNG lại đang thực hiện tuyển thêm lao động cho 4 chi nhánh mới vừa đưa vào sản xuất.

Với triển vọng phục hồi của nền kinh tế, cùng chiến lược đẩy mạnh phát triển kỹ thuật - công nghệ số, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, TNG dự kiến sẽ đạt 7.000 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2023. Hiện doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhận các đơn hàng đến hết quý I và bắt đầu sang quý II/2023.

Việc các doanh nghiệp sớm công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và xây dựng kế hoạch kinh doanh, phương án thích ứng với biến động thị trường năm 2023 sẽ giúp nhà đầu tư có cơ sở để đánh giá lại cổ phiếu và đưa ra các quyết định giao dịch hợp lý hơn.

Tin bài liên quan