Trên thị trường bất động sản, thông tin dù tốt hay xấu đều cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Trên thị trường bất động sản, thông tin dù tốt hay xấu đều cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Lọc tìm những "đốm sáng" trên thị trường bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường đầy rẫy khó khăn, việc thông tin về những vấn đề tiêu cực của doanh nghiệp là rất... dễ dàng, nhưng lọc tìm những tia sáng tích cực dù hiếm hoi mới là điều cần hướng đến.

Tin tốt cần được lan tỏa

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong hầu hết công văn chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản thời gian qua đều yêu cầu thông tin về thị trường cần chính thống, chính xác, đúng bản chất tình hình, tránh thông tin sai lệch để ổn định tâm lý người dân, nhà đầu tư, khách hàng và doanh nghiệp.

Bởi trong một thời gian dài, thị trường bất động sản chìm trong “biển” thông tin xấu, doanh nghiệp này làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp kia không bán được hàng, áp lực nợ nần, thị trường bất động sản khủng hoảng… Tất cả những thông tin này vô hình trung khiến thị trường, doanh nghiệp vốn đã khó lại càng thêm khó.

Tôi vẫn nhớ như in dòng tin nhắn của lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản vào lúc 23 giờ khuya để cảm ơn Báo Đầu tư Chứng khoán đã nói lên được “tiếng lòng” của doanh nghiệp khi liên tục các số báo phát hành đầu tuần đều có ít nhất một bài phản ánh về những chuyển động tích cực cho dù hiếm hoi của thị trường và nội dung thông tin các bài viết ấy không liên quan đến doanh nghiệp ông.

“Trong lúc thị trường đầy rẫy khó khăn, những thông tin tích cực dù ở bất cứ đâu, của bất kỳ ai đều là những tia sáng đáng chờ đợi”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói.

Tùy vào bối cảnh của thị trường mà chúng ta có những thông tin tích cực phù hợp để không phải dẫn đến tình trạng “lạc quan tếu”, “không có căn cứ”. Chẳng hạn, so với thời điểm đầu năm nay thì hiện tại, có thể nói giai đoạn khó khăn nhất đã qua đi và thị trường bất động sản chuẩn bị bước vào chu kỳ hồi phục, dù thách thức còn không ít.

Minh chứng cho luận điểm này là nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu triển khai trở lại các dự án, mở bán các dự án mới đi kèm chính sách thanh toán linh hoạt, hấp dẫn; một số doanh nghiệp bất động sản đã huy động được vốn trái phiếu trở lại; hoạt động đảo nợ, gia hạn nợ diễn ra thành công với nhiều doanh nghiệp hơn; sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp trong việc tái cấu trúc tài sản, danh mục đầu tư…

“Tất cả những thông tin tích cực ấy chỉ cần báo chí đồng loạt đưa tin theo hướng cân bằng, không cần phân tích hay bình luận quá nhiều… thì tôi tin là sẽ có mức độ lan tỏa tốt, góp thêm động lực cho thị trường địa ốc hồi phục”, vị lãnh đạo doanh nghiệp nói thêm.

Tin xấu chưa hẳn tiêu cực

Cũng phải nói thêm rằng, không hẳn mọi thông tin xấu đều dẫn đến sự tiêu cực, bởi việc cùng doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, thách thức cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi chính sách. Để có được những thông tin tích cực như đã nêu ở trên, một phần đến từ những chính sách hỗ trợ của của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, mà trong đó có đóng góp của công tác truyền thông, báo chí.

Thực tế cho thấy, sau những loạt bài phản ánh của báo chí về thực trạng thị trường, về khó khăn doanh nghiệp phải đối mặt, từ cuối năm 2022 đến nay, Chính phủ liên tục ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, nghị định… tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với mục đích chung là kêu gọi, đề nghị các bộ, ngành, địa phương cùng người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan chung sức, đồng tâm, hợp lực để vượt qua khó khăn hiện tại, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Theo đó, hàng trăm dự án bất động sản trên khắp cả nước dần được gỡ khó. Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho thấy, chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM, có gần 500 dự án đã và đang được tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý. Đây là kết quả vượt ngoài mong đợi của cả thị trường.

Hay mới đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành các khoản 8, 9, 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.

Các doanh nghiệp bất động sản cho rằng, Thông tư 06/2023 đã dựng thêm “rào chắn” tiếp cận tín dụng so với trước đây, do đã quy định tăng thêm từ 6 lên 10 trường hợp tổ chức tín dụng không được cho vay. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng một số khách hàng có nhu cầu vay vốn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà và nhà đầu tư không tiếp cận được tín dụng. Bởi vậy, nếu Thông tư 06/2023 đi vào thực thi thì chẳng khác nào một “cú knock out” đối với cả doanh nghiệp lẫn thị trường địa ốc trong bối cảnh khó khăn này.

Để có được kết quả trên, đó là sự lên tiếng của nhiều chuyên gia, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và báo chí góp phần lan tỏa những thông tin ấy. Trong Văn bản số 756/TTg-KTTH của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ lưỡng kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng, các nội dung liên quan được báo chí, dư luận và người dân, doanh nghiệp quan tâm, phản ánh như nêu trên, để nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay các quy định gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp…

Tìm “điểm chạm” cân bằng

Bất động sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế, là thành phần không thể thiếu trong đời sống kinh tế - xã hội. Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài từ đầu năm 2022 tới nay, đặc biệt là tác động của những thông tin xấu như càng đè nặng lên tâm lý thị trường.

Một điểm cần nhấn mạnh ở đây là sự quan trọng của thông tin trong việc định hình quan điểm và quyết định của người tham gia thị trường. Thông tin doanh nghiệp thua lỗ, áp lực nợ nần, hoặc không bán được hàng… thường được phát tán nhanh chóng thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Điều này tạo ra tâm lý dè dặt, lo ngại cho người mua bất động sản.

Thị trường bất động sản thường biến động theo nhiều yếu tố, trong khi thông tin có thể bị bóp méo hoặc thiên lệch. Điều này có thể dẫn đến tình trạng hoảng loạn không cần thiết khi người mua đưa ra quyết định dựa trên thông tin không đầy đủ.

Thông thường, tin xấu sẽ gây ra tác động tiêu cực và ngược lại, tin tốt mang đến sự tích cực, thế nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng và phản ánh đúng thực tế, nhất là trên thị trường bất động sản. Do đó, để đảm bảo sự cân nhắc và đánh giá đúng đắn, những người tham gia thị trường, trong đó có cả báo chí, luôn cần sử dụng thông tin một cách thông minh và cân nhắc, đặc biệt là không nên để thông tin tiêu cực tạo ra tâm lý hoảng loạn. Thị trường bất động sản chỉ có thể phục hồi và phát triển khi có lại niềm tin từ tất cả các bên liên quan.

Tin bài liên quan