Từ nay đến cuối năm, bài toán tỷ giá sẽ còn nhiều nan giải trước tình trạng thâm hụt thương mại khá lớn hiện nay (Ảnh minh họa: Internet)

Từ nay đến cuối năm, bài toán tỷ giá sẽ còn nhiều nan giải trước tình trạng thâm hụt thương mại khá lớn hiện nay (Ảnh minh họa: Internet)

Lời giải cho bài toán tỷ giá

(ĐTCK-online) Mỗi lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá USD/VND thì lại có rất nhiều ý kiến bình luận về tác động của nó. Và không thể phủ nhận rằng, tỷ giá USD/VND chủ yếu là tăng, rất hiếm khi giảm, thông thường năm sau cao hơn năm trước.

Từ nay đến cuối năm, bài toán tỷ giá sẽ còn nhiều nan giải trước tình trạng thâm hụt thương mại khá lớn hiện nay. Để nhìn nhận một cách khách quan vấn đề này và tìm ra giải pháp giải quyết căn bệnh tỷ giá USD/VND liên tục leo thang, cần nhìn dưới giác độ của quy luật khách quan, đó là quy luật cung - cầu.

Việt Nam không thực hiện chính sách thả nổi tỷ giá, tỷ giá USD/VND biến động có sự kiểm soát của Nhà nước. Tuy nhiên, việc kiểm soát có thể đạt được mục đích hay không thì lại dựa vào các công cụ mà Nhà nước có trong tay, gồm có giải pháp thị trường (dự trữ ngoại tệ của Việt Nam) và biện pháp hành chính.

Với việc can thiệp vào thị trường bằng dự trữ ngoại tệ mà Việt Nam có được thì thông thường không đạt được thời gian dài, vì lượng ngoại tệ dự trữ của Việt Nam không lớn, nên chỉ có thể tác động trong thời gian ngắn trong việc bình ổn tỷ giá USD/VND.

Việc can thiệp vào thị trường bằng công cụ hành chính lại không có mấy tác dụng, thậm chí trong một số trường hợp còn bị phản tác dụng.

Khi thị trường đang khan hiếm ngoại tệ, NHNN có thể quyết định một tỷ giá USD/VND thấp hơn so với thực tế cung - cầu trên thị trường, nhưng các DN vẫn không thể mua bán được với giá của NHNN, bởi các NHTM khi kinh doanh ngoại tệ sẽ không có lãi và buộc DN phải mua giá USD ngoài “ chợ đen”, nhiều khi đây cũng chính là cơ hội để nhiều đối tượng có thể “ lũng đoạn” và “làm giá” USD. Điểm này làm phản tác dụng của chính sách ngoại tệ, tỷ giá thực lúc đó không phải là tỷ giá niêm yết tại ngân hàng mà là tỷ giá ngoài chợ đen vì hầu như giao dịch mua bán tại NHNN sẽ bị đóng băng.

Vậy tại sao tỷ giá USD/VND chỉ liên tục tăng mà không thấy giảm? Điều này là dễ hiểu khi Việt Nam là một nước liên tục nhập siêu. Trong 25 năm gần đây thì có tới 24 năm là nhập siêu. Như vậy, cầu về USD ngày càng cao hơn cung và tỷ giá tăng lên là điều tất yếu.

Cho dù tỷ giá USD/VND tăng nhưng xuất khẩu tăng lên không nhiều và nhập khẩu giảm đi cũng không nhiều, ảnh hưởng cuối cùng là DN và người dân phải mua hàng hóa, nguyên vật liệu với giá cao và ảnh hưởng tới lạm phát. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nhập siêu là do năng lực sản xuất của các DN trong nước còn yếu, chưa thể tự sản xuất được hàng hóa, nguyên vật liệu thay thế hoặc vẫn sản xuất với chi phí đắt hơn ngoại nhập nên vẫn chưa thể cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập.

Vậy để giải quyết căn bản bài toán tỷ giá tại Việt Nam vẫn phải giải quyết bài toán nâng cao năng lực sản xuất, đặc biệt là ngành công nghiệp phụ trợ, năng lực cạnh tranh của các DN và hạn chế cơ bản tình trạng nhập siêu. Đây là một bài toán dài hơi và cần có nhiều chính sách đồng bộ.