Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA.

Lời hứa thúc đẩy Kim Jong-un duy trì cuộc gặp với Trump

Hứa hẹn của Kim Jong-un với người dân về một tương lai thịnh vượng có thể khiến ông muốn đối thoại với Mỹ để được nới lỏng lệnh trừng phạt.

Khi Kim Jong-un trở thành lãnh đạo Triều Tiên cách đây 7 năm, ông đã hứa hẹn với đất nước về một tương lai không đói nghèo.

Trong bài phát biểu đầu tiên với tư cách lãnh đạo, ông tuyên bố rằng Triều Tiên, nơi từng có hàng triệu người phải chịu đựng nạn đói vào những năm 1990, sẽ không bao giờ phải thắt lưng buộc bụng nữa. Năm ngoái, ông xin lỗi đất nước vì đã không thực hiện được cam kết đó và bày tỏ niềm lo lắng, theo NYTimes.

Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/5 đột ngột hủy cuộc họp thượng đỉnh với Kim Jong-un dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tại Singapore, Triều Tiên phản ứng rất bình tĩnh và lịch sự, giữ hy vọng rằng cuộc họp vẫn có thể diễn ra.

Điều này thể hiện tầm quan trọng của hội nghị thượng đỉnh đối với ông Kim, người đã tổ chức một cuộc họp bất ngờ vào cuối tuần trước với Tổng thống Hàn Moon Jae-in như một nỗ lực để cứu vãn cuộc gặp Trump - Kim.

Các nhà phân tích cho rằng ông Kim không chỉ muốn mà ông thực sự cần một thỏa thuận ngoại giao với Mỹ. "Triều Tiên vẫn có thể tồn tại dưới các lệnh trừng phạt, đặc biệt với sự giúp đỡ của Trung Quốc", Shin Beom-chul, thành viên cao cấp của Viện nghiên cứu chính sách Asan tại Seoul cho biết.

"Nhưng khi lệnh trừng phạt vẫn còn tồn tại, Kim Jong-un không bao giờ có thể đem lại tăng trưởng kinh tế nhanh chóng mà ông đã hứa với người dân".

Kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng từ mức 1% lên 5% mỗi năm dưới sự dẫn dắt của ông Kim cho đến cuối năm ngoái, khi Liên Hợp Quốc ra các đòn trừng phạt nặng nề.

Việc Kim Jong-un sẵn sàng tiếp tục những nỗ lực ngoại giao với Mỹ cho thấy ông có thể đang chịu áp lực phải đáp ứng kỳ vọng ngày càng gia tăng ở Triều Tiên về phát triển kinh tế và thoát khỏi lệnh trừng phạt.

Tại Triều Tiên, ông Kim được coi như đại diện cho sự hiện đại và cởi mở. Ông đã cho xây dựng các tòa nhà mới, sơn lại những ngôi nhà cũ ở Bình Nhưỡng, tham dự buổi biểu diễn của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc và cho phép dàn nhạc quốc gia chơi nhạc pop Mỹ.

Ông còn cho xây dựng các các công viên nước, khu nghỉ mát, khu trượt tuyết, sân bay, tòa nhà chọc trời và bể cá heo. Điện thoại di động trở thành mặt hàng tiêu dùng phổ biến ở các thành phố lớn, mặc dù phần lớn người dân vẫn không được truy cập Internet.

Nhưng dù đã có những nỗ lực như vậy, ông Kim vẫn gặp hạn chế trong việc phát triển kinh tế bởi các lệnh trừng phạt quốc tế. Gói trừng phạt gần đây nhất đã khiến Triều Tiên khó kiếm ngoại tệ mạnh để mua hàng nhập khẩu.

Kể từ tháng 9 năm ngoái, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ban lệnh cấm tất cả mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên, bao gồm than đá, quặng sắt, hải sản và hàng dệt may.

Chính những phát triển dưới thời ông Kim giờ đây trở thành áp lực của ông khi đất nước lâm vào cảnh khó khăn. Thế hệ mới lớn lên được tiếp xúc với đĩa DVD và USB chứa phim truyền hình Hàn Quốc, khiến họ có kỳ vọng cao về chất lượng cuộc sống".

"Nếu ông Kim không thể thực hiện được những kỳ vọng này, người dân sẽ tức giận", cây bút Choe Sang-Hun của NYTimes nhận xét.

Tin bài liên quan