Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp tăng trưởng, theo dữ liệu chính thức được công bố sáng ngày 27/5, bất chấp thuế quan "cấm vận" của Mỹ và áp lực giảm phát dai dẳng.
Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất cuộn cảm của một nhà máy ở thành phố Tô Thiên, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Công nhân làm việc tại dây chuyền sản xuất cuộn cảm của một nhà máy ở thành phố Tô Thiên, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Lợi nhuận tích lũy của các nhà sản xuất công nghiệp lớn ở Trung Quốc tăng 3% trong tháng 4, mạnh hơn mức tăng 2,6% vào tháng 3, theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Chỉ số này cũng tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược xu hướng giảm kể từ quý III năm ngoái.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các nhà sản xuất công nghiệp Trung Quốc được hưởng lợi từ chương trình của chính phủ về việc trợ cấp nâng cấp thiết bị và hàng tiêu dùng cho doanh nghiệp và hộ gia đình. Nhờ chương trình này, tăng trưởng đầu tư vào mua sắm thiết bị và dụng cụ đã tăng vọt trong 4 tháng đầu năm 2025 lên mức cao nhất trong hơn 4 năm, có khả năng thúc đẩy nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp.

Lĩnh vực sản xuất chế tạo tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận trong số các công ty công nghiệp Trung Quốc. Cụ thể, lợi nhuận của các nhà sản xuất chế tạo tăng 8,6% trong 4 tháng đầu năm, so với mức giảm 26,8% tại các công ty khai khoáng và mức tăng 4,4% tại các công ty tiện ích, theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận của các nhà sản xuất công nghiệp vẫn chịu áp lực trong bối cảnh cạnh tranh giá cả khốc liệt và rủi ro giảm phát. Tăng trưởng lợi nhuận hàng tháng của họ tiếp tục có xu hướng thấp hơn nhiều so với mức tăng của sản lượng công nghiệp. Ngoài ra, mức tăng lợi nhuận hoạt động của họ trong 4 tháng đầu năm cũng chậm hơn so với mức tăng của chi phí hoạt động.

Việc cải thiện lợi nhuận đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin của doanh nghiệp để các công ty sẵn sàng đầu tư và tuyển dụng nhiều hơn. Bloomberg Economics trước đó dự báo lợi nhuận công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 4 sẽ giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước.

Bảng cân đối kế toán doanh nghiệp mạnh hơn có thể làm giảm tính cấp thiết thực hiện các biện pháp kích thích bổ sung để Bắc Kinh đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là khoảng 5%.

Giới phân tích cho rằng cách tiếp cận chính sách có cân nhắc hơn của các quan chức Trung Quốc ngày càng có khả năng xảy ra sau khi Bắc Kinh đồng ý đình chiến thương mại với Mỹ vào đầu tháng này.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế quan gây sốc là 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh sau đó phải áp dụng biện pháp trả đũa. Trên thực tế, các mức thuế quan mà hai bên áp dụng được đánh giá là tương đương với lệnh cấm vận thương mại lẫn nhau.

Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí cắt giảm hầu hết các mức thuế quan bổ sung vào đầu tháng này, sau một thỏa thuận đình chiến thương mại đạt được trong cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của hai bên tại Geneva, Thụy Sĩ.

Thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm xuống còn 51,1% trong khi thuế quan của Trung Quốc đối với hàng nhập khẩu của Mỹ vẫn ở mức 32,6%, theo Viện Nghiên cứu Quốc tế Peterson.

Hoạt động sản xuất chế tạo của Trung Quốc trong tháng 4 đã suy giảm nhiều hơn dự kiến, thậm chí xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chính thức đạt 49,0 điểm, lần đầu tiên trượt vào vùng suy thoái trong năm nay.

Trong khi đó, tăng trưởng doanh số bán lẻ trong tháng 4 đã chậm lại còn 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi sản lượng công nghiệp tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Những số liệu này nhấn mạnh sự mất cân bằng cung - cầu dai dẳng trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Xuất khẩu của Trung Quốc đạt tăng trưởng trong tháng 4 khi các nhà xuất khẩu của nước này thúc đẩy bán hàng sang các thị trường khác sau khi Mỹ áp thuế quan lên tới 145%.

Mặc dù xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4 đã giảm hơn 21% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tăng 8,1% nhờ các chuyến hàng được tăng cường đến Đông Nam Á.

Tin bài liên quan