Nhiều du khách nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến trải nghiệm đón năm mới thông qua các ứng dụng du lịch trực tuyến. Ảnh: Đức Thanh

Nhiều du khách nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến trải nghiệm đón năm mới thông qua các ứng dụng du lịch trực tuyến. Ảnh: Đức Thanh

Lữ hành kết duyên công nghệ để giành thị phần du lịch

Dịch vụ đặt phòng, vé máy bay trực tuyến… lâu nay được coi là “mỏ vàng”, nhưng thị phần chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp ngoại. Bởi thế, các hãng lữ hành nội địa đang ra sức “kết duyên” với công nghệ để cải tổ và “thay máu” nhằm giành lại thị phần.

“Nhường” sân nhà

Theo nghiên cứu của Oxford Economic (công ty phân tích và dự báo toàn cầu), tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, việc lập kế hoạch du lịch, đặt phòng trực tuyến chiếm tới 80% số tour. Còn điều tra của Temasek Holdings (cơ quan thuộc bộ phận đầu tư của Chính phủ Singapore) cho thấy, quy mô thị trường du lịch trực tuyến khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp 4 lần, từ 21,6 tỷ USD (năm 2015) lên 89,6 tỷ USD (năm 2025).

Riêng Việt Nam, thị trường du lịch trực tuyến được dự báo sẽ tăng từ 2,2 tỷ USD (năm 2015) lên 9 tỷ USD (năm 2025). Đó là nguyên nhân chính giúp doanh thu từ mảng kinh doanh trực tuyến bùng nổ. Năm 2016, tổng thu du lịch trực tuyến toàn cầu tăng trưởng 13,8%, tương đương 565 tỷ USD. Dự báo năm 2020, con số này có thể đạt 817 tỷ USD. Điều đó cho thấy “mỏ vàng” du lịch trực tuyến không hề nhỏ.

Vậy nhưng, “mỏ vàng” này vẫn đang được khai thác chủ yếu bởi các OTA (Online Travel Agency - đại lý du lịch trực tuyến) nước ngoài như: Agoda.com, Booking.com,  Expedia.com, Traveloka.com ... với gần 80% thị phần. Các OTA của Việt Nam như Vinabooking.vn, Chudu24.com, iVIVU, VNTrip, Mytour.vn... chỉ giành được thị phần ít ỏi (khoảng 20%), chủ yếu phục vụ thị trường trong nước.

Nguyên nhân được các chuyên gia du lịch “mổ xẻ” là do số doanh nghiệp chủ động thay đổi, đầu tư tương xứng cho công nghệ, sẵn sàng cải tổ và “thay máu” để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường chưa nhiều. Một số thì làm cho có, đua theo trào lưu, như tạo lập các website, kết nối với các ứng dụng trên điện thoại di động, nội dung sơ sài, tốc độ chậm, không có người thường xuyên chăm sóc, ít cập nhật thông tin…, nên chưa tạo được sự kết nối liên tục với khách hàng.

Xương sống để phát triển

Những năm gần đây, nhiều gia đình Việt có xu hướng đi du lịch trong dịp Tết và chủ yếu chọn du lịch tự túc thay vì tour trọn gói. Ở chiều ngược lại, nhiều du khách nước ngoài cũng chọn Việt Nam là điểm đến trải nghiệm đón năm mới.

Xu hướng đi du lịch tự túc đang ngày càng tăng. Các con số thống kê chỉ ra rằng, có đến 80% du khách thế giới chọn đi du lịch tự túc và tỷ lệ du khách Việt chọn hình thức này khi du lịch trong nước cũng tương tự.

“Miếng bánh” du lịch trực tuyến ngày càng béo bở khiến cuộc cạnh tranh càng thêm khốc liệt. Bởi thế, nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt đang nỗ lực chạy đua, “kết duyên” với công nghệ mới và ứng dụng di động như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, ứng dụng tương tác và phần mềm ứng dụng du lịch thông minh bằng công nghệ 360... để giành lại thị phần.

Đơn cử, trang iVIVU.com của Tập đoàn Thiên Minh sử dụng nhân viên ảo Olivia giải đáp những thắc mắc của khách hàng đặt chỗ.

Trong khi đó, Saigontourist đầu tư lớn cho công nghệ và thành lập phòng kinh doanh trực tuyến.

“Hiện, 80% hoạt động tiếp thị của Saigontourist đã dịch chuyển sang tiếp thị số. Hoạt động bán hàng trên fanpage tăng trưởng mạnh, nhân sự ở mảng này tăng lên đến 200%. Khách hàng chốt đơn hàng trực tuyến từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Có khách đã chốt đơn hàng lên đến 800 triệu đồng cho cả gia đình đi châu Âu. Doanh thu trực tuyến năm 2019 đạt 110 tỷ đồng”, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Lữ hành (Saigontourist) cho biết.

Hoạt động đầu tư cho công nghệ đã mang lại hiệu quả rõ ràng cho các hãng lữ hành. Sau hơn 3 năm chính thức gia nhập thị trường đặt tour trực tuyến, Tugo thu về hơn 400 tỷ đồng. Còn đối với doanh nghiệp đã khẳng định thương hiệu như Vietravel, trung bình mỗi tháng có hơn 1.000 người đặt chuyến, thanh toán chi phí cho tour theo hình thức trực tuyến.

VietSense Travel đã từng trải qua 2 năm “sống lay lắt”, nhưng nhờ nhanh chóng chuyển hướng, ứng dụng công nghệ vào kinh doanh trực tuyến, đã thu được những kết quả rất khả quan. Ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel cho biết: “VietSense xây dựng và vận hành hơn 100 website du lịch, đồng thời, tăng cường marketing online trên các nền tảng website tương tác 2 chiều, nỗ lực quảng bá dịch vụ và chăm sóc khách hàng qua các mạng xã hội. Nhờ “xương sống” này, khách hàng liên tục tăng trưởng ở tất cả các sản phẩm, dịch vụ. Năm 2019, doanh thu từ kinh doanh trực tuyến của VietSense Travel chiếm tới 90%”.

Việc ngày càng nhiều doanh nghiệp lữ hành “kết duyên” với công nghệ đã tạo làn sóng chuyển dịch giữa loại hình du lịch truyền thống và du lịch trực tuyến. Nếu như năm 2015, có đến 82% khách du lịch chọn đặt tour truyền thống, thì đến năm 2019, con số này chỉ còn gần 40%. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, 5 năm gần đây, du khách Việt tìm kiếm thông tin trên mạng tăng hơn 32 lần. Hiện, khoảng 90% du khách nội địa thực hiện việc tra cứu thông tin qua mạng. Trung bình mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch.

Xu thế không thể đảo ngược

Ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel đánh giá, công nghệ tác động mạnh mẽ đến ngành lữ hành, là xương sống của sự phát triển dịch vụ. Tác động có thể sẽ mạnh đến độ làm cho những công ty tổ chức tour truyền thống mất dần đất sống và doanh nghiệp chỉ sống khỏe khi bắt kịp trào lưu bằng cách đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ và có những sản phẩm thật đặc sắc.

“Thói quen tiêu dùng đang thay đổi chóng mặt. Giờ đây, khách hàng online gần như 24/24, nên giờ giấc, cách thức làm việc của chúng tôi cũng thay đổi theo”, ông Đạt chia sẻ.

Không chỉ thiên về định hướng giao dịch thương mại điện tử, cách du khách lựa chọn, đặt mua, trải nghiệm chuyến đi cũng liên tục thay đổi. Vì vậy tiếp thị kỹ thuật số trở thành thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong nước, đặt ra yêu cầu phải có những chiến lược thực sự phù hợp thu hút du khách.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, việc gia tăng hiệu quả bán hàng trực tuyến không chỉ khó ở chỗ cần đầu tư lớn cho công nghệ, mà còn đòi hỏi những người làm du lịch phải thay đổi kỹ năng bán hàng. Thay vì gặp gỡ, tiếp xúc khách hàng trực tiếp để tư vấn, những người làm du lịch còn phải học cách nói chuyện, đánh giá cảm xúc của khách qua màn hình máy tính; tư vấn bằng câu chữ thay cho lời nói. Bên cạnh đó, cách thức điều hành, quản lý, hợp tác chặt chẽ giữa các bộ phận trong doanh nghiệp để đẩy nhanh tốc độ bán hàng cũng cực kỳ quan trọng.

Từ thực tế điều hành công tác marketing du lịch của Saigontourist, bà Trà cho biết, việc ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp trong việc xác định khách hàng tiềm năng để tiếp thị. Hành vi mua sắm của khách hàng được công nghệ phân tích để đưa thông tin đến trúng đích, thay vì ước đoán như trước đây. Nhờ đó, Công ty sẽ xác định được nên phân bổ chi phí vào đâu, biết điểm dừng của chiến dịch tiếp thị.

“Khi chạy quảng cáo, chúng tôi biết được có bao nhiêu khách hàng bấm nút thích (like), trong đó, có bao nhiêu người đọc, lướt qua, để lại tin nhắn mua sản phẩm… Công nghệ cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng xác định được khách hàng, lượng tour bán ra, phân bổ chi phí tiếp thị hiệu quả cho các sản phẩm du lịch”, bà Trà nói.

Có thể thấy, kinh doanh du lịch trực tuyến là xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt phải đầu tư bài bản, lớp lang, mới có thể giành lại thị phần từ các OTA nước ngoài vốn đã rất uy tín và quen thuộc.

Trong cuộc cạnh tranh đó, các OTA trong nước vẫn có thế mạnh nhất định so với các OTA nước ngoài, đó là sự am hiểu về địa phương. Bên cạnh việc phát huy tối đa thế mạnh này, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, các OTA trong nước cần đầu tư xây dựng các trang web, phần mềm ứng dụng đủ sức hấp dẫn; phải cho khách hàng thấy được sự ưu việt từ các dịch vụ, sự lôi cuốn của các điểm đến, giá cả tour, tiêu chuẩn nơi lưu trú, chất lượng phục vụ, tư vấn...

“Các OTA trong nước cần tiết giảm chi phí để có giá thành sản phẩm phù hợp, tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, phải phối hợp nhịp nhàng với các khách sạn, dịch vụ du lịch để tạo ra hệ sinh thái hoàn chỉnh, tăng nguồn lực cạnh tranh, khả năng chăm sóc khách hàng để thu hút các “thượng đế”. Khai thác tốt thị trường du lịch trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao doanh thu, mà còn giúp giảm bớt chi phí trong hoạt động truyền thông, thuê văn phòng đại lý, tổ chức nhân sự đi kèm..., đồng thời góp phần hiệu quả trong quảng bá du lịch Việt Nam đến với bạn bè thế giới”, CEO Nguyễn Tiến Đạt nhận định.

Theo thống kê từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp du lịch đang hoạt động trên toàn quốc. Các doanh nghiệp đều quan tâm sử dụng Internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh, song việc đầu tư của nhiều đơn vị lại rất nửa vời, không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Trong bối cảnh các OTA nước ngoài đều có ưu thế vốn đầu tư, khuyến mãi như hiện nay, nếu không có định hướng, kế hoạch phát triển du lịch trực tuyến đúng đắn và kịp thời, các doanh nghiệp du lịch trong nước sẽ gặp không ít khó khăn.

“Muốn thành công, phải có những cộng sự giỏi và ứng dụng công nghệ. Cộng sự phải là người bổ sung những cái mình còn thiếu. Công nghệ là xương sống, là cánh tay nối dài để tiếp cận và thu hút khách hàng”, ông Nguyễn Văn Tài, CEO VietSense Travel khẳng định.

Tin bài liên quan