Luẩn quẩn bài toán tiền lương tối thiểu

Luẩn quẩn bài toán tiền lương tối thiểu

3 "đại diện" trong Hội đồng Tiền lương quốc gia dù có tính đại diện rất cao, nhưng để đến sự thống nhất trong mỗi quyết định thì chỉ có tính "tương đối"!

Cùng với việc Hội đồng Tiền lương quốc gia đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt từ tháng 10/2013, quy định “điều chỉnh tiền lương phải căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, mức tăng trưởng của doanh nghiệp và sự đồng thuận của ba bên đại diện” đã khiến, cùng với kỳ vọng của người lao động là hy vọng của giới chủ về sự hợp lý trong điều chỉnh lương.

Cả ba cơ quan đại diện trong Hội đồng Tiền lương, gồm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đại điện cho Chính phủ; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đại diện cho người lao động và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện cho giới chủ được coi có vai trò tương đương nhau trong việc trình các phương án lên Chính phủ điều chỉnh tiền lương tối thiểu.

Những trở ngại khó vượt

Song trên thực tế, ngay cả khi đã thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu áp dụng đối với doanh nghiệp, thì sự thống nhất cũng chỉ là tương đối.

Tương đối, bởi đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn lao động luôn hối thúc điều chỉnh lương để đáp ứng mức sống tối thiểu cho người lao động, trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những năm gần đây luôn duy trì ở mức cao, tạo áp lực lên cuộc sống của người lao động.

Còn VCCI thì lại lo rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp hoạt động gặp nhiều khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế và những tồn tại trong quản lý điều hành, thì việc tăng lương tối thiểu sẽ không thể đáp ứng kịp. Đây được coi là trở ngại khiến cho các bên khó gặp nhau trong giải quyết bài toán tiền lương tối thiểu cho doanh nghiệp.

Cuối năm 2013, theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Chính phủ đã thông qua mức tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ tháng 1/2014, cao nhất ở vùng I là 2,7 triệu đồng/tháng so với mức 2,35 triệu đồng/tháng đang áp dụng của năm 2013. Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của người lao động, khi trước đó, Tổng Liên đoàn lao động kiến nghị mức tăng cao nhất lên tới 3,2 triệu đồng/tháng cho vùng I.

Theo lý giải của ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, nếu tăng cao hơn mức 2,7 triệu đồng/tháng vào thời điểm này, thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, nhiều lao động sẽ mất việc.

Nhưng trên thực tế, theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đa phần lương thực lĩnh của người lao động tại các doanh nghiệp đã cao hơn mức lương tối thiểu mới của vùng I (là 2,7 triệu đồng/tháng).

Vấn đề tồn tại hiện nay là, doanh nghiệp tách tiền lương của người lao động thành hai khoản là lương tối thiểu và lương tăng thêm, hợp thức hóa bằng các loại phụ cấp như năng suất, chuyên cần, ăn trưa, xăng xe...

Trong đó, lương tối thiểu chỉ được dùng làm căn cứ để đóng các loại bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp. “Vì vậy, phần lương tối thiểu tăng thêm áp dụng cho năm 2014 chỉ khiến doanh nghiệp mất thêm một phần chi phí khá nhỏ cho các loại bảo hiểm. Còn thực tế, người lao động không nhận được thêm đồng nào”, ông Lợi nói.

Nhận định này cũng trùng với ý kiến của TS. Đặng Quang Điều, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam khi cho rằng, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xây dựng thang bảng lương mang tính đối phó, kéo dài bậc lương, chia tách tiền lương thành phụ cấp, trợ cấp để giảm đóng bảo hiểm xã hội.

Thang bảng lương phức tạp trong khu vực nhà nước và lỏng lẻo đối với khu vực kinh tế doanh nghiệp, người lao động trông chờ, kỳ vọng rồi thất vọng là câu chuyện vẫn luẩn quẩn nhiều năm qua.

Chưa giải quyết được tận gốc

Theo ông Đặng Như Lợi, nếu cơ chế tiền lương quy định chặt chẽ hơn, đưa tất cả các loại phụ cấp khác ngoài lương vào chi phí đóng các loại bảo hiểm, doanh nghiệp sẽ khó  lách luật. Khi đó, lương tối thiểu hoàn toàn có thể tiệm cận với mức sống tối thiểu, chứ không phải chỉ đáp ứng được hơn 60% như hiện nay.

Việc Hội đồng Tiền lương quốc gia chỉ có thể trình Chính phủ mức tăng lương tối thiểu 2,7 triệu đồng/tháng cho thấy, Việt Nam chưa thể giải quyết được cái gốc của chính sách tiền lương như đã nói ở trên.

Bên cạnh đó, sự ra đời của Hội đồng Tiền lương quốc gia là một đột phá, nhưng việc quyết định mức tăng lương còn phụ thuộc vào sự hài hòa với yếu tố cạnh tranh của kinh tế vĩ mô.

Khi chất lượng lao động thấp, năng suất lao động chưa cao, Việt Nam vẫn hút vốn FDI chủ yếu bằng yếu tố lao động giá rẻ, thì việc lương tối thiểu tăng quá cao sẽ đồng nghĩa với việc mất sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam cũng đang học tập cơ chế hoạt động của Hội đồng Tiền lương đã hoạt động khá lâu của hai quốc gia là Hàn Quốc và Singapore. Tuy nhiên, sự khác nhau căn bản giữa kinh tế vĩ mô Việt Nam với hai quốc gia trên khiến việc áp dụng bài học kinh nghiệm của hai nước này vào Việt Nam hoàn toàn không dễ.

Kinh tế Hàn Quốc phát triển vượt bậc, trình độ và năng suất lao động cao nên Hội đồng Tiền lương quốc gia có toàn quyền quyết định mức lương tối thiểu. Đơn giản bởi, nó chỉ phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa đại diện giới chủ và người lao động.

“Thế nên, dù được coi là bước tiến lớn trong việc thực thi chính sách tiền lương, nhưng Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn còn chịu nhiều bó buộc không thể tự giải quyết”, ông Huân thừa nhận.

Vì vậy, cuộc “đuổi bắt” giữa việc thực thi chính sách tiền lương và nâng cao thu nhập của người lao động sẽ chỉ dừng lại, một khi các điểm nghẽn của kinh tế vĩ mô, năng suất, chất lượng lao động được giải quyết ổn thoả.       

>>Lương CEO doanh nghiệp Việt quá thấp

>>Lãnh đạo lương khủng, do cơ chế

>>Quản chặt lương, thưởng người đại diện vốn nhà nước