Lực đẩy mới cho phát triển

Lực đẩy mới cho phát triển

(ĐTCK) Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp - nhiệm vụ quan trọng nhất của nhiệm kỳ 2016 - 2020 như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại nhiều diễn đàn - đang từng bước được hiện thực hóa. 

Tác động của nó đã lan tỏa mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp, dù rằng thay đổi tư duy và cách làm đã tồn tại hàng chục năm thực sự là cuộc chiến cam go.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos những ngày đầu năm 2017 - “Tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý vấn đề thể chế theo thông lệ quốc tế và theo kinh tế thị trường” – đã gây chú ý không chỉ với các tập đoàn nước ngoài tham gia sự kiện, mà lan tỏa tới cả cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia trong nước. Họ tin, lời nói sẽ được chuyển thành hành động.

Trong suốt 1 năm qua, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và các nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ… đã thể hiện rõ rệt tinh thần ấy. Nhiều đầu việc đã được triển khai cụ thể, chẳng hạn, một trong những điểm sáng, theo đánh giá từ cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia, là việc ban hành danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2014.

Lần đầu tiên có một văn bản pháp luật liệt kê, tập hợp tất cả các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giúp cho doanh nghiệp dễ dàng nhận biết được những ngành nghề nào trước khi kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện, đồng thời là nút chặn có hiệu quả đối với các nhà soạn  thảo chính sách khi muốn xây dựng, ban hành điều kiện kinh doanh cho một ngành nghề nào đó. Cơ hội với các doanh nghiệp ở những bước đầu tiên là như nhau.

Dừng cấp bảo lãnh Chính phủ, không cứu các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước..., quan điểm và chỉ đạo của Chính phủ đã thể hiện tư duy kinh tế thị trường.

Nhiều bộ ngành cũng đã có các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, từ đó, giải quyết nhiều vấn đề bất cập thực tiễn cũng như cải thiện chính sách. Tại nhiều địa phương, mô hình đối thoại chính sách, cà phê doanh nhân giữa doanh nghiệp và chính quyền đã giúp tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ còn nhiều hoạt động “đồng hành”, chính sách đổi mới, đột phá nữa.

Lực đẩy mới cho phát triển ảnh 1

Niềm tin, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp đối với những chính sách, hành động mạnh mẽ của Chính phủ và những kết quả đạt được bước đầu về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã thể hiện bằng những con số. Năm 2016, lần đầu tiên, có hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới.

Thương mại thế giới giảm mạnh, nhưng xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng khoảng 8%, xuất siêu đạt 2 - 3 tỷ USD. Huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 32,5% GDP.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức cao kỷ lục, với vốn thực hiện FDI đạt gần 15,8 tỷ USD (tăng 9% so cùng kỳ) và vốn FDI đăng ký mới (bao gồm cả bổ sung tăng vốn, vốn mua cổ phần) đạt 24,4 tỷ USD (tăng 7%).

Tại cuộc gặp mặt các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ mới đây, các ý kiến khen ngợi đối với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã nhiều hơn và những lời phàn nàn đã ít đi.

Lực đẩy mới cho phát triển ảnh 2

Cỗ xe đổi mới của Chính phủ đang tăng tốc, nhưng vẫn còn quá nhiều chướng ngại vật trên đường đi. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét rằng: “Tinh thần về một chính phủ kiến tạo và phục vụ chưa được nhiều bộ, ngành hay cấp chính quyền địa phương quán triệt và đưa vào thực thi”.

Doanh nghiệp và người dân vẫn phải đối mặt với hàng loạt quy định dựa trên cảm tính của nhà làm luật, gây lãng phí và bất khả thi, chẳng hạn như quy định đại lý tàu biển phải có nhân viên pháp chế...

Chuyện về các thủ tục rườm rà, phức tạp cũng được nhắc đến trong cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Chính phủ với Bộ Xây dựng khi Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói rằng Bộ trưởng không thể để xe doanh nghiệp xếp hàng dài ngoài Bộ khi đến làm thủ tục.

Ngay tại cuộc đối thoại của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với 100 phụ nữ tiêu biểu đầu tháng 3 này, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng đề xuất: “Xin đề nghị với Thủ tướng có ý kiến với các cơ quan liên quan đến lĩnh vực xây dựng như Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng có thể có bộ phận tư vấn để các doanh nghiệp biết được quy trình về xin cấp phép, thẩm định…, để làm thế nào rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án, làm thế nào để kết hợp với các nhà tư vấn quốc tế có thể xây dựng những công trình đẹp, bền vững cả trăm năm?”.

Sẽ có không ít việc cần làm để mục tiêu phấn đấu năm 2017 Việt Nam đạt các chỉ tiêu chủ yếu về môi trường kinh doanh bằng mức trung bình của ASEAN - 4. Trước hết từ việc điểm mặt gọi tên những chướng ngại vật trên đường ray vốn xuất hiện đầy rẫy trong thực tế kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp. Cuộc đối thoại của Thủ tướng và doanh nghiệp lần thứ hai được kỳ vọng sẽ đưa đến nhiều kiến nghị chính sách thiết thực hơn nữa.

Thực tiễn 30 năm đổi mới đã chứng minh thể chế kinh tế chính là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển. Nay, nhiều chính sách và thể chế kinh tế đang được cải cách thông qua việc sửa đổi và ban hành một loạt đạo luật mới, với kỳ vọng để doanh nghiệp không chỉ quẩn quanh sân nhà, mà còn có ước mơ và năng lực vươn ra thị trường thế giới.

Kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường pháp lý tốt và nền hành chính mang tính phục vụ chính là những nhân tố hỗ trợ lớn nhất cho doanh nghiệp phát triển và hội nhập, chứ không phải chính sách ưu đãi nào khác của Nhà nước.

Phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị triển khai nghị quyết 19/2017 ngày 10/3/2017: “Chính phủ luôn sẵn sàng lắng nghe và nghe không phải để đấy. Một số kiến nghị của doanh nghiệp đã nói rõ vướng mắc ở luật, nghị định, thông tư hay ở người thực thi, thậm chí là công văn của bộ do cấp vụ ký cũng làm khó doanh nghiệp.

Nhưng quan trọng hơn, doanh nghiệp không chỉ là kêu mà cần kiến nghị sửa cụ thể ra sao. Văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành rồi thì rất khó sửa nên doanh nghiệp phải tiếp cận ngay từ đầu. Và các doanh nghiệp lớn, các hiệp hội với thực tiễn, có đội ngũ luật sư, những người làm pháp chế thì hoàn toàn có thể làm được.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp, hiệp hội với bộ, ngành, địa phương. Tinh thần của Chính phủ là phải rất kỷ cương. Chính phủ chỉ đạo thì các bộ, địa phương phải vào cuộc. Đối với những thông tư, quy định không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, các bộ phải sửa ngay”. 

Tin bài liên quan