SCIC đã nhận chuyển giao vốn nhà nước tại 775 DN với tổng số vốn theo giá trị sổ sách là 7.518 tỷ đồng.

SCIC đã nhận chuyển giao vốn nhà nước tại 775 DN với tổng số vốn theo giá trị sổ sách là 7.518 tỷ đồng.

Lừng khừng chuyển giao vốn nhà nước

(ĐTCK-online) Theo số liệu của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), tính đến hết ngày 15/10/2007, SCIC đã thực hiện nhận chuyển giao vốn nhà nước tại 775 DN với tổng số vốn theo giá trị sổ sách là 7.518 tỷ đồng.

Trong đó, nhận chuyển giao vốn tại 135 DN thuộc các bộ, ngành Trung ương với số vốn 4.822 tỷ đồng và nhận chuyển giao vốn tại 640 DN từ các địa phương với số vốn là 2.696 tỷ đồng. Như vậy, so với mục tiêu đề ra (năm 2007, SCIC tiếp nhận vốn tại 970 DN), SCIC có thể hoàn thành kế hoạch. Tuy nhiên, việc tiếp nhận bàn giao vốn trong thời gian vừa qua đã có dấu hiệu chững lại.

Theo báo cáo của SCIC thì đến tháng 8/2007, tổ chức này đã nhận bàn giao vốn tại 687 DN với tổng số tiền là 6.563 tỷ đồng. Như vậy, trong vòng 2,5 tháng trở lại đây, SCIC mới nhận bàn giao thêm 88 DN với số tiền là 955 tỷ đồng. Theo Chủ tịch HĐQT SCIC Lê Thị Băng Tâm, tiến độ bàn giao còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ được quy định tại Nghị quyết 03/2007/NQ-CP. Cụ thể, ngay trong quý II/2007, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và SCIC phải hoàn thành cơ bản việc giao - nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN đã cổ phần hoá và chuyển đổi sở hữu từ năm 2006 về trước (trên 1.300 DN).

 “Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tích cực phối hợp, chỉ đạo tổ chức bàn giao; nhiều bộ, ngành địa phương trì hoãn bàn giao hoặc không tổ chức bàn giao để bán bớt hoặc bán toàn bộ vốn nhà nước tại DN mà không thông qua ý kiến của Bộ Tài chính”, bà Tâm cho biết. Vẫn theo bà Tâm, nhằm tránh việc bàn giao vốn nhà nước tại DN, một số cơ quan chủ quản DN thực hiện sáp nhập hoặc giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về các tổng công ty hoặc thành lập tổng công ty mới, trong đó nhiều trường hợp không căn cứ vào quy hoạch phát triển các công ty cùng ngành nghề, không dựa trên cơ sở tự nguyện của đối tượng sáp nhập, kể cả DN đã niêm yết cổ phiếu trên TTCK.

Cụ thể hơn, Tổng giám đốc SCIC, ông Hoàng Nguyên Học cho biết, theo báo cáo của các địa phương, hiện tại vốn nhà nước tại 194 DN đã bị bán hết với tổng giá trị theo sổ sách kế toán 415 tỷ đồng; 97 DN bị sáp nhập với tổng giá trị vốn là 869 tỷ đồng. “Đây chỉ là con số báo cáo, trên thực tế lớn hơn nhiều”, ông Học nhận định.

Một trong những nguyên nhân chính khiến việc “thu gom” đầu mối quản lý vốn nhà nước tại các DN là tình hình cổ phần hóa năm 2007 diễn ra chậm chạp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, năm 2007 sẽ sắp xếp lại 650 DNNN, trong đó cổ phần hóa khoảng 550 đơn vị, tuy nhiên tính đến tháng 9/2007 cả nước mới chỉ cổ phần hóa được 100 DN.

Theo ông Học, ngoài một số bộ, ngành, địa phương nghiêm chỉnh chấp hành Nghị quyết 03/2007/NQ-CP về việc chuyển giao vốn nhà nước tại DN về SCIC như Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Thương mại (cũ), Bộ Tài chính; tỉnh Bắc Cạn, Bình Dương, Bình Phước, Quảng Ninh, Khánh Hòa, An Giang, Hà Giang và Ninh Thuận; các bộ, ngành, địa phương còn lại đều chậm bàn giao vốn so với kế hoạch, thậm chí vẫn còn một số địa phương chưa chuyển giao được đồng vốn tại DN nào về SCIC. Bên cạnh một số địa phương thực hiện chuyển giao vốn theo hình thức chiếu lệ, chuyển giao DN có quy mô nhỏ và thường “chọn” DN hoạt động sản xuất, kinh doanh không có hiệu quả để chuyển giao, không ít địa phương (và cả một số bộ, ngành) tìm cách trì hoãn công tác chuyển giao để bán bớt, thậm chí bán hết vốn nhà nước tại DN.

Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc chậm bàn giao vốn phải chăng có nguyên nhân là các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, việc chậm bàn giao vốn còn do tâm lý nghi ngại của DN khi chuyển sang “cấp chủ quản mới”. “Muốn giải quyết được vấn đề này, một mặt các cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát lại các văn bản hiện hành để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế; mặt khác, SCIC phải chủ động tuyên truyền, giải thích cho DN hiểu khi chuyển sang mô hình quản lý mới họ bị quản lý cái gì, quản lý ở cấp độ nào, mô hình quản lý mới ưu việt hơn mô hình cũ ra sao để DN hiểu và tích cực ủng hộ chủ trương này”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh và theo ông, để đẩy mạnh việc chuyển giao vốn nhà nước về SCIC cần phải giải quyết hàng loạt vấn đề khác nữa là đẩy nhanh thủ tục quyết toán thuế tại các DN, rất nhiều DN gặp khó khăn về tình hình tài chính muốn chuyển giao được thì phải tích cực giải quyết vấn đề này… “Cần phải tìm rõ nguyên nhân mới tìm ra được giải pháp hợp lý”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.