Lương thưởng lãnh đạo ngân hàng vẫn “khủng”

Lương thưởng lãnh đạo ngân hàng vẫn “khủng”

(ĐTCK) Hoạt động tín dụng không mấy thuận lợi đã ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả hoạt động của các ngân hàng năm qua. Vì thế, không những thưởng, mà ngay cả lương của nhân viên ngành này cũng từng bước được điều chỉnh. Tuy nhiên, trong bức tranh tối - sáng của lợi nhuận, mức lương thưởng của các cấp lãnh đạo ngân hàng, nhất là khối cổ phần, vẫn giữ mức “khủng” mà nhiều người mơ ước.

Giảm lương, cắt thưởng, bớt nhân sự

Giữ vị trí quán quân trong ngành là Vietinbank, theo báo cáo được các ngân hàng công bố đến thời điểm này, với mức lương bình quân của nhân viên lên tới 19,7 triệu đồng/tháng trong năm 2013, nhưng vẫn giảm so với mức 20,3 triệu đồng/tháng trong năm 2012.

Sacombank cho biết, mức thưởng cho nhân viên trong dịp Tết Nguyên đán 2014 là từ 2 - 4 tháng lương, tùy theo năng lực của từng cá nhân và kết quả kinh doanh. Trong số các ngân hàng cổ phần, năm qua, Sacombank là một trong số ít ngân hàng đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra 2.800 tỷ đồng. Vì thế, việc chi mức thưởng trên cũng không có gì ngạc nhiên. Thu nhập nhân viên Sacombank cũng thuộc top cao, khoảng 16 triệu đồng/tháng.

Nhìn vào mức bình quân của hầu hết ngân hàng thì thu nhập nhân viên khá cao, nhưng qua tìm hiểu của ĐTCK, không phải nhân viên nào cũng nhận được mức lương này. Đặc biệt, với một số ngân hàng có kết quả kinh doanh sụt giảm trong năm qua thì  lương, thưởng của nhân viên bị ảnh hưởng đáng kể.

Chị Minh Loan, nhân viên tín dụng của một chi nhánh ngân hàng tại quận Tân Bình (TP. HCM) cho biết, trong năm qua, tuy lương không giảm nhiều, bình quân 7 - 8 triệu đồng/tháng, nhưng cuối năm, chị không những không nhận được tiền thưởng mà còn không có lương tháng 13. Nguyên nhân được lãnh đạo ngân hàng này cho biết, là do lợi nhuận sụt giảm đến 80% so với năm 2012.

Giám đốc Marketing một ngân hàng cổ phần có vốn 3.000 tỷ đồng tại TP. HCM cũng cho biết, cuối năm qua, ngân hàng ông cũng không có chính sách thưởng Tết, do kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa, tín dụng khó tăng, lợi nhuận giảm.

“Năm 2013, Ngân hàng vẫn duy trì thu nhập cho cán bộ nhân viên, nhưng thưởng Tết khó duy trì cao”, Tổng giám đốc NamA Bank, ông Trần Ngô Phúc Vũ cho biết.

Một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ hơn cũng mất khả năng chi trả lương tháng 13 và thưởng Tết Nguyên đán vừa rồi, đặc biệt là với những ngân hàng chỉ hoàn tất 10 - 30% chỉ tiêu lợi nhuận, như VIB, Navibank, Southern Bank…

Tuy nhiên, không chỉ cắt giảm lương thưởng, việc cắt giảm nhân sự tiếp tục nóng tại các nhà băng. Tình trạng này xảy ra với cả ngân hàng có tên tuổi như Eximbank.

Lãnh đạo Eximbank thừa nhận, tình hình kinh doanh năm qua không như kỳ vọng, lợi nhuận của Ngân hàng chỉ đạt xấp xỉ 30%, kéo theo thu nhập cũng như chính sách thưởng cho cán bộ nhân viên giảm đáng kể. Thậm chí, để cắt giảm chi phí trong hoạt động, Eximbank đã mạnh tay cắt giảm nhân sự. BCTC quý IV vừa được Eximbank đưa ra cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2013, Eximbank có 5.362 nhân sự, giảm 438 nhân sự so với thời điểm đầu năm. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Eximbank giảm 102 nhân sự. Như vậy, chỉ trong 3 tháng cuối năm, Eximbank đã cho giảm nhân sự 336 người.

Trước đó, Eximbank cũng phải thực hiện chính sách giảm 20 - 30% lương từ cấp lãnh đạo đến nhân viên. Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cho biết, ông đã làm gương  khi tự nguyện cắt giảm đến 50% lương thu nhập. Tuy nhiên, điều này lại không nhận được sự đồng tình và nhiều người cho rằng, ngoài thu nhập chính thì thù lao của Chủ tịch HĐQT hàng năm được chia trên lợi nhuận rất lớn.

Thu nhập của lãnh đạo vẫn cao

Trái với bức tranh màu tối về lợi nhuận năm qua cũng như việc cắt giảm lương, thưởng của CBNV, thì thu nhập của các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong nhiều nhà băng, nhất là với khối cổ phần quy mô lớn vẫn lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng và là niềm mơ ước của nhiều người. Còn với các cấp lãnh đạo thấp hơn: như giám đốc chi nhánh, trưởng phòng giao dịch…, thu nhập hàng tháng có thể lên tới 50 - 70 triệu đồng.

Một thành viên trong Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nếu nói lương lãnh đạo cấp cao của ngành ngân hàng, nhất là với vị trí chủ chốt trong HĐQT và Ban điều hành chỉ vài chục triệu đồng/tháng thì khó tin. Trước đây, việc ACB thuê chuyên gia cấp cao là ông Trần Xuân Giá tham gia HĐQT, người từng giữ “ghế” nóng Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này đã có nhiều ý kiến trái chiều.

Điều này đã được chứng minh qua các kỳ ĐHCĐ thường niên hàng năm của ngành ngân hàng. Cụ thể, tại ĐHCĐ năm 2013, mặc dù đã tiên đoán được phần nào tình hình khó khăn, ảnh hưởng đến lợi nhuận, nhưng lãnh đạo của các nhà băng vẫn trình xin ĐHCĐ thông qua tờ trình tăng thù lao cho HĐQT và Ban điều hành. Mức thù lao của HĐQT và Ban điều hành của ngân hàng được tính trên lợi nhuận sau thuế, thông thường tỷ lệ này dao động khoảng 2 - 4% trên lợi nhuận, tùy từng ngân hàng.

Tại Eximbank, dù lợi nhuận năm 2013 giảm gần 70% so với chỉ tiêu đưa ra là 3.200 tỷ đồng, nhưng tổng mức thù lao, phụ cấp trách nhiệm chuyên trách của HĐQT và Ban kiểm soát của Eximbank khả năng vẫn được duy trì tỷ lệ ban đầu là 1,5% lợi nhuận sau thuế như năm 2012.

Trước đó, năm 2012, tổng mức thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát Eximbank cũng được tính theo tỷ lệ 1,5% lợi nhuận sau thuế dù kết quả lợi nhuận đạt được trong năm 2012 của Eximbank sụt giảm mạnh, chỉ đạt 2.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và hơn 2.138 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, so với mức kế hoạch là 4.600 tỷ đồng và 3.400 tỷ đồng.

HĐQT Sacombank cho biết, năm qua đã thực hiện việc chi trả thù lao, thưởng cho các thành viên HĐQT và Ban kiểm soát với mức chi bằng 100% tổng quỹ thù lao được duyệt. Tại ĐHCĐ của Sacombank năm 2013, HĐQT còn trình cổ đông xin thêm 76 tỷ đồng thù lao. Căn cứ vào Nghị quyết của ĐHCĐ thường niên năm 2013, mức thù lao và kinh phí hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát năm 2012 tại Sacombank được thông qua là 2,5% lợi nhuận sau thuế.

Đồng thời, HĐQT Sacombank cũng xin thông qua mức thù lao 2% lợi nhuận sau thuế trong năm tài chính 2013 và con số này cũng rất khả thi khi Sacombank đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra.

Mùa ĐHCĐ đang đến gần là thời điểm các nhà băng lên kế hoạch trình cổ đông thông qua các khoản thù lao chi trả cho HĐQT và Ban điều hành, Ban kiểm soát. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề khiến không ít cổ đông, nhà đầu tư của ngân hàng bức xúc. Bởi trong khi chính sách cổ tức luôn được các nhà băng cắt giảm và rất ít khi được thực hiện đúng như kế hoạch xây dựng, thậm chí một số đơn vị còn mất khả năng chi trả cổ tức, thì thù lao HĐQT, Ban điều hành lại luôn được giữ nguyên.

Tin bài liên quan