Trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao

Trụ sở Tòa án nhân dân Tối cao

Ly kỳ vụ tranh chấp ngôi nhà phố cổ Hà Nội

Trong gần 10 năm với 6 bản án được ban hành nhưng chủ sở hữu căn nhà số 2 Hàng Bút, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vẫn không thể "chạm tay" vào tài sản hợp pháp của mình.

Hai thế hệ thay nhau đòi nhà

Căn nhà cổ tại số 2 Hàng Bút, có bằng khoán điền thổ số 25, tờ số 55, đăng ký trước bạ năm 1946, thuộc sở hữu của cụ Dư Thị Hảo, trú tại xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Năm 1954, cụ Hảo vào miền Nam buôn bán và bị “kẹt” lại, căn nhà số 2 Hàng Bút được giao cho vợ chồng ông Nguyễn Đắc Chính (con trai cụ Hảo) sử dụng liên tục đến năm 1968 thì cho ông Nhữ Duy Hải thuê tầng 1 và vợ chồng ông Phạm Hải Hoàn thuê tầng 2.

Từ năm 1975, cụ Hảo và gia đình liên tục đòi nhà cho thuê nhưng gia đình ông Hải không trả. Khi ông Hải mất, chị Nhữ Thị Vân (con ông Hải) tiếp tục sử dụng căn nhà và cũng không chịu trả lại nhà. Thậm chí, chị Vân và ông Hoàn còn bán toàn bộ căn nhà này cho vợ chồng chị Dương Thị Ngọc Lan và anh Nguyễn Hồng Sơn khiến cho việc đòi nhà của cụ Hảo càng trở nên khó khăn. Vì vậy, năm 2004, cụ Hảo khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc chị Vân, ông Hoàn trả lại nhà thuê.

Ngày 12 và 19/4/2005, TAND quận Hoàn Kiếm đã mở 2 phiên tòa để xét xử hai vụ kiện đòi  tầng 1 và tầng 2 nhà số 2 Hàng Bút. Tòa đều xác định rõ ràng quyền sở hữu tài sản của cụ Hảo đối với nhà số 2 Hàng Bút. Những hộ gia đình thuê nhà phải trả lại nhà cho thuê.

Những tưởng phán quyết của Tòa đã trả lại công bằng cho chủ sở hữu tài sản. Thế nhưng, liên tục từ năm 2005 đến nay, các bản án của Tòa án bị hủy lên hủy xuống vì các lỗi tố tụng trong việc xác định thẩm quyền xét xử và thu thập chứng cứ. Trong khi Tòa hủy án để xét xử lại thì cụ Hảo mất.

Bà Nguyễn Thị Châu, con cụ Hảo cùng những người thừa kế tiếp tục di nguyện của cụ Hảo theo đuổi vụ kiện. Gần đây nhất, sau khi xác định thẩm quyền, TAND TP Hà Nội đã thụ lý và xét xử vụ án.

Tại Bản án số 49/2010/DS-ST ngày 31/8/2010, cũng giống như các bản án trước đó, TAND TP Hà Nội đã xác định đây là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cụ Hảo, không thuộc đối tượng nhà vắng chủ, không thuộc đối tượng nhà do Nhà nước quản lý khi thực hiện chế độ cải tạo công thương. Vì vậy, Tòa buộc chị Dương Thị Ngọc Lan và anh Nguyễn Hồng Sơn, những người đang chiếm hữu căn nhà cùng chị Vân phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu.

 

Tiếp tục hủy án khiến vụ kiện kéo dài

Bản án này được Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm theo kháng cáo của chị Ngọc Lan và anh Hồng Sơn. Tại Bản án Phúc thẩm số 90/2011/DS-PT ngày 50/5/2011, xác định đầy đủ các chứng cứ và xét thấy, căn nhà số 2 Hàng Bút không thuộc diện nhà vắng chủ và cũng không thuộc diện nhà do Nhà nước quản lý và cho thuê (đã được Sở Xây dựng và UBND TP Hà Nội xác định rõ ràng trong văn bản gửi Tòa) mà có đủ căn cứ xác định đây là tài sản sở hữu hợp pháp của cụ Hảo, vì vậy, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao đã xử chấp nhận yêu cầu đòi nhà của cụ Hảo, buộc vợ chồng chị Lan, anh Sơn cùng chị Vân phải trả lại nhà số 2 Hàng Bút cho gia đình cụ Hảo.

Nhưng niềm vui mừng của gia đình cụ Hảo kéo dài không được bao lâu khi TANDTC có Kháng nghị số 187/2012/DS-KN ngày 25/5/2012, hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND TP Hà Nội và Tòa Phúc thẩm với lý do các văn bản của cơ quan chức năng không thống nhất với nhau về ngôi nhà số 2 Hàng Bút, cần phải “hỏi” cơ quan quản lý. Và, một lý do rất “không bình thường” nữa được đưa ra trong quyết định kháng nghị hủy hai bản án “hợp tình, đúng lý” là do gia đình cụ Hảo… không kiện đòi tầng 2 trong cùng một vụ án.

Hai lý do được nêu trong quyết định kháng nghị đã được cấp sơ thẩm và phúc thẩm xem xét rất kỹ khi phán quyết. Trong vụ việc này, thông tin về tình trạng sở hữu ngôi nhà số 2 Hàng Bút hoàn toàn không có mâu thuẫn mà đã được Sở Xây dựng và UBND TP Hà Nội khẳng định rất rõ ràng là “không phải nhà vắng chủ, không phải nhà thuộc diện Nhà nước quản lý”.

Trong Công văn ngày 12/3/2008 gửi UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng đã khẳng định “ngôi nhà số 2 Hàng Bút đứng tên bà Dư Thị Hảo, đăng ký năm 1946, không có hồ sơ quản lý Nhà vắng chủ và cũng không thấy thể hiện Nhà nước đã quản lý trong quá trình thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà đất. Hiện nay, ngành tài nguyên và môi trường cũng không quản lý và cho thuê tài biển số nhà này”.

Trong Công văn 2997/UBND-NNĐC ngày 16/5/2008 gửi TAND quận Hoàn Kiếm, UBND TP Hà Nội cũng khẳng định những nội dung như Sở Xây dựng đã nêu và khẳng định, việc đưa tên nhà số 2 Hàng Bút vào danh sách nhà phố cổ được giữ lại để bảo tồn, không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP là không phù hợp với hồ sơ lưu trữ về ngôi nhà do chưa rà soát cẩn thận.

Như vậy, “cơ quan chức năng” được đề cập trong Quyết định kháng nghị số 187/2012/DS-KN của TAND tối cao đã trả lời rất rõ ràng, không còn phải nghi ngờ gì nữa và đã được cấp sơ thẩm, phúc thẩm đánh giá rất đúng đắn, khách quan. Không hiểu quyết định giám đốc thẩm đòi hủy án để hỏi thêm điều gì hay chỉ hủy án để kéo dài nỗi đau khổ của chủ sở hữu bị chiếm dụng nhà, khiến “ma trận” tố tụng tiếp tục hành hạ chủ sở hữu tài sản?.

Luật sư Ngô Trung Kiên

Cấp giám đốc thẩm hủy án vì lý do đương sự không “kiện tầng 2” mà chỉ kiện tầng 1 là cực kỳ vô lý, trái pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự thì, Tòa án chỉ xét xử những gì mà đương sự khởi kiện và nộp án phí.

Nếu đương sự không kiện thì tòa không được xử nên không thể bắt đương sự phải kiện để tòa xử. Việc nại ra lý do “cần hỏi ý kiến cơ quan chức năng”  trong khi cơ quan chức năng đã có ý kiến rõ ràng và lý do “đương sự không kiện tầng 2” rõ ràng cho thấy sự tùy tiện trong quyết định kháng nghị.

Thực tế, có nhiều vụ kiện có vi phạm tố tụng và áp dụng luật không đúng thì không được kháng nghị nhưng vụ án này, lý do không thuyết phục vẫn được kháng nghị là không công bằng. Việc kéo dài vụ kiện bất lợi cho bị đơn này, bị đơn là người được lợi.