Dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát (đã đổi tên là Khu công nghiệp Suntec) được Tân Thành Long An bán cho đối tác khác theo hình thức cổ phần

Dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát (đã đổi tên là Khu công nghiệp Suntec) được Tân Thành Long An bán cho đối tác khác theo hình thức cổ phần

Ma trận đường đi dòng tiền trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - Bài 3: Đi đâu khoản 15.000 tỷ đồng Tân Thành Long An “ẵm” về?

0:00 / 0:00
0:00
TVSI thừa nhận là nhà đầu tư sơ cấp duy nhất mua trái phiếu Tân Thành Long An và đã chuyển đủ 5.000 tỷ đồng; là một trong những nhà đầu tư sơ cấp trái phiếu 10.000 tỷ đồng Vạn Trường Phát do Tân Thành Long An thế chấp tài sản bảo lãnh. Vậy 15.000 tỷ đồng Tân Thành Long An “ẵm” đã đi đâu khiến chủ mới Công ty này phải thốt lên “số dư tiền mặt, tiền gửi ngân hàng không đáng kể”?

Đã nhận đủ 15.000 tỷ đồng?

Hồ sơ chúng tôi thể hiện, vào ngày 28/5/2021, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát (Vạn Trường Phát) cùng Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An (Tân Thành Long An) đã ký thỏa thuận đặt cọc số 2085/TTĐC/Tizico-VTP. Theo đó, Vạn Trường Phát đặt cọc 10.000 tỷ đồng cho Tân Thành Long An để đảm bảo cho việc mua lại một phần Dự án Khu đô thị Việt Phát (trong Khu đô thị và công nghiệp Việt Phát) của Tân Thành Long An. 10.000 tỷ đồng đặt cọc sẽ được Vạn Trường Phát chuyển làm 5 đợt trong năm 2021, mỗi đợt 2.000 tỷ đồng.

Còn Tân Thành Long An thì “xẻo” một khu đất diện tích hơn 78 ha thuộc Dự án Khu Đô thị Việt Phát giao cho chi nhánh SCB giữ để làm tài sản đảm bảo cho Vạn Trường Phát phát hành trái phiếu để mua dự án nêu trên.

Sau đó, từ tháng 6/2021 tới đầu năm 2022, Vạn Trường Phát phát hành xong 5 đợt trái phiếu có tổng giá trị 10.000 tỷ đồng.

Tới tháng 7/2021, Tân Thành Long An thế chấp gần 300 ha đất trong Dự án Khu công nghiệp Việt Phát (nằm trong Dự án Khu công nghiệp và đô thị Việt Phát) để làm tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp này phát hành lô trái phiếu trị giá 5.000 tỷ đồng.

Với trái phiếu Tân Thành Long An, đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) xác nhận với 6 trái chủ ngụ tại Hà Nội rằng: “TVSI đã mua toàn bộ lô trái phiếu 5.000 tỷ đồng và đã trả hết tiền cho tổ chức phát hành. Các chứng từ thanh toán đã được cơ quan chức năng kiểm tra, hiện không có kết luận về sai phạm”.

Với trái phiếu Vạn Trường Phát, mới đây, TVSI xác nhận với trái chủ Đ.T.Tùng: “Là một trong những nhà đầu tư sơ cấp trái phiếu Vạn Trường Phát và hiện vẫn đang nắm giữ trái phiếu này”.

Như vậy, Tân Thành Long An cũng “ẵm” trọn 10.000 tỷ đồng, số tiền này, tiếng là đặt cọc, nhưng thực là nguồn thu từ tiền Vạn Trường Phát phát hành trái phiếu.

Bởi theo Thỏa thuận đặt cọc đã ký ngày 28/05/2021, Vạn Trường Phát phải chuyển cho Tân Thành Long An mỗi đợt 2.000 tỷ đồng vào các ngày 28/5/2021, 25/6/2021, 25/7/2021, 25/9/2021... Số tiền và mỗi đợt trả đó tương đương với số tiền Vạn Trường Phát phát hành mỗi đợt trái phiếu và ngày trả tiền thường sau ngày phát hành.

Mặt khác, khi phát hành trái phiếu, vốn chủ sở hữu của Vạn Trường Phát chỉ 2.000 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2019 và 2020 (khi còn tên cũ là Công ty cổ phần Đầu tư Star Zone), doanh thu của doanh nghiệp này là 0 đồng. Hoạt động bán hàng không phát sinh. Sau khi đổi tên thành Vạn Trường Phát, doanh nghiệp này thua lỗ liên tiếp, cuối năm 2020, nợ phải trả là 2.724 tỷ đồng.

Số dư tiền mặt… không đáng kể

Điều tra của chúng tôi, sau khi “ẵm trọn” 15.000 tỷ đồng trái phiếu, cũng tức là đã bán đứt một phần Dự án Khu đô thị Việt Phát cho Vạn Trường Phát (tiền từ lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng) Tân Thành Long An lại đem bán dự án theo hình thức cổ phần. Theo thông báo thay đổi cổ đông của doanh nghiệp này hồi tháng 9/2022, chủ nhân mới nắm giữ 99% cổ phần, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Tân Thành Long An là bà Võ Thị Kim Khoa (trước đó là ông Nguyễn Phạm Bảo Trung)

Thời điểm công bố chủ mới trên là trước khi Bộ Công an bắt bà Trương Mỹ Lan và yêu cầu rà soát ngăn chặn giao dịch, tài sản Tân Thành Long An liên quan Vạn Thịnh Phát. Tức là, chưa có kiểm soát gì về tiền và tài sản của Tân Thành Long An.

Thế nhưng, tại buổi làm việc ngày 7/4/2023 với TVSI, ông Trần Ngọc Đại (đại diện theo ủy quyền của chủ mới Tân Thành Long An) cho biết, thực trạng mà bên mua nhận bàn giao thì “số dư tiền mặt, tiền gửi ngân hàng của Tân Thành Long An không đáng kể?”.

Theo một chuyên gia tài chính, với thu chi thể hiện trong báo cáo tài chính năm 2021 của Tân Thành Long An, tiền không nằm trong Công ty, nhưng lại giúp Tân Thành Long An tăng quy mô tài sản từ 7.261,98 tỷ đồng lên 16.944,5 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu loại bỏ các giao dịch nhận vốn, rồi đi mua cổ phần bên thứ ba, Tân Thành Long An còn lại chủ yếu hơn 7.000 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản Dự án Khu đô thị Việt Phát. Việc tăng quy mô tài sản này là “chiêu” để doanh nghiệp có được nhiều điều kiện tốt trong việc vay vốn, đấu thầu Dự án…

Cũng theo ông Đại, ngoài các tài sản là quyền sử dụng đất đang thế chấp cho các gói trái phiếu (2 khu đất cho trái phiếu Vạn Trường Phát và Tân Thành Long An), thì chủ mới Tân Thành Long An cũng không rõ Công ty còn tài sản nào khác, do chưa thể hoàn tất việc rà soát thẩm định bởi hồ sơ nhận bàn giao rất hạn chế và không thể liên lạc được với bên bán.

Trong khi theo hồ sơ chúng tôi, trước khi thế chấp 2 khu đất làm tài sản đảm bảo phát hành trái phiếu, trong 2 năm 2018 và 2019, Tân Thành Long An đã thế chấp quyền sử dụng đất 2 thửa đất số 421, 422 cho nhiều chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để bảo đảm cho hàng chục công ty khác vay vốn hơn 33.000 tỷ đồng. Trong số đó có nhiều doanh nghiệp bị cơ quan công an ngăn chặn giao dịch tài sản do liên quan Vạn Thịnh Phát như Công ty cổ phần Rise Crown (vay 260 tỷ đồng); Công ty cổ phần Giant Ascent (880 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư Gimpo (64 tỷ đồng); Công ty cổ phần Glorious Diamond (890 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư Double First (hơn 777 tỷ đồng); Công ty cổ phần Phát triển Royal Palace (hơn 222 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư New Wind (hơn 331 tỷ đồng)…

Sau đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng 2 thửa đất đã được giải chấp, nhưng SCB lại đem giao cho các đơn vị được đảm bảo mà không hoàn trả cho Tân Thành Long An.

Hàng ngàn tỷ đồng mua lại cổ phần cá nhân từ nguồn nào?

Như đã nêu, trong năm 2021, Tân Thành Long An phát hành và bảo lãnh phát hành trái phiếu thu về 15.000 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính kết thúc năm 2021 được kiểm toán của doanh nghiệp này thể hiện, tại thời điểm 31/12/2020 (trước năm 2021), Tân Thành Long An công bố tổng tài sản trên 7.261 tỷ đồng. Trong đó hơn 6.346 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang (chi phí xây dựng Dự án Khu công nghiệp Việt Phát), chiếm 87,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn là 826,28 tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Đối ứng cho phần tài sản, nguồn vốn Tân Thành Long An sử dụng chủ yếu phải trả dài hạn là gần 5.000 tỷ đồng (các khoản hợp tác góp vốn dự án), chiếm 68,2% tổng nguồn vốn; vốn chủ sở hữu là 1.918,1 tỷ đồng, chiếm 26,4% tổng nguồn vốn.

Như vậy, đầu năm 2021 (chưa phát hành và thế chấp phát hành trái phiếu), Tân Thành Long An được cho là sử dụng nguồn vốn từ các hợp đồng hợp tác với cá nhân, tổ chức cũng như tiền góp vốn của chủ sở hữu để đầu tư Dự án Khu công nghiệp Việt Phát (?).

Tuy nhiên, sau đó, tính tới thời điểm 31/12/2021 (đã phát hành và bảo lãnh phát hành thành công 15.000 tỷ đồng trái phiếu), báo cáo tài chính của Tân Thành Long An có nhiều biến động về cả nguồn vốn và tài sản.

Trong đó, về phần nguồn vốn, các khoản hợp tác góp vốn giảm từ hơn 4.891 tỷ đồng, về 127 tỷ đồng, tức giảm trên 4.764 tỷ đồng. Ngược lại, Công ty phát sinh thêm khoản trái phiếu trị giá hơn 5.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, mục đích số tiền phát hành trái phiếu nêu trên là dùng để đầu tư Dự án Khu công nghiệp Việt Phát. Nhưng theo báo cáo tài chính, khi phát sinh trái phiếu trị giá hơn 5.000 tỷ đồng, thì khoản hợp tác góp vốn giảm xuống tương ứng, chênh lệch này không đáng kể.

Cũng trong phần nguồn vốn của báo cáo tài chính của Tân Thành Long An, lần đầu tiên xuất hiện khoản phải trả ngắn hạn khác gần 9.400 tỷ đồng (đầu năm 0 tỷ đồng), trong đó, đáng chú ý phải trả ngắn hạn của Vạn Trường Phát lên tới gần 8.800 tỷ đồng.

Về phần tài sản, tính tới cuối năm 2021, tổng tài sản tăng thêm hơn 9.682 tỷ đồng, lên gần 17.000 tỷ đồng. Trong đó, phát sinh tăng chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn khác tăng thêm tới hơn 8.900 tỷ đồng, lên trên 9.300 tỷ đồng.

Tân Thành Long An thuyết minh số tiền hơn 9.300 tỷ đồng phải thu ngắn hạn chủ yếu do số tiền hơn 8.355 tỷ đồng phải thu ứng tiền mua cổ phần của 26 cá nhân.

Như vậy, nếu các nguồn vốn từ hợp đồng hợp tác đầu tư và phát hành trái phiếu bù trừ cho nhau, thì phát sinh nguồn vốn lớn nhất trong năm 2021 đến từ việc Công ty nhận khoản vốn gần 8.800 tỷ đồng từ Vạn Trường Phát.

Sau giao dịch “bơm” tiền (tiếng là tiền cọc, thực chất là tiền thu trừ phát hành trái phiếu) của Vạn Trường Phát, số vốn mới huy động tương ứng khoản tiền hơn 8.355 tỷ đồng được Tân Thành Long An sử dụng để… mua lại cổ phần của 26 cá nhân.

Từ các dữ liệu trên, vấn đề là có vốn góp, cổ phần có thực hay không? Làm rõ điều này hẳn nằm trong “tầm” của cơ quan chức năng, bởi sẽ giúp doanh nghiệp giải tỏa được nghi vấn dùng tiền trái phiếu để chi cho các cá nhân, tổ chức góp vốn “ảo”.

(Còn tiếp)

Tin bài liên quan