Malaysia gánh thêm thâm hụt tài khóa do chống dịch Covid-19

Thâm hụt tài khóa của Malaysia ước tính tăng lên 4% GDP trong năm 2020 do nước này áp dụng gói kích thích 58 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế trước cú sốc dịch Covid-19.
Gói hỗ trợ kinh tế trị giá 250 tỷ ringgit (58 tỷ USD) được chính phủ Malaysia áp dụng chống dịch Covid-19 sẽ gồm khoản kích thích tài khóa 25 tỷ ringgit. Ảnh: AFP

Gói hỗ trợ kinh tế trị giá 250 tỷ ringgit (58 tỷ USD) được chính phủ Malaysia áp dụng chống dịch Covid-19 sẽ gồm khoản kích thích tài khóa 25 tỷ ringgit. Ảnh: AFP

Hãng tin Reuters dẫn nội dung trả lời phỏng vấn báo chí địa phương của Bộ trưởng Tài chính Tengku Zafrul Tengku Abdul Aziz cho biết thâm hụt tài khóa năm 2020 của Malaysia sẽ cao hơn mức 3,2% được dự kiến cuối năm ngoái.

“Trong tình hình hiện nay... chúng tôi cho rằng chúng tôi sẽ kết thúc (năm 2020) với mức thâm hụt tài khóa khoảng 4,0%”, Bộ trưởng Aziz cho biết.

Tuần trước, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết chính phủ nước này sẽ tung ra gói hỗ trợ kinh tế trị giá 250 tỷ ringgit (58 tỷ USD), bao gồm gói kích thích tài khóa 25 tỷ ringgit.

Theo Bộ trưởng Aziz, phần còn lại trong gói hỗ trợ kinh tế sẽ được huy động từ các cơ quan chính phủ và các bên liên quan trong hệ sinh thái của chính phủ và một số nguồn vay địa phương.

Vị bộ trưởng không chỉ đích danh các cơ quan chính phủ có trách nhiệm đóng góp cho gói kích thích kinh tế, nhưng cho biết doanh nghiệp liên kết với nhà nước sẽ phải tiếp tục chi tiêu và tăng tốc hoạt động, còn các dự án lớn ở Malaysia vẫn phải tiếp tục triển khai để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Astro Awani, Bộ trưởng Tài chính Malaysia cho biết chính phủ nước này đang kỳ vọng giá dầu sẽ đứng quanh mức 35 - 40 USD/thùng, giảm gần 1/2 so với mức dự báo trước đó. Ngân sách của Malaysia hiện phụ thuộc một phần vào doanh thu của công ty dầu khí quốc gia Petronas. Giá dầu đi xuống đồng nghĩa với lợi nhuận của Petronas bị sụt giảm và chi trả cổ tức cũng giảm theo.

Malaysia hiện có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Á với hơn 2.500 trường hợp. Nước này đã buộc đóng cửa các hoạt động sản xuất kinh doanh không cần thiết, hạn chế người dân đi lại và du lịch để ngăn sự lây lan của virus.

Tin bài liên quan