Mạnh tay với vi phạm quản trị công ty

Mạnh tay với vi phạm quản trị công ty

(ĐTCK) Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam dần thoát khỏi tình cảnh “đội sổ” về quản trị công ty trong ASEAN, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang đề xuất một số chế tài mới theo hướng mạnh tay hơn với các hành vi vi phạm quản trị công ty.

Nhiều vi phạm

Từ đầu năm đến nay, trong số nhiều vi phạm bị UBCK xử phạt và công khai thông tin rộng rãi, có không ít hành vi vi phạm liên quan đến quản trị công ty.

Hành vi phổ biến bị UBCK xử phạt là vi phạm về giao dịch chứng khoán của thành viên HĐQT, hoặc cán bộ quản lý khác và người có liên quan của các đối tượng này. Mới đây, UBCK đã phạt Mekong Portfolio Investments Limited 70 triệu đồng, vì từ ngày 8 - 22/12/2015, tổ chức này (liên quan đến ông Tony Xuân Diệp, thành viên HĐQT của CTCP Xây dựng Cotec - mã chứng khoán CTD) đã bán 62.700 cổ phiếu CTD, nhưng không báo cáo UBCK, Sở GDCK TP. HCM trước khi thực hiện giao dịch. Hay như trường hợp ông Đỗ Hiên Ngang, Chủ tịch HĐQT CTCP Thiết kế Công nghiệp hóa chất (CEC) bị UBCK phạt 35 triệu đồng, do đăng ký mua 80.000 cổ phiếu CEC trong thời gian dự kiến từ ngày 3 - 28/8/2015 và đã mua số lượng cổ phiếu này từ ngày 4 - 14/8/2015, nhưng đến ngày 3/9/2015, Sở GDCK Hà Nội (HNX) mới nhận được báo cáo kết quả giao dịch của ông Ngang...

Hành vi bị xử phạt phổ biến khác là vi phạm về thời hạn công bố thông tin. Mới đây, UBCK đã phạt CTCP Xây dựng hạ tầng Sông Đà 60 triệu đồng, do công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của HNX không đúng thời hạn theo quy định các tài liệu: báo cáo tài chính quý IV/2013 công ty mẹ và hợp nhất; báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2013; báo cáo tài chính năm 2013, công ty mẹ và hợp nhất đã được kiểm toán; báo cáo tài chính năm 2014 hợp nhất đã được kiểm toán, báo cáo thường niên năm 2014... 

Thêm chế tài xử phạt

Theo một chuyên gia về quản trị công ty, ở những nước mà TTCK đã phát triển, nhà đầu tư chuyên nghiệp và có am hiểu sâu thị trường, các doanh nghiệp niêm yết luôn chịu áp lực phải nâng cao chất lượng quản trị công ty. Đây cũng là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tự giác nâng cao chất lượng quản trị công ty. Tuy nhiên, ở những TTCK có mức độ phát triển chưa cao như Việt Nam, không thể quá trông chờ các doanh nghiệp tự giác trong áp dụng các chuẩn mực tiến bộ về quản trị công ty theo thông lệ quốc tế.

Điều này đòi hỏi nhà quản lý phải đặt ra mức sàn về quản trị công ty, để vừa đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng sâu rộng, vừa đáp ứng nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng sức hấp dẫn cho TTCK. Từ mức sàn này, nếu các doanh nghiệp không tuân thủ thì sẽ áp dụng các chế tài xử lý.

Với định hướng đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, mà UBCK đang lấy ý kiến các thành viên thị trường, có bổ sung một số chế tài xử lý mới đối với các hành vi vi phạm quy định về quản trị công ty.

Theo đó, lần đầu tiên UBCK đề xuất phạt từ 70 - 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về: ứng cử, đề cử thành viên HĐQT, Ban kiểm soát; về cơ cấu thành viên HĐQT; về giao dịch với người có liên quan hoặc giao dịch với cổ đông, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, tổng giám đốc, cán bộ quản lý khác và người có liên quan của các đối tượng này…

Một chế tài mới nữa UBCK đề xuất áp dụng là phạt từ 50 - 70 triệu đồng đối với thành viên HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, tổng giám đốc và cán bộ quản lý khác của công ty thực hiện kiêm nhiệm chức danh không đúng quy định pháp luật.

Để tăng tính răn đe đối với các vi phạm về giao dịch chứng khoán của người nội bộ tại công ty đại chúng, cổ đông lớn, NĐT sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của một quỹ đại chúng, người được ủy quyền công bố thông tin…, tại Dự thảo, UBCK đề xuất mở rộng các đối tượng bị xử lý khi vi phạm. T

heo đó, áp dụng mức phạt từ 50 - 70 triệu đồng đối với người nội bộ của công ty đại chúng, người nội bộ quỹ đại chúng và người có liên quan thực hiện mua và bán chứng khoán của công ty đại chúng không đúng thời hạn quy định, hoặc đồng thời mua và bán chứng khoán của công ty đại chúng hoặc chứng chỉ quỹ, quyền mua chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng trong cùng một đợt đăng ký.

Ngoài ra, để nâng chất quản trị công ty theo chuẩn quốc tế, cũng như cập nhật các quy định mới về quản trị công ty tại Luật Doanh nghiệp 2014 và các quy định pháp lý liên quan, UBCK đang sửa đổi Thông tư 121/2012/TT-BTC quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng.           

Tin bài liên quan