Mập mờ thông tin: Các bên đều “dính đòn”!

Mập mờ thông tin: Các bên đều “dính đòn”!

(ĐTCK) Sự sụp đổ của những “đế chế” bất động sản một thời như CTCP Xây dựng và Dịch vụ 1/5, Tập đoàn Housing Group, Vina Megastar, VN Land hay VNCB mới đây đều xuất phát từ sự không rõ ràng của các dự án đầu tư. 

Những bài học đau đớn buộc người tham gia thị trường tới đây dù muốn hay không cũng phải tuân thủ “cuộc chơi” một cách minh bạch.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Theo nội dung Nghị định, những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh bất động sản bao gồm: Cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, không đúng thời hạn; làm sai lệch, hư hỏng, thất thoát thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; chiếm giữ, tiêu huỷ trái phép, làm hư hại thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản; khai thác, sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trái với quy định của pháp luật; cản trở việc khai thác, sử dụng thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định…

Theo một số cán bộ quản lý ngành xây dựng, trong số các nghị định cụ thể hóa Luật Kinh doanh bất động sản 2014, việc xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất.

Ý tưởng về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản của Lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB chỉ là vỏ bọc cho những việc làm khuất tất và đã phát lộ không lâu sau đó.

Có thể còn những điểm cần hoàn thiện, nhưng đây vẫn là cơ sở pháp lý cần thiết, đặt nền móng cho một thị trường bất động sản minh bạch, giảm thiểu những rủi ro không đáng có cho tất cả các bên tham gia thị trường. Thực tiễn chu kỳ phát triển 10 năm (2004 - 2014) của thị trường bất động sản Việt Nam, nhiều vụ án làm “tan cửa nát nhà” của cả bị cáo lẫn bị hại đều có nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu minh bạch thông tin trong lĩnh vực bất động sản.

Vụ việc gần đây nhất và cũng có mức độ thiệt hại lớn nhất có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, xây dựng phải kể đến vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Theo Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an), sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu (ngày 6/9/2012), Ban lãnh đạo VNBC đã lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân.

Trước đó, Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB từng được biết đến là những đơn vị đi đầu trong việc đề xuất “giải cứu” thị trường bất động sản (khi đó đang khủng hoảng trầm trọng) với gói “tín dụng liên kết” trị giá 50.000 tỷ đồng giữa 3 bên là chủ đầu tư dự án - nhà cung cấp vật liệu xây dựng và các ngân hàng thương mại (trong đó, VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh giữ vai trò chủ chốt). Rất tiếc, ý tưởng về gói tín dụng 50.000 tỷ đồng của Lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB chỉ là vỏ bọc cho những việc làm khuất tất và đã phát lộ không lâu sau đó.

Là một trong những người tích cực ủng hộ “gói tín dụng 50.000 tỷ đồng” của VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh, bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch CTCP Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất (Housing Group) - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam vì một dự án bất động sản khác. Liên quan đến vụ việc này, hàng loạt quan chức chính quyền địa phương, nhiều Sở, ngành của Hà Nội cũng đã phải nhận án kỷ luật.

Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có Quyết định số 331/QĐ-TTr về thanh tra làm rõ nội dung công dân khiếu nại, tố cáo và báo chí phản ánh vi phạm của một số chủ đầu tư dự án bất động sản trên địa bàn TP. Hà Nội. Cụ thể, đoàn thanh tra Bộ Xây dựng sẽ thanh tra 4 dự án Chung cư Yên Hòa - Thăng Long (Chủ đầu tư Công ty TNHH Thăng Long), Dự án Sky City 88 Láng Hạ (Chủ đầu tư Công ty TNHH HANOTEX), Trụ sở CTCP Tư vấn và Đầu tư Xây dựng CICC Hà Nội (Chủ đầu tư sở CTCP Tư vấn và Đầu tư Xây dựng CICC Hà Nội), Tòa nhà LOD số 38 Trần Thái Tông (Chủ đầu tư CTCP Hợp tác Lao động Nước ngoài - LOD, đơn vị nhận chuyển nhượng dự án là Tập đoàn Phúc Lộc).

Theo kết quả điều tra được công bố, từ năm 2008 đến 2014, tại Dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn (Hà Nội), dù chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp giấy phép xây dựng, nhưng bà Châu Thị Thu Nga và đồng phạm đã tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn và thu hơn 377 tỷ đồng của nhà đầu tư, đến nay không còn khả năng chi trả.

Thủ đoạn mà bà Nga áp dụng tại Dự án khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn (Hà Nội) cũng đã từng được Lê Hồng Bàng và đồng phạm tại CTCP Sàn Bất động sản Việt Nam áp dụng tại một dự án hoàn toàn không có thực. Năm 2009, chỉ với tấm bản đồ địa chính huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm), Lê Hồng Bàng đã dựng ra các dự án “ma”, ký 578 hợp đồng vay vốn với 397 người có nhu cầu mua căn hộ, thu về tổng cộng hơn 347 tỷ đồng và chiếm đoạt phần lớn số tiền này.

Tương tự, năm 2010, ông  Lê Hòa Bình, Chủ tịch CTCP Xây dựng và Dịch vụ 1/5 cùng các đồng phạm sử dụng các bản hợp đồng cho vay vốn hợp tác đầu tư với CTCP Phát triển địa ốc Cienco5 - chủ đầu tư dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco5 (Hà Đông, Hà Nội) để lừa đảo. Dù các bản hợp đồng vay vốn hợp tác đầu tư đã bị phía nhận góp vốn (CTCP Phát triển địa ốc Cienco5) thanh lý, hết hiệu lực pháp luật, nhưng Lê Hòa Bình và đồng phạm tại CTCP Xây dựng và Dịch vụ 1/5 vẫn sử dụng để ký 463 hợp đồng giao vốn nhận quyền sử dụng đất, thu về gần 790 tỷ đồng. Hậu quả là khi Lê Hòa Bình phải lĩnh án chung thân, khi cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản Công ty 1/5, thì đã có hơn 200 tỷ đồng của khách hàng không cánh mà bay.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới các vụ việc đau lòng của thị trường bất động sản. Ngoài sự dễ dãi trong việc thẩm định, cấp phép dự án bất động sản của cơ quan quản lý, lòng tham của nhà đầu tư…, thì nguyên nhân sâu xa dẫn đến những vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn trong lĩnh vực bất động sản là sự “tù mù” của thị trường này.

Hy vọng, Nghị định về minh bạch thông tin sẽ có tác dụng thực tế, vén dần những tấm màn tù mù đó.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan