Ảnh Shutter

Ảnh Shutter

Margin 112.000 tỷ đồng, con số đó đã là "quá lớn"?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự bùng nổ của thị trường đã kéo theo nhu cầu sử dụng margin rất cao, trong khi các công ty chứng khoán chưa thể tăng vốn ngay khiến tình trạng margin thường xuyên full tại các công ty chứng khoán từ khoảng tháng 12/2020 đến nay.

Mức định giá vẫn chưa "đắt"

Các năm trước đây, nói đến căng cứng margin, full margin tại các công ty chứng khoán luôn được xem là nhạy cảm, là tín hiệu thị trường có thể tạo đỉnh ngắn hạn, bởi khi tình trạng này xảy ra sẽ gây ra hiệu ứng bán tháo những lúc có dấu hiệu điều chỉnh mạnh trong phiên. Thực tế, giới đầu tư đã chứng kiến nhiều phiên giảm mạnh để giảm margin, rồi tình trạng call margin diễn ra diện rộng khiến thị trường chao đảo, nhiều phiên giảm mạnh ở giai đoạn trước Tết cũng một phần vì lý do nhà đầu tư bán mạnh để giảm margin.

Trong phiên sáng nay (7/6), dòng cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán cũng có điều chỉnh mạnh, nhiều cổ phiếu giảm sàn la liệt,...

Các nhà đầu tư lâu năm, nhà đầu tư lớn trên thị trường đã sớm có dự báo về diễn biến này, với luận điểm chính là nhiều cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá xa so với định giá, chủ yếu lên nhờ dòng tiền thị trường, nên nhịp chỉnh là cần thiết để thị trường đi lên bền vững hơn. Đây là lúc VN-Index hạ nhiệt được, và việc hạ margin được là tốt cho thị trường.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, các công ty chứng khoán gặp tình trạng căng nguồn margin thường xuyên hơn trong tháng 5, nhưng do tốc độ vòng quay cổ phiếu của các nhà đầu tư cũng nhiều hơn và dòng tiền mới của nhà đầu tư rất dồi dào, nên giúp thị trường vẫn đi lên.

Điều này cũng được ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI chia sẻ tại ĐHCĐ tháng 5 vừa qua, rằng, năm 2021 là năm phát triển tốt cho TTCK, vì chưa nhìn thấy các rủi ro lớn của khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, lượng tiền chuyển từ tiết kiệm sang chứng khoán lớn tới mức độ khi trước đây, công ty chứng khoán hết margin thì thị trường ảnh hưởng nhiều, nhưng nay kể cả công ty chứng khoán lớn hết margin, phải giảm room margin thì thị trường vẫn tăng, tiền vẫn vào.

Tuy nhiên, diễn biến cần lưu ý là trong tuần trước, trong bối cảnh VN-Index thiết lập đỉnh mới, trong đó dòng cổ phiếu ngân hàng là nhân tố quan trọng đưa chỉ số đi lên, thì ở một vài công ty chứng khoán đã có động thái siết hơn việc cấp marign cho nhóm này, đồng thời, ở các công ty chứng khoán lớn cũng “cạn nguồn” margin.

Luồng thông tin cũng cho biết, bên cạnh margin từ công ty chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cũng tìm kiếm đến bên thứ 3 để sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ cao hơn (từ hợp đồng hợp tác 3 bên, từ các kho), nhưng nguồn ở các bên này cũng đang tình trạng “không dư dả gì”.

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích Công ty chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, VN-Index đã chinh phục được mốc 1.300 điểm trong tháng 5. Với đà tăng giá mạnh mẽ, sự lạc quan của thị trường và sự gia tăng thanh khoản đáng kể, Mirae Asset kỳ vọng vào kịch bản lạc quan nhất là VN-Index sẽ chinh phục ngưỡng 1.500 điểm trong năm nay.

Ông Lê Quang Minh cho rằng, thị trường có thể điều chỉnh trong ngắn hạn do áp lực chốt lời sau khi thị trường đã tăng 4 tháng liên tiếp

Ông Lê Quang Minh cho rằng, thị trường có thể điều chỉnh trong ngắn hạn do áp lực chốt lời sau khi thị trường đã tăng 4 tháng liên tiếp

Ông Minh cho biết, cả phương pháp so sánh tương đối với các thị trường khác và thống kê lịch sử đều cho tháy mức định giá hiện tại của thị trường vẫn chưa ”đắt”, do đó, ủng hộ cho khả năng xảy ra kịch bản lạc quan này.

Tuy nhiên, thị trường có thể điều chỉnh trong ngắn hạn do áp lực chốt lời sau khi thị trường đã tăng 4 tháng liên tiếp (VN-Index: +26%), đặc biệt là các cổ phiếu vốn hóa lớn đã có mức tăng vượt trội hơn so với thị trường chung và đang ở mức đỉnh lịch sử.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 11,6% so với cùng kỳ, chậm lại so với tốc độ tăng của tháng 4 (tăng 24%), do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4, gây ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp.

Trong khi đó, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 5 giảm 1% so với cùng kỳ (so với mức tăng 30,9% theo năm của tháng 4/2021). Rủi ro chính cho hoạt động bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng là sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19 có thể kéo dài do đợt dịch lần này phức tạp hơn vì nhiều nguồn lây khác nhau.

Trong ngắn hạn, thị trường có thể phản ánh những dấu hiệu chững lại của yếu tố vĩ mô, như chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu dùng trong nước đang chậm lại. Điều này dẫn tới kỳ vọng GDP quý II sẽ tăng trưởng thấp hơn dự báo, khiến GDP cả năm có thể bị ảnh hưởng.

Bên cạnh yếu tố vĩ mô, ông Minh nhấn mạnh, thanh khoản thị trường tăng lên nhanh chóng cũng có thể gây áp lực đến khả năng cung cấp margin cho nhà đầu tư. Giá trị khớp lệnh bình quân trong tháng 5 trên HOSE tăng 22% so với tháng 4, lên lên gần 22.000 tỷ đồng/ngày. Đáng chú ý, giá trị giao dịch ngày 31/5 lên mức kỷ lục gần 24.000 tỷ đồng, thậm chí còn tiếp tục tăng cao trong những phiên đầu tháng 6.

Theo ông Minh, sự gia tăng đột biến của giá trị giao dịch có thể làm cho nhu cầu vay margin tăng đột biến trong ngắn hạn, vượt xa khả năng cung cấp của nhiều công ty chứng khoán. Dù nhiều công ty chứng khoáng đang đẩy nhanh hoạt động tăng vốn, nhưng việc tăng vốn cần có thời gian để hoàn thành các thủ tục pháp lý. Đây cũng có thể là khoảng trống tạo ra sự rung lắc nhất định cho thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Minh, khoảng trống này sẽ sớm được khắc phục, vì nhu cầu của cả nhà đầu tư và công ty chứng khoán.

Margin không đáng ngại

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Nam, trong lịch sử, thông thường PE 18 lần là hợp lý cho chỉ số VN-Index, hiện nay mức PE trailing là 17,8 lần, sát mốc hợp lý. Nếu PE trên mức này, giá cổ phiếu không còn rẻ nữa, nên thị trường sẽ điều chỉnh để cân bằng lại để tạo ra động lực tăng tiếp.

Trả lời câu hỏi liệu thị trường khi nào điều chỉnh, ông Minh cho biết, để dự đoán thị trường khi nào điều chỉnh cần phải phân tích nguồn gốc đi lên của thị trường. Thị trường đi lên thời gian qua là nhờ nhóm ngân hàng dẫn sóng. Do vậy, khi nhóm này không còn tăng mạnh và giảm thì thị trường điều chỉnh. Trong khi đó, với các nhóm cổ phiếu tăng nóng như thép, ngân hàng, khó tăng mạnh trong ngắn hạn.

Về margin, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng, đây chỉ là một hiệu ứng đi sau nhịp chỉnh của thị trường. Ước tính, khi thị trường giảm tầm 4 - 5% thì sẽ có hiệu ứng bán chủ động của nhà đầu tư để hạ margin. Các công ty chứng khoán cũng sẽ dần thu hẹp margin để giảm rủi ro. Khi thị trường tiếp tục giảm 7 - 8%, tình trạng call margin sẽ diễn ra. Phiên sáng nay (7/6) mới chỉ là điều chỉnh, xu hướng giảm chưa xác nhận.

Thực tế cũng cho thấy, quy mô giao dịch trung bình mỗi phiên đang tăng chóng mặt từ năm 2020 đến nay, khiến dòng tiền margin được nhiều nhà đầu tư lâu năm nhìn nhận như “muối bỏ biển”.

Cuối năm 2018, tổng dư nợ margin khoảng 33.278 tỷ đồng, cuối năm 2019 khoảng 57.900 tỷ đồng, cuối năm 2020 là 80.900 tỷ đồng. Cuối quý I/2021, con số này khoảng hơn 110.000 tỷ đồng (theo thông tin mới nhất do UBCK chia sẻ là 112.000 tỷ đồng).

Tổng vốn hóa thị trường trong năm 2018 đạt hơn 3,96 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, vốn hóa tại sàn HOSE vẫn là lớn nhất với 2,87 triệu tỷ đồng (tăng 10% so với 2017). Thanh khoản trung bình mỗi phiên giai đoạn 2018-2019 tầm 3.000-5.000 tỷ đồng, năm 2020 giá trị giao dịch bình quân năm 2020 đạt trên 7.420 tỷ đồng/phiên.

Tính đến cuối tháng 5/2021, chỉ tính riêng trên sàn HOSE, giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,97 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 79,09% GDP năm 2020 (GDP theo giá hiện hành). Thanh khoản trong 4 tháng đầu năm ở mức bình quân 16.700 tỷ đồng/phiên, còn chỉ trong tháng 5 lên đến gần 22.000 tỷ đồng/phiên. Trên HNX, giá trị vốn hóa thị trường tại thời điểm cuối tháng 5 đạt hơn 392 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối tháng trước.

Với các con số trên, nhiều ý kiến chuyên gia phân tích cũng như các nhà đầu tư “thực chiến”, kỳ cựu bám sàn cho rằng, tỷ lệ nợ vay/tổng tài sản mặt bằng chung đang giảm lại, và rủi ro cũng như vai trò của vay nợ (margin) ngày càng giảm sút.

Trước năm 2020, mỗi lần dòng tiền margin căng ở các công ty chứng khoán, thì TTCK thường “gãy mạnh”, chủ yếu do tỷ lệ cho vay tính trên thanh khoản thị trường quá cao, dòng tiền nhà đầu tư tham gia thị trường quá thấp. Chính vì thế, nếu giả định phải xử lý toàn bộ lượng margin trên thị trường giai đoạn trên, thậm chí cần đến cả tuần giao dịch (do thanh khoản yếu kém). Nhưng nay hoàn toàn khác, tại nhiều công ty chứng khoán lớn, tình trạng “giành nhau margin” diễn ra, dành room cho vay của công ty chứng khoán, nhiều cổ phiếu hết room margin, nên xảy ra tình trạng “mua sớm thì còn, mua chậm là hết margin để dùng”, theo tiết lộ của lãnh đạo một công ty chứng khoán.

Dòng tiền mới, tiền tươi ồ ạt vào thị trường thể hiện qua tài khoản mở mới và lượng tiền nhà đầu tư nằm tại công ty chứng khoán tăng vọt. So sánh nhanh cho thấy, dư nợ margin 112.000 tỷ đồng (tính tới cuối quý I/2021), tăng khoảng 38% so với cuối năm 2020, nhưng thanh khoản thị trường lại tăng gấp mấy lần các năm trước. Dù margin các công ty chứng khoán thường xuyên căng, nhưng thanh khoản lại được đẩy lên mỗi phiên, cho thấy tiền tươi của nhà đầu tư tham gia thị trường tăng lên rõ rệt.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc thị trường tăng mạnh thì cần có phiên điều chỉnh để cân bằng, để dòng tiền chảy vào đúng chỗ hơn là cần thiết để thị trường bền vững hơn, nhưng chắc chắn, thị trường điều chỉnh giảm không phải là do tình trạng margin căng cứng buộc dẫn đến bán giải chấp trên thị trường.

Tin bài liên quan