Luật sư Hồ Anh Khoa

Luật sư Hồ Anh Khoa

Margin: nhiều bất cập khiến CTCK phải đi đường vòng

(ĐTCK) Luật sư Hồ Anh Khoa, Công ty Luật Basico cho rằng, những quy định bất cập trong hoạt động giao dịch ký quỹ chứng khoán (margin) khiến các CTCK khó thực hiện và nhiều khi phải “đi đường vòng”. 

Theo ông, Quy chế giao dịch margin được thực hiện hơn 3 năm qua có những bất cập gì?

Trước hết, nói về những điều khoản cụ thể quy định trong Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 637/QĐ-UBCK ngày 30/8/2011 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), có một số quy định cốt lõi làm khó cho người thực thi và để lại rủi ro.

Giao dịch ký quỹ bản chất là việc CTCK cho NĐT vay tiền theo một tỷ lệ nhất định để mua chứng khoán. Tài sản bảo đảm cho khoản vay này chính là chứng khoán. Ở đây tài sản được đưa vào bảo đảm theo biện pháp nào? Cầm cố hay thế chấp?

Theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 8 về “Tài khoản giao dịch ký quỹ” trong Quy chế thì tài sản là tiền mặt, chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ và các quyền liên quan đến chứng khoán là tài sản thế chấp cho các khoản vay. Nhưng xét về logic pháp lý, cùng quy phạm thực định tại một số văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn (ví dụ Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm, Thông tư số 74/2011/TT-BTC hướng dẫn giao dịch chứng khoán) thì trường hợp này đối với chứng khoán phải áp dụng biện pháp bảo đảm là cầm cố mới thực sự hợp lý.

Một điểm bất cập nữa là việc xác định loại tài sản được sử dụng để bảo đảm cho khoản vay margin. Theo Quy chế, NĐT chỉ được bảo đảm và CTCK chỉ được nhận bảo đảm bằng tiền và chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ (điểm c, khoản 3, Điều 8 về “Tài khoản giao dịch ký quỹ”). Điều này kéo theo nhiều vướng mắc cho cả đôi bên.

Ví dụ, quy định về hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ yêu cầu tổng số chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ của một CTCK không được vượt quá 5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết (khoản 4, Điều 13 về “Hạn mức cho vay giao dịch ký quỹ”).

Qua thực tế, chúng tôi thấy câu chữ như vậy có thể gây ra lúng túng về cách hiểu yêu cầu của quy định này. Cụm từ “5% tổng số chứng khoán niêm yết của một tổ chức niêm yết” khiến người ta hiểu đó là 5% của một mã chứng khoán. Vậy “tổng số chứng khoán cho vay giao dịch ký quỹ của một CTCK” tính trên toàn bộ các mã chứng khoán cho vay ký quỹ hay một mã chứng khoán?

Bên cạnh đó, Quy chế còn yêu cầu tách biệt tiền, chứng khoán giữa tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường và tài khoản ký quỹ của NĐT. Đồng thời, để đủ điều kiện vay ký quỹ, NĐT phải bảo đảm tỷ lệ ký quỹ theo quy định; tỷ lệ ký quỹ được xác định giữa tài sản thực có trên tài khoản ký quỹ và tổng tài sản trên tài khoản ký quỹ.

Theo như câu chữ quy định tại Quy chế, với lần giao dịch đầu tiên, tài khoản giao dịch ký quỹ bằng 0 thì xác định tỷ lệ như thế nào; trong khi nếu tài sản của khách hàng còn tiền thì tiền này vẫn phải trong tài khoản giao dịch thông thường. Do đó, CTCK phải làm thêm một bước là “bốc” từ tài khoản giao dịch thông thường sang tài khoản ký quỹ, rồi mới được hạch toán cho vay tiếp. Vậy là đi đường vòng rồi!

Hay quy định về thời hạn khoản vay tối đa 3 tháng (được gia hạn nhưng không quá 3 tháng) cũng đưa đến nhiều thắc mắc trong quá trình áp dụng. Vay margin đặc thù ở tính chất thay đổi liên tục, mua bán đan xen, khác với giao dịch vay theo nghiệp vụ cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, nên việc áp một mức thời hạn vay cho giao dịch margin là rất khó giải thích về sự cần thiết. 

Với nhu cầu margin các mã ngoài danh mục của NĐT, các CTCK có đáp ứng?

Trên thị trường, nếu có cầu thì ắt có cung, đây là thực tế có tính quy luật. Dù cấm cho vay margin với một số mã chứng khoán, nhưng NĐT có nhu cầu, CTCK sẽ tìm cách đáp ứng. Đương nhiên, việc đáp ứng phải đi vòng.

Không CTCK nào trực tiếp đứng ra cho vay bởi cơ quan quản lý ngay lập tức sẽ tuýt còi, mà thường chỉ làm trung gian, môi giới để giới thiệu NĐT với một bên thứ ba sẵn lòng mở hầu bao cho vay. Bên thứ ba này là ai? Đó có thể là các ngân hàng hay các công ty dịch vụ tài chính.

Với bối cảnh thị trường hiện nay, không còn nhiều ngân hàng mặn mà với giao dịch này, vì rủi ro luôn kề cận. Nếu chính ngân hàng cho vay và tự kiểm soát giao dịch của NĐT thì cực kỳ rối rắm, vì không có đủ cơ sở để kiểm soát. Vì vậy, ngân hàng muốn nắm “anh có tóc”, đưa tiền cho CTCK để CTCK cho NĐT vay; nhưng lúc ấy, CTCK cũng đau đầu vì khó đạt như ý, dù có lý giải dòng tiền từ ngân hàng chứ không phải của mình. 

Liệu việc này có đưa lại rủi ro gì không, thưa ông?

Không có hành vi lách luật nào không có rủi ro. Ở đây, trong cả trường hợp hợp tác với ngân hàng hay thông qua công ty trung gian, các CTCK vẫn luôn có rủi ro bị quy kết vi phạm quy định về hoạt động của CTCK nói chung, hoạt động margin nói riêng.

CTCK có thể đưa một cá nhân nào đó đứng tên thành lập công ty, làm người đại diện theo pháp luật rồi đứng ra cho NĐT vay. Vấn đề là dòng tiền chảy từ CTCK sang công ty trung gian này như thế nào?

Nó có thể là hợp đồng hợp tác, có thể là hợp đồng vay vốn… Nhưng CTCK là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có điều kiện và chỉ được triển khai các hoạt động đã được cấp phép. Vì thế, việc áp dụng các quy định của pháp luật dân sự chung để nhằm pháp lý hoá các giao dịch “đường vòng”, trong khi pháp luật chuyên ngành chưa quy định đã là rủi ro với CTCK.

Hơn nữa, giao dịch margin ngoài luồng này không được báo cáo, nằm ngoài kiểm soát của cơ quan quản lý, do đó rất khó hình dung quy mô cũng như đánh giá rủi ro khi thị trường có biến động mạnh. Một cách nào đó, giao dịch margin ngoài luồng giống như cục u ác tính bấu trên lưng quy chế giao dịch ký quỹ mà UBCK đặt ra.

Vấn đề là vì sao các CTCK lại phải tìm đến một bên thứ ba để sản sinh ra các cục u này? Không thể phủ nhận việc không có sân chơi cho chứng khoán ngoài rổ, trong khi nhu cầu thị trường dồi dào đã buộc CTCK phải đi vòng. Khi con đường chính thức bị nắn bóp vặn vẹo và rất vất vả để bước từng bước thì đương nhiên, người ta phải tính cách né con đường khó khăn đó, tìm đến con đường tắt. Và đường tắt đôi khi có nguy cơ thành đường cụt! 

Ý ông là hoạt động margin cần phải “mở” hơn nữa?

Nên để cho thị trường điều chỉnh. Việc cần làm là tạo hành lang pháp lý để thị trường có cơ hội phát triển theo, chứ không phải cấm đoán. Không nhất thiết phải hạn chế số lượng cổ phiếu được margin. 

Nhưng thế có rủi ro quá không, nhất là bài học từ thị trường Trung Quốc đang nóng hổi?

TTCK Trung Quốc sụt giảm thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Việc của thị trường hãy để thị trường quyết, nhưng cơ quan quản lý nhà nước cần phát huy vai trò quản lý, định hướng thị trường bằng hành lang pháp lý phù hợp.

Nói riêng với giao dịch margin, có thể xem xét việc mở rộng phạm vi tài sản bảo đảm. Trước hết là thống nhất xác định toàn bộ chứng khoán của khách hàng đều có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm, thay vì quy định chỉ cho phép dùng chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ như tại Quy chế.

Việc cho phép CTCK nhận bảo đảm các dạng tài sản khác như bất động sản, động sản khác cũng cần xem xét để áp dụng, nhằm tăng cường khả năng chủ động của CTCK khi cho vay, chia sẻ rủi ro khi tài sản bảo đảm là chứng khoán có biến động về giá.

Từng có ý kiến cho rằng, các CTCK không như các tổ chức tín dụng, không có bộ máy, kinh nghiệm… để xử lý các tài sản này. Nhưng với các giao dịch dân sự thông thường, các bên có quyền thoả thuận để nhận bảo đảm các loại tài sản này và vẫn xử lý được theo quy định của pháp luật.

Một hàng lang pháp lý thông thoáng, dễ thực thi, sát với thị trường sẽ giúp CTCK nâng cao năng lực quản trị, bởi lẽ mọi giao dịch, hoạt động sẽ minh bạch và được kiểm soát, thay vì hoạt động lách luật rất khó đánh giá nguy cơ như hiện tại.

Tin bài liên quan